>>Hỗ trợ người dân mua xe điện, cần tầm nhìn dài hạn
Từ câu chuyện Trung Quốc
Trung Quốc đã đạt được thành công trong việc phát triển ngành công nghiệp xe điện, nhờ hệ thống chính sách được xây dựng đồng bộ với tầm nhìn dài hạn. Về cơ bản, có 3 nhóm chính sách gồm ưu đãi cho nhà sản xuất: trợ cấp người mua xe; hỗ trợ phát triển hạ tầng xe điện và các thủ tục hành chính ưu tiên xe điện.
Động lực chính thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ, được cho là đến từ các khoản tài trợ “hào phóng” của chính quyền. Chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho doanh nghiệp dựa trên doanh số bán hàng, tức là doanh số bán hàng càng cao thì mức hỗ trợ càng hấp dẫn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có trợ giá với sản phẩm dựa theo dung lượng pin xe điện. Cụ thể, xe ô tô thuần điện có phạm vi chạy trên 400 km sẽ được trợ giá 3.600 USD, từ 250 – 400km được nhận 2.600 USD, dưới 250km không được trợ giá…
Từ năm 2017, Trung Quốc áp dụng một hệ thống chấm điểm dành cho ngành công nghiệp ô tô. Theo đó, các hãng sản xuất chế tạo xe năng lượng sạch, sẽ được thưởng điểm và trừ điểm các hãng chế tạo ra các mẫu xe tiêu tốn nhiên liệu hóa thạch. Những chiếc ô tô đến từ các hãng sản xuất có điểm số âm, có thể bị loại khỏi thị trường. Nhờ đó, Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang định hướng sản xuất xe năng lượng sạch.
Với người tiêu dùng, Chính phủ Trung Quốc đã có chương trình hỗ trợ kéo dài như: khách hàng mua xe điện sẽ nhận được khoản tiền trợ cấp lên tới 60.000 Nhân dân tệ (khoảng 197 triệu đồng). Bên cạnh đó, còn có rất nhiều chương trình ưu đãi thuế, chẳng hạn như chương trình giảm thuế 10%, đối với các giao dịch mua xe năng lượng sạch có giá dưới 300.000 nhân dân tệ (khoảng 1 tỷ đồng). Song song với đó là áp dụng một số giải pháp hạn chế, liên quan tới xe chạy bằng năng lượng ô nhiễm. Nhiều thành phố tại Trung Quốc đã thực hiện đấu giá hoặc quay số để lấy biển số xe mới, điển hình như tại Bắc Kinh, biển số ô tô được cấp thông qua quay số, ai trúng số mới được đăng ký xe. Tuy nhiên, với xe điện được ưu tiên, chủ xe không phải quay số mà sẽ được cấp biển ngay, đồng thời được giảm 50% phí đăng ký xe…
Chú thích ảnh: Xe liên doanh Mỹ (SGMW) – Mini EV là mẫu xe khai mở phân khúc xe điện cỡ nhỏ tại Việt Nam
Để người dân có thể quen và dần chấp nhận xe điện, phát triển cơ sở hạ tầng và các chính sách ưu đãi cũng đóng vai trò quan trọng. Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp để phát triển hạ tầng sạc điện, giảm phí đối với người sử dụng xe điện; tiêu chuẩn về sạc xe điện cũng được xây dựng thống nhất. Nhờ vậy, người sử dụng xe ô tô điện có thể sử dụng cùng một loại ổ sạc.
Nhờ những chính sách khuyến khích hỗ trợ đồng bộ và hấp dẫn, đến nay Trung Quốc đã đạt được thành công trong việc phát triển xe điện. Ngành công nghiệp ô tô điện của Trung Quốc đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Năm 2022 doanh số bán xe điện đạt 5,365 triệu chiếc, chiếm 25% tổng lượng xe ô tô được bán ra tại Trung Quốc và chiếm hơn 50% tổng lượng xe điện bán ra trên toàn cầu. Trung Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia đứng đầu về xuất khẩu ô tô điện. Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang chiếm khoảng 40% thị trường xe điện thế giới.
Đến chính sách cho Việt Nam
>>Sẽ có ngày ô tô Trung Quốc tràn ngập đường phố Việt Nam?
Tại Việt Nam, Nhà nước đã ban hành những chính sách ưu đãi dành cho xe điện như: miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm (từ tháng 3/2022 đến tháng 3/2025), giảm thuế tiêu thụ đặc biệt,… nhằm khuyến khích người dân sử dụng. Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước khác, những chính sách kể trên vẫn còn khá khiêm tốn.
Tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông điện” do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 10/11 vừa qua, nhiều đại biểu đã kiến nghị nhà nước cần có cần có những chính sách ưu đãi hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa với xe điện. Trong các chính sách hỗ trợ về xe điện nói chung, chính sách đem lại hiệu quả nhanh chóng nhất là trợ giá. Chính sách này bao gồm hai phần: trợ giá cho doanh nghiệp sản xuất và trợ giá cho người mua xe điện. Điều này đã được thực hiện thành công tại các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Na Uy, Anh…. Song song với đó là áp dụng một số giải pháp hành chính hạn chế xe chạy bằng năng lượng ô nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho xe điện, xe năng lượng sạch. Cùng với đó là hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển hệ thống trạm sạc.
Ngoài ra, Chính phủ nên xây dựng hệ thống điểm thưởng cho các hãng sản xuất chế tạo xe năng lượng sạch và trừ điểm các hãng chế tạo ra các mẫu xe tiêu tốn nhiên liệu, tạo động lực cho các nhà sản xuất ô tô chuyển sang sản xuất xe năng lượng sạch như những gì Trung Quốc đã thực hiện thành công.
Dự kiến, đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 1 triệu xe/năm để phục vụ nhu cầu trong nước. Nếu không đầu tư phát triển ngành xe điện, khi đó Việt Nam sẽ tiêu tốn mỗi năm khoảng 9-10 tỷ USD để nhập khẩu xe nguyên chiếc phục vụ người tiêu dùng. Chậm phát triển xe điện có thể gây thất thu ngân sách lớn trong thời gian tới, ngược lại nếu ban hành sớm chính sách đủ mạnh và đồng bộ để thu hút đầu tư cho xe điện và pin xe điện, sẽ kéo theo nhiều ngành công nghiệp khác cũng phát triển như: công nghiệp hóa chất, công nghiệp điện-điện tử, công nghiệp nhựa, công nghiệp khai khoáng,…
Đối với lĩnh vực xe điện trên thế giới, hiện nay, tất cả các quốc gia đều chung một điểm xuất phát. Nếu chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư của Việt Nam ban hành chậm, không đủ mạnh, tỷ lệ nhập siêu trong ngành ô tô sẽ tăng cao, Việt Nam sẽ bị chậm chân trong việc đón lấy cơ hội để phát triển xe điện hiện nay..
Với xe điện mini lưu thông trong đô thị, đây là phân khúc quan trọng, có ảnh hưởng rộng lớn, làm thay đổi thói quen di chuyển của người dân, cần các chính sách ưu đãi mạnh mẽ hơn nữa. Chẳng hạn như: Miễn phí và ưu tiên cấp biển số; miễn, giảm phí đỗ xe và phí vào nội đô; cho phép xe điện cỡ nhỏ đi vào đường dành riêng cho xe buýt; thưởng cho người dân khi chạy xe điện đạt từ trên 10.000km mỗi năm…
Những chính sách này được áp dụng sẽ tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ đối với người tiêu dùng, khuyến khích người dùng mua xe điện để được hưởng những ưu đãi hơn hẳn xe động cơ đốt trong truyền thống.