Thương hiệu Việt khi nào ra toàn cầu?

10:59 - 05/09/2024

Nhiều thương hiệu thời trang bình dân quốc tế đã bày bán tại VN như Zara, Mango (Tây Ban Nha), H&M (Thụy Điển) hay Uniqlo (Nhật Bản) trong khi thời trang Việt còn là con số không trên thị trường thế giới, chủ yếu vẫn là dệt may gia công.

Nhìn vào thực trạng

Các nhà thiết kế (NTK) chỉ mới dừng lại ở bước làm trang phục biểu diễn cho sao ngoại, trong khi thị trường thời trang nội địa gần như nhường hẳn cho các thương hiệu đình đám thế giới hay hàng giá rẻ nhập từ Trung Quốc.

Thương hiệu Việt khi nào ra toàn cầu?

Bộ sưu tập của NTK Minh Hạnh diễn tại thác Dray Nur, Đắk Lắk

ẢNH: Đ.T

NTK Công Trí nhận định: "Các NTK của chúng ta mới dừng lại ở buôn bán nhỏ lẻ. Trong khi nhiều công ty dệt may trong nước gia công cho hãng lớn của nước ngoài. Chúng ta chưa có đối thoại, chưa nỗ lực kết nối để cùng nhau tạo ra thị trường thời trang có nét riêng. Từ nét riêng, chúng ta mới có thể giới thiệu ra thị trường quốc tế. Thời trang Việt đang đi theo kiểu đường ai nấy đi, chưa có sự thống nhất. Tôi dự nhiều hội thảo thời trang nhưng thấy chưa đâu vào đâu vì tính chuyên nghiệp của NTK chưa đạt được chuẩn cao".

NTK Sĩ Hoàng thì cho rằng xây dựng một thương hiệu đại diện cho quốc gia như Zara, Mango, H&M, hay Uniqlo là thách thức lớn. Các thương hiệu nói trên đều có quy mô về hệ thống sản xuất, phân phối rộng khắp toàn cầu. Điều này đòi hỏi nguồn tài chính khổng lồ, hệ thống quản lý hiệu quả và công nghệ tiên tiến - những yếu tố mà nhiều thương hiệu thời trang Việt vẫn chưa đạt tới. Không ít sản phẩm của các thương hiệu lớn trên thế giới được dệt và may ngay tại… VN!

Thương hiệu Việt khi nào ra toàn cầu?

Mẫu áo dài trong bộ sưu tập Kính vạn hoa của NTK Sĩ Hoàng

ẢNH: NVCC

Mặt khác, Zara, H&M, Uniqlo… thành công nhờ mô hình kinh doanh fast fashion (thời trang nhanh), thay đổi theo từng mùa trong năm khi việc sản xuất và phân phối sản phẩm với tốc độ nhanh, giá cả hợp lý. Trong khi đó, nhiều NTK Việt tập trung tạo mẫu độc đáo, đậm cá tính, phù hợp với phân khúc cao cấp hơn là fast fashion.

"Các thương hiệu quốc tế đã xây dựng được hình ảnh nhất quán và dễ nhận diện trên toàn thế giới. Ngược lại, đa số công ty thời trang Việt vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển chiến lược marketing quốc tế, xây dựng và duy trì hình ảnh thương hiệu toàn cầu cũng như hệ thống phân phối rộng khắp. Zara, Mango, H&M, Uniqlo… có hệ thống phân phối kèm chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp họ dễ dàng tiếp cận và phục vụ thị trường quốc tế", anh Sĩ Hoàng nói thêm.

Không nguyên phụ liệu thì không tạo dựng được ngành công nghiệp thời trang

NTK Sĩ Hoàng tâm sự, anh từng đến nhiều nhà máy dệt ở Nam Định, nhà máy tơ ở Lâm Đồng và hiểu rằng VN chỉ gia công cho nước ngoài nguyên phụ liệu, không thể tạo ra vải, tơ lụa thương hiệu riêng Made in Vietnam. Đó chính là một phần nguyên do vì sao VN khó có thương hiệu thời trang mang tầm quốc gia, vì phải lệ thuộc nguyên phụ liệu thành phẩm từ nước ngoài, chỉ "toàn tâm, toàn ý" may gia công cho các thương hiệu lớn.

Thương hiệu Việt khi nào ra toàn cầu?

Bộ sưu tập Xuân Hè 2024 của NTK Đỗ Mạnh Cường tại New York Fashion Week (tháng 9.2023)

ẢNH: NVCC

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN, từng nhận định: "Toàn ngành dệt may đối mặt với không ít thách thức khi đơn giá gia công còn rất thấp; đơn hàng nhỏ nhưng yêu cầu về thời gian giao hàng bị rút ngắn".

NTK Minh Hạnh nhìn nhận: "Một quốc gia muốn phát triển về thời trang phải có nền công nghiệp thời trang với nguyên phụ liệu, quy trình may mặc, marketing. Hiện nay thế mạnh của VN chỉ là may gia công, không sản xuất được nguyên phụ liệu, cập nhật chậm khuynh hướng thời trang thế giới thì rất khó cạnh tranh được với các thương hiệu lớn. Trong quy trình sản xuất này, khâu thiết kế phải là yếu tố đầu tiên, quan trọng, được cập nhật liên tục. Nguyên phụ liệu cũng phải được thiết kế. Một sản phẩm đòi hỏi xuất xứ thì VN không đạt, tỷ trọng vải truyền thống quá thấp, không thể tạo thành chuỗi để trở thành nền công nghiệp thời trang".

Thương hiệu Việt khi nào ra toàn cầu?

Bộ sưu tập áo dài của NTK Minh Hạnh diễn tại Măng Đen, Kon Tum

ẢNH: Đ.T

Chị Minh Hạnh đưa ý kiến: trong khu công nghiệp, những nhà máy dệt hầu như của nước ngoài đầu tư và có sẵn đơn hàng. Nhiều nhà máy đang dệt gia công, không cung cấp cho thị trường thời trang trong nước. Các NTK không có cơ sở dữ liệu về nguyên phụ liệu nên rất khó làm việc. Chính vì không có sự kết nối giữa nhà sản xuất nguyên phụ liệu với NTK nên khó mà xây dựng được thương hiệu thời trang mang tầm quốc gia. Đa số các công ty dệt may tại VN nhận đơn hàng gia công cho… khỏe vì được bao tiêu sản phẩm nhưng ngược lại giá trị thặng dư từ ngành này cực thấp. Đơn cử là lương công nhân dệt may nhiều năm qua vẫn ở mức khá thấp, trung bình từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. Thời trang còn rất nhiều sản phẩm khác như túi xách, mắt kính, giày dép… VN cũng không có, chỉ gia công cho các thương hiệu lớn.

Theo NTK Minh Hạnh, chính phủ cần tập trung đầu tư vào sản xuất chất liệu truyền thống như tơ lụa, trồng bông làm vải cotton... Vùng Bảo Lộc có nhiều nhà máy tơ lụa nhưng chỉ mới làm ra sợi tơ, chưa có nhà máy dệt với công nghệ mới nhất. Chỉ một vài công ty có máy dệt để gia công cho nước ngoài, đối tác nước ngoài cung cấp máy móc thiết bị và bao tiêu sản phẩm.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN Vũ Đức Giang trả lời báo giới cho biết dựa trên đề xuất của Bộ Công thương và Hiệp hội Dệt may VN, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày VN đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. (còn tiếp)

Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) thống kê trong tháng 7.2024, xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,72 tỉ USD, tăng 17,6% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm nay, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này là 20,27 tỉ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN Vũ Đức Giang thông tin tính tới hết tháng 8.2024, xuất khẩu toàn ngành dệt may đã đạt 28,6 tỉ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, xuất khẩu ngành dệt may đạt hơn 40 tỉ USD, dự tính năm 2024 sẽ là 44 tỉ USD.

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Đấu trí: Màn đấu trí cân não giữa cảnh sát và hắc đạo

Bàn tay nhân ái II: Phim kinh điển của TVB về đề tài bác sĩ

 

Bằng chứng thép VI - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...