Sau chuyến thăm đầu tiên của phái đoàn Trung Quốc đến trụ sở Wolfsburg, Đức vào năm 1978, Volkswagen trở thành một trong những hãng xe châu Âu đầu tiên tham gia thị trường tỉ dân này kể từ khi nó vẫn còn chưa được khai phá.
Nhờ vị trí tiên phong, Volkswagen dễ dàng trở thành nhà sản xuất ô tô có thị phần lớn nhất kể từ khi chiếc Santana đạt thành công vang dội và duy trì vị thế này suốt hơn 4 thập kỉ. Vào năm ngoái, có tới 1 nửa lợi nhuận (hơn 24 triệu USD) của tập đoàn này đến từ Trung Quốc. Chính vì vậy, không khó hiểu khi hãng xe Đức cũng rất chú trọng đầu tư nhà máy tại đây. Điều này càng được thể hiện rõ khi sáng kiến “tại Trung Quốc, vì Trung Quốc” được đưa vào thực thi nhằm thể hiện rõ vai trò của thị trường này đối với Volkswagen cũng như thể hiện cam kết đầu tư lâu dài tại đây.
Trong đó, phải kể đến nhà máy SAIC Volkswagen đặt tại thành phố Ninh Ba (Chiết Giang, Trung Quốc) nơi đang sản xuất, lắp ráp nhiều dòng xe Viloran, Teramont, Teramont X và Tharu có tổng diện tích lên tới 2,62 triệu m2, diện tích xây dựng 920.000 m2 nằm ở Vịnh Hàng Châu. Nhà máy với tổng vốn đầu tư gần 1,7 tỉ USD đi vào hoạt động từ tháng 10.2013 chỉ sau 22 tháng xây dựng tiếp tục nhận được gần 2,7 tỉ USD đầu tư mở rộng chỉ sau 1 năm và đi vào hoạt động tháng 12.2017 với tổng công suất có thể đạt 600.000 xe/năm. Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước những xe sản xuất tại nhà máy này cũng được xuất sang Nga, Úc, Đài Loan và các nước Trung Đông, sắp tới là Việt Nam.
Không chỉ hoành tráng về quy mô, nhà máy tại Ninh Ba quy tụ những tinh hoa của Volkswagen trong sản xuất với hệ thống dây chuyền máy ép tốc độ cao lần đầu tiên được trang bị có thể sản xuất 18 thành phẩm mỗi phút ứng dụng công nghệ mới tiết kiệm năng lượng hơn tới 35%. Đặc biệt, đây cũng là dây chuyền đầu tiên của Volkswagen tại Trung Quốc được ứng dụng hệ thống BDE có vai trò như bộ não con người điều khiển toàn bộ quá trình sản xuất một cách tối ưu nhất.
Xưởng chế tạo thân xe có diện tích 120.000 m2 đang được ứng dụng nền tảng MQB tiên tiến nhất của tập đoàn Volkswagen cải thiện tính linh hoạt, dễ dàng mở rộng các mô đun giúp tăng độ cứng vững trong khi trọng lượng giảm đáng kể. Khu vực này được phục vụ bởi 1.100 robot biến nó thành xưởng thân xe có số lượng robot lớn nhất, tỉ lệ tự động hóa lên tới 78%.
Nhà máy này hiện cũng đang được áp dụng công nghệ hàn laser bền chắc hơn 30% so với hàn điểm và trạm đo trực tuyến thân xe nhằm “quét” cặn kẽ toàn bộ 100% không gian thân xe để phát hiện khiếm khuyết. Công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến RFID hay công nghệ xử lý thẻ không cần giấy tờ A-WBK cũng được áp dụng.
Nhờ ứng dụng những công nghệ mới nhất và đầu tư vào năng lượng mặt trời, nhà máy Ninh Ba từng lập kỷ lục Guinness vào năm 2015 có khả năng cung cấp 65 triệu kilowatt giờ năng lượng điện sạch mỗi năm đáp ứng 20% năng lượng cung cấp cho nhà máy hoạt động giúp tiết kiệm tới 19.500 tấn than tiêu chuẩn, giảm 51.200 tấn khí thải nhà kính. Hệ thống hồ nhân tạo cũng được xây dựng nhằm thu gom nước mưa để xử lý nước thải cũng như nước phục vụ vệ sinh, sinh hoạt của nhà máy.
Khác với nhà máy SAIC Volkswagen tại Ninh Ba, Anting đặt tại thành phố Thượng Hải là nơi tập trung sản xuất xe xanh của hãng như ID.3, ID.4 X, ID.6 X và Audi Q5 e-tron. Có diện tích khiêm tốn hơn – 62.600 m2 với 6 dây chuyền sản xuất chính, 2 dây chuyền lắp ráp trước mô đun, dây chuyền thử nghiệm… Trong đó, trạm lắp ráp khung gầm tại Anting được lắp ráp hoàn toàn tự động, đây là dây chuyền đầu tiên của liên doanh SAIC Volkswagen được ứng dụng, hoàn toàn không sử dụng con người trong vận hành.
Tất cả là nhờ công nghệ cấp liệu tự động, lắp ráp tự động và nhận dạng trực quan giúp cả quá trình diễn ra nhịp nhàng, chính xác. Khu vực trạm thử nghiệm thiết kế không gian mở, hoàn toàn trong suốt hạn chế tối đa thiết bị gây phát thải nhà kính.
Dù có quy mô hoành tráng nhưng cả Ninh Ba lẫn Anting cũng chỉ là 2 trong số 33 nhà máy sản xuất xe và linh kiện phụ tùng của Volkswagen tại Trung Quốc với năng lực sản xuất khoảng 5 triệu xe mỗi năm. Hiện có khoảng 500.000 nhân viên làm việc cho Volkswagen tại Trung Quốc, con số này có thể nâng cao hơn về chất khi trung tâm nghiên cứu sáng tạo mới với khoản đầu tư hơn 1 tỉ USD được xây dựng.
Trong thời gian tới, Volkswagen sẽ nhập khẩu trực tiếp xe từ Trung Quốc (chủ yếu tại nhà máy Ninh Ba và Anting) về Việt Nam nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định. Ngoài ra, việc nhập khẩu xe từ Trung Quốc hứa hẹn giúp hãng xe Đức tăng lực cạnh tranh về sản phẩm bởi đây đều là những mẫu xe được phát triển dành riêng cho thị trường này và một số thị trường lân cận với các tính năng, trang bị và thiết kế phù hợp hơn. Tất nhiên, hãng xe Đức cũng cần chứng minh với khách Việt chất lượng những chiếc xe nhập từ thị trường này vẫn đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe nhất.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Volkswagen với doanh số đạt 2,4 triệu xe bán ra vào năm 2021 và từ đó đến nay duy trì vị trí dẫn đầu. Tập đoàn Volkswagen đã thành lập 33 nhà máy tại Thượng Hải, Trường Xuân, Đại Liên, Nam Kinh, Yizheng, Thành Đô, Phật Sơn, Ninh Ba, Trường Sa, Urumqi, Hợp Phì và Thiên Tân để sản xuất xe và linh kiện tại Trung Quốc. Tính đến năm 2023, tập đoàn Volkswagen tại thị trường tỉ dân có khoảng 500.000 nhân viên tại Trung Quốc, bao gồm cả những nhân viên thuộc liên doanh toàn cầu và năng lực sản xuất hàng năm khoảng 5 triệu xe.