>>Ô tô Trung Quốc tràn vào Việt Nam, ồn ào ra mắt, chật vật bán hàng
Trong sự kiện ra mắt cuối tuần vừa qua, thương hiệu ô tô Trung Quốc Lynk & Co đã giới thiệu 3 mẫu SUV là 01, 05 và 09. Trong đó, mẫu SUV 09 có giá bán công bố khởi điểm từ 2,199 tỷ đồng. Giá bán này thuộc phân khúc xe cao cấp cạnh tranh với Ford Explorer và Volkswagen Teramont và Hyundai Palisade. Mẫu x e này có giá bán thấp hơn Ford Explorer và Volkswagen Teramont nhưng lại cao hơn hẳn so với Hyundai Palisade giá bán chỉ từ 1,469 tỷ đồng tại Việt Nam.
Cũng cuối tuần qua, một thương hiệu ô tô khác của Trung Quốc là Haima cũng ra mắt khách hàng Việt mẫu MPV 7X và 7 X-E. Trong đó 7X-E là phiên bản thuần điện, có giá bán từ 1,11 - 1,23 tỷ đồng.
Vào tháng 8/2023 mẫu xe Haval H6 HEV của hãng xe Great Wall Motor Trung Quốc đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam với giá bán công bố 1,096 tỉ đồng.
Trong khi đó vào đầu năm 2022, thương hiệu xe hạng sang Trung Quốc là Hongqi (Hồng kỳ) đã thâm nhập thị trường Việt Nam với mẫu H9 và E HS9. Trong đó, H9 là xe xăng có 5 phiên bản với giá bán từ 1,508 – 2,688 tỷ đồng. Còn E HS9 là xe thuần điện với 4 phiên bản có giá bán từ 2,768-3,688 tỷ đồng.
Không thể không thừa nhận, ô tô Trung Quốc ngày nay được trang bị nhiều công nghệ hiện đại, nội thất sang trọng, thiết kế đẹp mắt. Ngay cả những mẫu xe có giá bán dưới 800 triệu thì công nghệ cũng đã tràn ngập rồi, không nói gì tới những xe tiền tỷ. Không những thế, theo thời gian, công nghệ, kỹ thuật sản xuất, chế tạo ô tô của các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng được nâng cao, nên sản phẩm xuất xưởng cũng tốt hơn so với trước, thiết kế “đạo, nhái” các hãng xe tên tuổi cũng giảm. Cùng với đó, tham vọng của các hãng xe Trung Quốc cũng lớn lên, muốn vươn ra chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam lại là một thị trường khó tính. Thương hiệu ô tô Trung Quốc ở phân khúc xe cá nhân dưới 10 chỗ ngồi, nhiều năm nay chưa thể giành được niềm tin từ người tiêu dùng Việt Nam. Với số tiền từ 1 - hơn 3 tỷ đồng, người tiêu dùng Việt Nam có nhiều lựa chọn mua ô tô của các thương hiệu Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức…vốn đã được khẳng định về độ tin cậy và uy tín.
Cho dù xe Trung Quốc có thiết kế ngoại hình đẹp, nội thất nịnh người dùng bằng loạt công nghệ hiện đại và sử dụng động cơ tăng áp, hybrid, điện, thân thiện môi trường. Nhưng những điều này chưa đủ để đem lại thành công ở Việt Nam. Người tiêu dùng Việt Nam vốn có định kiến nặng nề với những chiếc xe con, mang thương hiệu “Tàu”. Do đó, mỗi chiếc xe bán tại đây đều vấp phải vô vàn khó khăn, doanh số thấp.
Câu hỏi là có ai dám bỏ tiền tỷ ra để làm “chuột bạch” ? Có bao nhiêu người sẵn sàng chi 2,199 tỷ đồng để mua Lynk & Co 09 mới lạ của Trung Quốc? Trong khi đây là số tiền lớn, có thể mua được cả xe sang BMW, Mecerdes, Audi… dù ở phân khúc thấp hơn nhưng có nhiều công nghệ hiện đại, sang trọng, lại sở hữu thương hiệu mạnh, ít rủi ro. Còn vẫn muốn xe cùng phân khúc mà số tiền ít hơn có thể chọn Hyundai Palisade với giá bán từ 1,469 tỷ đồng, một thương hiệu đã quen thuộc và chất lượng đã được khẳng định.
Thực tế đã chứng minh, ô tô thương hiệu Trung Quốc luôn gặp khó khi tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam. Đến nay, chưa có thương hiệu xe con Trung Quốc nào đạt doanh số bán đạt 5.000 xe/năm. Tất cả chỉ đạt từ vài chục chiếc đến vài nghìn chiếc mỗi năm. Haval H6 HEV sau khi công bố giá bán 1,096 tỉ đồng, thấy không có khách hàng đã vội giảm giá gần 300 triệu đồng, đưa về cạnh tranh với xe phân khúc thấp hơn cỡ Mazda CX5 vẫn không thành công. Hongqi cũng đã giảm giá các mẫu xe hàng trăm triệu đồng vẫn khó bán.
Khi ra mắt thì đình đám với giá bán cao ngất, nhưng ế ẩm, lại “giảm giá không phanh” thì uy tín còn đâu.