Mỗi tác giả đều có một vùng đất riêng của bản thân mình. Nếu Phạm Công Luận, Cù Mai Công chọn gắn bó với Sài Gòn, Nguyễn Bình Phương chọn Linh Sơn (Thái Nguyên), Nguyễn Việt Hà, Lê Minh Hạ chọn Hà Nội… thì với Phi Tân, Huế chính là nơi ông đã ở đó, ra đi rồi lại trở về.
Trước Chuyện xưa thành cũ, ông từng ra mắt 2 tác phẩm khác về vùng đất này, là Bên sông Ô Lâu và Về Huế ăn cơm. Khác với một tác giả khác cũng từng gắn bó với địa danh này là Hoàng Phủ Ngọc Tường, tản văn của Phi Tân nhẹ nhàng, êm dịu và có đôi khi chỉ là những điểm xuyết nhẹ nhưng làm nao lòng người đọc dù họ đã đến hay chưa ghé qua.
Tập sách gồm có 3 phần, xoay quanh những gì quen thuộc và đã gắn bó với nhà văn trong suốt đời mình. Trong đó phần 1 viết về sông, phá, biển – những “địa chỉ” đã định hình nên thời thơ ấu của ông, phần 2 xoay quanh tâm tình xứ Huế và cuối cùng, phần 3, nói về một phần “máu thịt” của xứ sở này, là vườn và là thiên nhiên.
Mượn một câu hỏi vô cùng nổi tiếng của nhà làm phim tài liệu Trần Văn Thủy, Phi Tân cho thấy rằng nếu đi hết biển sẽ quay lại làng, vì thế nơi này gắn bó một cách mật thiết với cuộc đời ông. Đó là dòng Ô Lâu đổ ra phá Tam Giang, là những ký ức về các bến thuyền đông đúc và nhộn nhịp ngang qua sông Hương, là những làng chài, làng biển… sống theo mệnh nước lên xuống hằng ngày.
Con sông Ô Lâu suốt bao năm qua vẫn đứng yên đó giữa dòng lịch sử. Nó đã đi vào thơ của Thanh Hải, nhạc của Trần Hoàn trong Mùa xuân nho nhỏ. Nó cũng là chứng nhân “sống” cho câu chuyện công chúa Huyền Trân bái biệt nước non Đại Việt để vượt ngàn trùng làm dâu Chiêm quốc… Cách nhà tác giả chỉ hơn cây số, đó là con sông tuổi thơ và đã góp phần hình thành nên con người ông.
Tuy vậy, như tác giả chia sẻ, gắn bó với ông nhất vẫn là sông Hương quá đẹp và quá lộng lẫy. Ký ức “lên phố” của cậu bé Phi Tân ngày nào gắn với những chuyến đò dài và khung cửa sổ nhìn ra qua xung quanh. Ở đó có những chuyến đò ngang như thơ lục bát gieo vào giữa sông, có những thuyền bè nép mình hiền dịu… Nhưng như tác giả tỏ bày, để đi hết được chiều sâu của con sông này, thì đó là một hành trình gần như thăm thẳm, không biết bao giờ đến nơi.
Phần hai – miền thương là những tâm tình của vị tác giả với địa danh này. Những cảm hứng ấy có thể bộc phát từ bất cứ đâu: từ ký ức, từ tuổi thơ, từ những bè bạn sống xa quê hương… Ngoài ra nó cũng có thể từ một khoảnh khắc trên mạng xã hội, từ đó sống dậy nơi vị tác giả những cảm xúc riêng.
Ở đó ký ức trở thành “gia tài” của riêng Phi Tân để nhớ để yêu. Ông nhớ về thời đá bóng với những mục đồng chăn trâu, ông nhớ về thời đi học với những gặp gỡ cũng như hò hẹn... Ký ức ấy cũng nối dài với những đồ vật, từ giếng nước, đụn rơm, đình làng, cho đến quầy báo, cái lu, sập lúa…
Dẫu cho trong thời đại này những thứ ấy không còn quá nhiều, nhưng qua những “lối nhỏ” của trí nhớ, nó đã mang lại cho cả tác giả cũng như độc giả một chuyến viếng thăm - về với ấu thơ, để ta ngơi nghỉ và được náu mình trong khoảnh khắc thoát khỏi cuộc sống xô bồ.
Tuy đã có cuốn sách riêng viết về ẩm thực Huế, nhưng ở Chuyện xưa thành cũ, tác giả cũng đã nhắc lại những nét rất riêng, đó là món ớt mói (ớt muối) không thể thiếu được trong các món Huế. Đó cũng còn là cơm hến, lọn tré, là chuối mật cui, là bánh canh chả cua, bún chả cá… mà qua cách thưởng thức, một tinh thần Huế và phong cách Huế lại sẽ hiện về.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nói, “Tình yêu thiên nhiên là một tình cảm lớn trong tâm hồn Huế đến nỗi nó mang màu sắc của một triết học chi phối toàn bộ cuộc sống tinh thần của người Huế. Sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người là nguyên lý căn bản trong tư duy kiến trúc Huế, từ tổng thể đô thị cho đến tận chỗ ở của mọi gia đình”. Vì thế, trong phần 3 tác phẩm, Phi Tân cũng khai thác về rau trái vườn xưa, về cách thiên nhiên ẩn hiện từng lớp trong cuộc sống người Huế.
Ở mỗi loại cây, ông đều cho thấy được vẻ đẹp riêng không thể nhầm lẫn. Đó là mai vàng, mai trắng hay mai tứ quý. Là khế, nấm tràm, măng vòi hay thanh trà... Từ đó để thấy rằng “những người Huế qua bao thế hệ đã kéo thiên nhiên về quanh mình”, cũng như “người Huế xưa gầy dựng nên những nhà vườn không chỉ để ở mà còn gửi gắm vào không gian sống những khát vọng lâu bền với cuộc đời thể hiện qua việc đặt tên nhà vườn theo ước nguyện, triết lý sống và văn chương”.
Những loài cây ấy, thông qua đó, cũng phản ánh phần nào tính cách con người nơi đây. Trong khi thược dược hay các loại cúc khó trồng đòi hỏi công chăm sóc lớn, cho thấy được sự tỉ mỉ, chịu thương chịu khó của người dân Huế, thì việc đổi tên măng cụt thành giáng châu cũng cho thấy tình yêu văn chương và sự lãng mạn của vùng đất này…
Nhưng cảm động nhất vẫn là những vườn rau xanh mọc lên tươi tốt sau các trận lũ, cho thấy tinh thần không hề khuất phục, đứng lên mạnh mẽ của một vùng đất vốn phải chịu đựng quá nhiều thiên tai. Huế ở đó trong mọi loài cây, ngọn cỏ, rồi sẽ trở thành miền thương trong tim mỗi người…
Và như tác giả chia sẻ: “Miền thương của tôi là xứ Huế… Miền thương của tôi là những câu chuyện xưa cũ chỉ còn trong ký ức đã được nuôi nấng trong tâm hồn tôi và chỉ cần ‘khẽ chạm’ là bao nhiêu thương nhớ trở về thơm thảo thật thà như hoa trái vườn xưa luôn sinh động, hồn nhiên, da diết hồn quê tình xứ”.
Tác giả Phi Tân sinh năm 1973 tại Điền Lộc, Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Ông hiện làm việc tại Đài PT-TH Huế. Ông đã được trao nhiều giải thưởng như: tặng thưởng Tác phẩm xuất sắc nhất năm 2022 cho tập tản văn Về Huế ăn cơm của Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế, giải A Báo chí Thừa Thiên - Huế (1998) hay giải khuyến khích cuộc thi viết Thương nhớ miền Trung năm 2020 do Báo Thanh Niên tổ chức.