Trăm năm Trường Mỹ thuật Đông Dương: Xung quanh nghị định thành lập trường

08:59 - 29/10/2024

Vào đầu thế kỷ 20, chính quyền thực dân vẫn chưa có ý định xây dựng một hệ thống giáo dục bậc cao ở VN mà chủ yếu tập trung củng cố giáo dục cơ sở với chính sách "Pháp hóa" nhằm đánh bại Nho học truyền thống.

Khi các sự kiện chính trị và xã hội nổ ra ngày càng nhiều ở Viễn Đông thì họ mới quay sang dùng giáo dục như là một con bài chính trị. Sự thất bại của các phong trào cải cách ở Trung Hoa và chiến thắng của người Nhật trước quân đội Sa hoàng Nga năm 1905 đã khiến giới trí thức châu Á quay về phương Đông, đặc biệt là về Nhật Bản.
Trăm năm Trường Mỹ thuật Đông Dương: Xung quanh nghị định thành lập trường

Hiệu trưởng Victor Tardieu (ngồi giữa) cùng các thầy trò Trường Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội năm 1926)

Ảnh: Mạnh Hải Flickr

Trong một báo cáo của Jules Harmand, đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Tokyo, cho biết đầu thế kỷ 20, chính phủ Trung Hoa đã gửi rất nhiều sinh viên sang Nhật. Ở VN thời điểm đó cũng xuất hiện một phong trào gọi là Đông Du, được tổ chức và lãnh đạo bởi các sĩ phu yêu nước, trong đó có Phan Bội Châu. Đứng trước tình hình thanh niên VN rồng rắn ra nước ngoài học tập, quan chức thuộc địa muốn ngăn chặn phong trào này bằng cách cố gắng đáp ứng yêu sách của giới tinh hoa VN, đồng thời thu hút cả sinh viên Trung Hoa.

Trong báo cáo của mình gửi cho Bộ Thuộc địa, Harmand điểm huyệt: "Nếu Pháp khăng khăng không chịu giáo dục người Việt và ngăn họ tự học, thì họ sẽ tự học mà không cần Pháp và để chống lại Pháp" [trích Phan Van Truong, Une histoire de conspirateurs Annamites à Paris ou la vérité sur l'Indochine, Montreuil, Éditions L'Insomniaque, 2003, tr.62]. Albert Sarraut cũng không thể đồng tình hơn: "Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu để họ được đào tạo ngoài vòng kiểm soát của ta, ở các nước khác, chịu những ảnh hưởng khác và trong những lãnh vực học thuật hay chính trị thì giới tinh hoa sau đó sẽ trở về quê hương để tuyên truyền và hành động chống lại người bảo hộ sở tại bởi đã từ chối giáo dục họ" [Albert Sarraut, La mise en valeur des colonies françaises, Paris, Payot & Cie, 1923, tr.98 - 99].

Năm 1917, Albert Sarraut trở lại Đông Dương với tư cách Toàn quyền (lần thứ hai) thì vấn đề giáo dục bậc cao trở nên cấp thiết.

Viện Đại học Đông Dương mở cửa trở lại, bên cạnh các trường như trường Y đã tồn tại từ năm 1902 thì viện lần lượt mở thêm các cơ sở mới là trường Luật và Hành chính, trường Thú y, trường Công chính, trường Sư phạm, trường Nông Lâm, trường Thương mại... và trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời theo nghị định năm 1924.

Báo cáo của giám đốc Nha Học chính Đông Dương

Tờ L'Echo Annamite số ra ngày 14.11.1924 vui mừng đưa tin Toàn quyền Merlin ban hành nghị định ngày 27.10.1924 về việc thành lập một trường Mỹ thuật dành cho bậc nâng cao.

Trăm năm Trường Mỹ thuật Đông Dương: Xung quanh nghị định thành lập trường

Một phần nội dung báo cáo của Blanchard de la Brosse trình lên Toàn quyền Đông Dương

Ảnh: Thư viện Quốc gia Pháp

Trước khi đi vào chi tiết của nghị định thì L'Echo Annamite đăng tải báo cáo của quyền Giám đốc Nha Học chính Đông Dương là ông Blanchard de la Brosse trình lên Toàn quyền ngày 10.10.1924 về việc mở một cơ sở đào tạo các nghệ sĩ bản địa. Báo cáo này được xem là cú hích để Toàn quyền Merlin lập tức hiện thực hóa một dự án vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính giáo dục cho xứ Đông Dương vốn đã được khởi xướng đúng mười năm về trước.

Báo cáo viết:

"Gửi ông Toàn quyền,

Quy định chung về giáo dục nghề đã mở ra cho Đông Dương một số trường nghệ thuật trang trí song các trường này có mục tiêu là đào tạo thợ và nghệ nhân là chính. Những cơ sở hiện nay không được tổ chức để gây cảm hứng hay hoàn thiện các nghệ sĩ mà các nước khác nhau trong liên bang Đông Dương, với truyền thống lâu đời của họ, mong mỏi.

… Vào thế kỷ XV, XVII và XIX, người An Nam đã lột xác với những công trình kiến trúc, những mẫu trang trí độc đáo và không còn thấy liên hệ gần gũi nào với nghệ thuật Trung Hoa vốn ảnh hưởng sâu đậm trong các kiệt tác Nhật Bản hoặc Triều Tiên.

Kể từ cuối thế kỷ XIX là giai đoạn suy thoái của nghệ thuật Đông Dương. Trong khi trào lưu mến chuộng các sản phẩm nghệ thuật Viễn Đông càng lúc càng bùng nổ ở Pháp và khắp châu Âu, thì nó lại là cơ hội để chúng ta tìm kiếm trong số thợ thủ công bản địa ưu tú những người có khả năng làm ra tác phẩm xứng với tài năng giống nòi của họ.

Chúng ta không thể phớt lờ lợi ích làm cho người An Nam hiểu được tầm quan trọng của việc gìn giữ nghệ thuật truyền thống đồng thời vẫn lấy cảm hứng từ những nhu cầu mới, để hướng nỗ lực của họ và giáo dục họ theo những quy luật mỹ học chung trên toàn thế giới. Nước Pháp sẽ luôn giữ vai trò giáo dục vĩ đại, trong mọi lĩnh vực, của mọi dân tộc mà nó kiểm soát hoặc định hướng phát triển và theo cách đó nước Pháp sẽ hoàn thành một sứ mệnh lớn lao cho hệ thống kinh tế lẫn hệ thống trí dục của Đông Dương.

Từ những cân nhắc trình bày ở trên, tôi muốn đề xuất với ông mở một ngôi trường, đặt dưới sự chỉ đạo của một người có tài năng nổi trội và có nhiệm vụ cung cấp một nền tảng giáo dục bậc cao về nghệ thuật hình họa nhằm đào tạo cho thuộc địa những bậc thầy có khả năng đóng góp vào sự phát triển nghệ thuật của Đông Dương và gây được ảnh hưởng tích cực cho sản phẩm và thị hiếu của đồng bào họ…".

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...