Công nghiệp ô tô đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam từ đầu thế kỷ 21 đã xây dựng chiến lược với khát vọng có ngành công nghiệp ô tô phát triển, nhưng mục tiêu đó đến nay không thành công. Tuy nhiên, cơ hội “trăm năm có một” lại đang đến, khi thế giới chuyển đổi từ ô tô động cơ đốt trong sang ô tô điện. Đây là cơ hội để Việt Nam viết lại kịch bản cho ngành công nghiệp ô tô và hướng tới quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Dù vậy hình như Việt Nam lại đang chậm chân trong việc đón bắt cơ hội lớn này và câu hỏi “trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta có cần ngành công nghiệp ô tô hay không”? vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
>>Công nghiệp ô tô – Bài 1: Chìa khóa của sự thịnh vượng
>>Công nghiệp ô tô – Bài 2: Khát vọng không thành
>>Công nghiệp ô tô – Bài 3: Mắc sai lầm liên tục, mất cơ hội phát triển
>>Công nghiệp ô tô – Bài 4: Nỗi thất vọng công nghiệp hỗ trợ
Doanh nghiệp đón đầu
Việt Nam đang bước vào giai đoạn ô tô hóa. Thị trường ô tô dự báo sẽ đạt ngưỡng 800.000 xe/năm vào năm 2025; hơn 1 triệu xe/năm vào năm 2030 và 1,8 triệu xe/năm vào sau năm 2035. Với quy mô này, sẽ mở ra cơ hội lớn để phát triển ô tô điện, đấy là chưa kể hướng tới xuất khẩu.
Không những thế, với vị trí địa lý thuận lợi cho hoạt động hậu cần toàn cầu và lực lượng lao động có tay nghề, cùng luật giao thông bên phải là yếu tố quan trọng trong bố trí và chi phí sản xuất. Những yếu tố này đủ điều kiện biến Việt Nam trở thành “đại bản doanh” ô tô điện trong tương lai.
Tại Việt Nam hiện nay, Công ty VinFast đã tiên phong đầu tư sản xuất xe điện với dự án quy mô lớn lên tới 2,5 tỷ USD tại Hải Phòng và cho ra đời 7 mẫu xe điện thuộc các phân khúc khác nhau. Tiếp theo, một loạt các doanh nghiệp khác cũng đang khởi động những dự án đầu tư vào sản xuất xe điện. Công ty TMT Motors đã đầu tư dự án sản xuất lắp ráp ô tô điện tại Hưng Yên và cho ra mắt mẫu xe đầu tiên là Wuling HongGuang. Công ty Hyundai Thành Công cho ra mắt mẫu xe điện Hyundai Ioniq 5 sản xuất lắp ráp tại Nhà máy ở Ninh Bình. Sắp tới sẽ có thêm sản phẩm của tập đoàn Geleximco với dự án nhà máy ô tô điện tại Thái Bình…
Theo ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch HĐQT Công ty TMT Motors, từ chủ trương của Nhà nước, đến năm 2045 sẽ chuyển hoàn toàn sang sử dụng xe năng lượng sạch, thì ô tô điện là lựa chọn tất yếu và thị trường rất tiềm năng. Chính vì vậy mà TMT “dấn thân” vào làm ô tô điện. Tới đây TMT sẽ có thêm nhiều sản phẩm ô tô điện, thuộc các phân khúc khác nhau, tung ra thị trường, để người dân có sự lựa chọn tốt hơn.
Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, các doanh nghiệp thành viên trong hiệp hội nhận thấy, ô tô điện phát triển là cơ hội rất lớn để mở rộng sản xuất và rất mong muốn tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện. Qua đó đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô.
Khi ngành công nghiệp xe điện phát triển, đương nhiên sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn, từ tạo việc làm, nâng tầm công nghiệp chế biến chế tạo, đóng góp lớn vào GDP hàng năm và góp phần quan trọng giúp Việt Nam thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, trở thành quốc gia phát triển, có công nghệ cao.
Xây dựng nền tảng để “cất cánh”
>>Công nghiệp ô tô – Bài 5: Lý do giúp ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản “nhảy vọt”
>>Công nghiệp ô tô – Bài 6: Câu chuyện Vinamotor
>>Công nghiệp ô tô – Bài 7: Làm ô tô thương hiệu Việt, doanh nghiệp quá đơn độc
>>Công nghiệp ô tô – Bài 8: Xe điện cơ hội trăm năm có một
Vậy nhưng cho đến nay Việt Nam lại có vẻ như đang chậm chân trong việc đón bắt cơ hội này. Hiện tại ô tô điện mới được ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ. Cụ thể, với ô tô điện chạy pin từ 9 chỗ ngồi trở xuống, từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 28/02/2027, được hưởng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 3%, từ ngày 1/3/2027 trở đi tăng lên 11%; Ô tô từ 10-16 chỗ và ô tô vừa chở người vừa chở hàng, từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 28/02/2027 được hưởng thuế 2%, từ ngày 1/3/2027 trở đi tăng lên 7%; Ô tô từ 16-24 chỗ, từ ngày 1/3/2022 đến hết ngày 28/02/2027 hưởng thuế 1%, từ ngày 1/3/2027 tăng lên 4%. Cùng với đó, lệ phí trước bạ cũng được ưu đãi. Cụ thể từ ngày 1/03/2022 đến 28/02/2025, giảm 100%; từ 01/03/2025 đến 28/02/2027 giảm 50% so với mức thu của các loại xe xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Theo các doanh nghiệp, những ưu đãi này vẫn kém hấp dẫn hơn hẳn so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia.
Trong khi nhiều nước trong khu vực đã có chính sách phát triển xe điện rất bài bản và luôn cập nhật chính sách với thực tế phát triển thì Việt Nam vẫn chưa có. Đến nay các doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi: Chiến lược tổng thể phát triển hệ sinh thái xe điện. Cùng với đó, chúng ta cũng chưa xây dựng được hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn đầy đủ về tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của các bộ phận, hệ thống và xe hoàn chỉnh.
Việt Nam đang chậm chân hơn các nước trong khu vực, trong “cuộc đua” phát triển xe điện, ông Nguyễn Minh Đồng, Giám đốc Công ty Tư vấn công nghệ Đức Việt (Tp Hồ Chí Minh) nhận định.
Về cơ bản, có 3 nhóm chính sách mà các quốc gia đang áp dụng để phát triển xe điện, đó là ưu đãi cho nhà sản xuất; trợ cấp người mua xe; hỗ trợ phát triển hạ tầng xe điện và các thủ tục hành chính ưu tiên xe điện. Trong đó Nhà nước phải đóng vai trò là người chủ động thúc đẩy, không nên để các doanh nghiệp cứ phải đi xin cơ chế. Nếu chỉ có sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp, mà thiếu sự “nhập cuộc” của Nhà nước thì sản xuất xe điện sẽ rất rủi ro. Đây cũng chính là lý do vì sao đến nay Việt Nam vẫn chưa thu hút được đầu tư, từ những tập đoàn đa quốc gia có công nghệ và tiềm lực mạnh. Vì vậy, cần nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển, với các chính sách đồng bộ và khả thi. Nếu chậm sẽ bỏ lỡ cơ hội, ông Đồng nêu quan điểm.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, trong quá khứ công nghiệp ô tô Việt Nam không phát triển là do hạn chế về chính sách. Nếu muốn công nghiệp ô tô điện phát triển thì phải xây dựng “nền tảng cất cánh”, với những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và đồng bộ.