Vì sao gọi là bờ xe nước?

07:53 - 12/01/2024

Không biết tự bao giờ, ông cha ta đã sáng tạo ra bờ xe nước. Trước năm 1975, dù chiến tranh còn ác liệt, phá hủy nhiều công trình từ cổ sang kim, tôi vẫn thấy cái bờ xe nước ở quê hương ngày đêm cần mẫn mang dòng nước mát ngọt lành từ dưới sông sâu lên tưới tắm ruộng đồng trên cao.

 

Theo nhiều nguồn tư liệu về bờ xe nước ở Quảng Ngãi, bờ xe nước đầu tiên có thể đã được lắp đặt trên sông Vệ ở vĩ tuyến 15, rồi lan rộng ra sông Trà Khúc và tồn tại hàng trăm năm sau đó.

Không biết các vùng quê khác thế nào, chứ trước đây bờ xe nước ở Quảng Ngãi khá nhiều. Có đến vài chục thậm chí gần trăm cái bờ xe nước như vậy trên dòng sông Trà Khúc, sông Vệ. Khi mà nông nghiệp còn khá lạc hậu, thì việc sáng tạo ra bờ xe nước là một "đại công trình thủy nông tầm cỡ" lúc bấy giờ. Trong khi tát nước bằng gàu cao lắm chỉ được 2 mét, thì bờ xe nước có thể đưa nước lên cao hàng chục mét. Dòng nước gom từ nhiều xe nước đổ vào cuồn cuộn chảy, có thể tưới tắm cho cánh đồng xa rộng cả vài cây số.

Nếu như ở miền núi, người dân lợi dụng sức nước của các con suối nhỏ để làm chày giã gạo thì cư dân vùng xứ Quảng đã biết lợi dụng sức chảy của dòng sông trông có vẻ êm đềm để đưa nước lên cao.

Vật liệu hoàn toàn thiên nhiên

Vật liệu chủ yếu để làm bờ xe nước là tre già đem ngâm, sau đó thi công theo yêu cầu. Có kết hợp với gỗ nặng như gỗ lim, gỗ cầy để chằng buộc, neo giữ dưới dòng nước sao cho không bị lực đẩy của nước làm nổi các vật liệu vốn nhẹ hơn nước này.

Nguồn vật liệu tại chỗ này thì nhiều vô kể. Các loại dây chằng buộc chủ yếu là dây rừng như dây chạc chìu, song mây, cật tre... Khi mà không có nhiều sắt thép và cấu kiện bê tông thì đây quả là một sự vận dụng nguyên liệu tại chỗ một cách độc đáo, diệu kỳ của bà con xứ Quảng.

Thiết kế xe nước dĩ nhiên phải có hình bánh xe tròn để quay đều. Trong mỗi bánh xe là một chuỗi các lóng tre bổ đôi, cột nghiêng nghiêng để vục nước vào, đưa lên cao và đổ vào máng xối.

Mỗi bờ xe nước có khoảng 10 - 12 bánh, tính từ mặt nước sông lên bờ thì cao tầm 10 đến 12m, cả guồng bờ xe nước dài khoảng 20m - 24m được làm từ hàng ngàn cây tre già cùng nhiều loại dây rừng. Cả một cấu kiện như thế nặng hàng tấn được lắp ghép chằng buộc cẩn thận từng vị trí, mấu mố....

Quá trình thi công làm sao cho từng bánh xe đồng đều, quá trình múc và đổ nước vào máng dẫn vận hành một cách êm ái nhẹ nhàng. Khác với một số nơi họ đặt một bánh xe giữa suối, thì bờ xe nước đặt ở mép bờ sông.

Vì sao gọi là bờ xe nước?

Bờ cừ tre trong hệ thống bờ xe nước ở Quảng Ngãi

Sau Tết Nguyên đán, ở miền Trung đã ít mưa rừng, dòng chảy ổn định, người dân bắt đầu lắp đặt bờ xe nước xuống bờ sông. Đầu mùa hè đến giữa mùa thu, bờ xe nước vận hành hiệu quả nhất. Nước do bờ xe mang lên, chảy vào các kênh mương hai bên bờ, rồi tự chảy hoặc bằng gàu sòng, gàu dai, xe lùa dẫn nước đến hàng ngàn mẫu ruộng mùa hè khô khát. Đến khoảng tháng 9 âm lịch thì bà con phải lo tháo dỡ toàn bộ công trình mang cất. Không thì dòng nước lũ mùa mưa dâng cao có thể cuốn phăng cả trăm bờ xe nước.

Vì sao gọi bờ xe nước?

Công cụ để đưa nước lên cao có hình thù bánh xe nên gọi nó là xe nước thì đúng rồi. Nhưng tại sao gọi là "bờ" trong chữ bờ xe nước? Ta thường thấy các bờ ruộng, bờ kè, bờ kênh, bờ đê được đắp chủ yếu là bằng đất. Nhưng đắp bờ đất dưới dòng sông thì khó khả thi và không thể tạo thành dòng chảy. Do đó họ tạo ra một loại "bờ", đó là bờ cừ. Ở Quảng Ngãi không có cừ tràm. Họ đóng cừ bằng tre, đóng thẳng xuống mép bờ sông. Kỹ thuật làm ra sao, làm thế nào chính là mấu chốt "bí kíp" của bờ xe nước. Không phải ai cũng làm được, chỗ nào cũng làm được. Phải là nghệ nhân có kinh nghiệm được truyền dạy kỹ càng mới có thể thực hiện được "bí kíp" này.

Vì sao gọi là bờ xe nước?

Ông Mai Văn Quýt (trái) và ông Nguyễn Tiến Dũng (Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi) bên tấm hình bờ xe nước Quảng Ngãi năm xưa

Các cụ già xưa kể lại, đầu tiên, phải chọn được chỗ đóng bờ cừ tre hình chữ V để gom nước vào cỗ máy, tạo dòng chảy mạnh. Thứ đến mới là chỗ đặt tổ hợp guồng bánh xe. Khi dòng nước gom vào các bánh xe mạnh hơn một chút, thúc đẩy từng bánh xe và cả bờ xe nước vận hành mang nước đi lên quay đều nhịp nhàng. Chính vì thế nó có tên gọi là bờ xe nước.

Vì sao gọi là bờ xe nước?

Sáng 10.1, nghệ nhân Mai Văn Quýt đã có mặt tại TP.HCM để chuẩn bị lắp ráp bờ xe nước

Khi chưa có ổ bi thép khổng lồ, chưa có chất bôi trơn đưa vào công trình này thì bờ cừ tre hình chữ V là động năng bổ sung để giúp bờ xe nước vận hành trơn tru mượt mà suốt mấy tháng trời cần mẫn dưới sông, dẫn thủy nhập điền, giúp mùa màng của bà con bội thu...

Hồn quê đong đầy

Theo năm tháng, bờ xe nước đã bị thay thế bằng những công trình thủy lợi hiện đại hơn, bao phủ khắp cánh đồng. Hai ba chục năm nay đã vắng bóng bờ xe nước trên sông Trà, sông Vệ; thiếu vắng đi một hình ảnh hồn cốt quê hương Quảng Ngãi.

Năm nay, chương trình Sắc quê Quảng Ngãi lần thứ I, tổ chức tại TP.HCM vào các ngày 12, 13.1 đã mời nghệ nhân Mai Văn Quýt (79 tuổi, ngụ thôn Thống Nhất, xã Tịnh Ấn Tây, phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) cần mẫn tái hiện mô hình bờ xe nước để bà con thưởng lãm và nhớ về Quảng Ngãi trăm mến ngàn thương...

 

 
 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...