ĐƯỜNG PHỐ VÀ ĐẠI LỘ
Sài Gòn không phải là một thành phố bằng cẩm thạch nhưng những viên gạch giản dị đã được con người tài hoa sắp đặt khéo léo và được ngân sách, những nguồn thu lớn của thuộc địa cho phép bảo tồn để không ngừng tô điểm cho thành phố ngày càng phát triển này.
Nhiều công trình kiến trúc mọc lên từ những đầm lầy cũ của Gia Định. Mỗi đại lộ mới vượt qua những con kinh lầy lội đều có những biệt thự đầy hoa và những cung điện trang nhã xuất hiện, và từ trên đỉnh thành phố, nhà thờ sừng sững với khối kiến trúc đồ sộ theo phong cách Roman tối hảo. Những tháp vuông cao vút đã hiện ra trong tầm mắt ở mỗi khúc quanh của dòng sông trên đường từ biển vào thành phố.
Được xây dựng trên gò cao của Sài Gòn, công trình tuyệt đẹp này được người Sài Gòn yêu mến vì nhiều lẽ. Nó tôn lên lòng tự trọng của người Sài Gòn và hơn thế, thánh đường này còn là nơi để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vì một lý do sâu xa. Chính nhờ việc đặt các nền móng sâu ở đây mà người ta đã khám phá ra một thủy vực trong vắt rộng lớn đủ cung cấp cho cả Sài Gòn và khiến cho nhiều thành thị ở Pháp phải ganh tị; dòng chảy của hồ ngầm này là vô tận; và trong mùa khô cũng như mùa đông, các đài phun nước công cộng và các đường ống dẫn không bao giờ cạn nước.
Tuy nhiên, loại đất nhiều cát vốn là một bộ lọc tự nhiên cho hồ nước lành này đã gây trở ngại đáng kể cho những người xây dựng tòa nhà đồ sộ và buộc phải kéo dài thời gian thi công nền móng để tìm được tầng đất sâu đủ chịu lực.
Thế nhưng tòa nhà vẫn quá nặng và một trong những tháp chuông đã bị lún, dù chỉ một chút đỉnh thôi, khiến cho nhà thờ Sài Gòn hệt như "Notre-Dame" với những tòa tháp nhấp nhô, dẫu sao vẫn không làm phật lòng những người yêu thích sự đối xứng.
Nhà thờ tuyệt tác này là giấc mơ đã thành hiện thực của một kiều dân xứ Nam kỳ, một vị linh mục Sài Gòn. Ông đã giảng đạo và tổ chức lạc quyên một cách thành công đến nỗi có hàng triệu người đổ về đây cùng dựng lên tòa công trình yêu dấu của ông. Trên quảng trường nhà thờ là sở bưu điện và điện báo (service des poster et des télégraphes) được sắp đặt trong một tòa nhà mới tinh, trang trí theo kiểu các gian hàng của Triển lãm [thuộc địa] mới nhất [năm 1889]. Một số bức tranh tường sặc sỡ rất thẩm mỹ và mang một hiệu ứng diệu kỳ trong khung cảnh tràn ngập ánh sáng này.
Tít trên cao của thành phố là đại lộ Norodom [nay là đường Lê Duẩn] chạy từ bắc tới nam, đại lộ mang tên Ông hoàng Norodom đệ nhất, quốc vương Cao Miên, xứ được chúng ta bảo hộ. […]. Đại lộ mang tên Norodom là một trong những đại lộ đẹp nhất. Dài chừng vài trăm mét nhưng trên đại lộ có rất nhiều công trình kiến trúc.
Dinh toàn quyền tráng lệ án ngữ đại lộ này bằng một mặt tiền dài chia thành nhiều ô nhỏ, còn nhà thờ thì hướng hậu cung có vòm chống về phía đại lộ. Ở phía bên kia đường là tháp nước vươn cao [nay là khu đất chỗ Hồ Con Rùa], đẩy nước ngầm đi khắp thành phố với một áp lực đủ để sử dụng vòi sen.
Trên cùng đại lộ này có bức tượng bằng đồng cao lớn là tượng Gambetta. Nó dạy cho thần dân An Nam rằng ở nước Pháp người ta dựng tượng để tưởng nhớ những con người dũng cảm đánh giặc ngoại xâm. Gambetta mặc một áo khoác lông, có lẽ hơi ngột ngạt với xứ này, và mái đầu ngửa ra sau, đang hét lên: "Tấn công Bắc kỳ, hỡi các chiến sĩ!" Thật ngớ ngẩn! Phận người như thủy triều thay đổi và sự đời không biết đâu mà lần. Gambetta tội nghiệp, giờ đây trông ông ta có vẻ hăng hái vì một lòng yêu nước thuần túy, chỉ nghĩ tới nước Pháp mà thôi, và nghĩ tới lãnh địa bao la của ông ta nữa!
Xa hơn một chút là khu vực sĩ quan, dinh thự và khuôn viên của tướng và cùng tận là doanh trại (caserne) được quy hoạch đẹp đẽ, xây dựng kiên cố. Lính thủy của chúng ta ở Nam kỳ được tiếng là dũng cảm, và từ lâu lắm nhà thương (hôpital) không có bệnh nhân, nhưng trên thực tế chẳng mấy doanh trại có được vinh dự nằm ở khu đất này như doanh trại thủy quân lục chiến, và chúng hơn hẳn doanh trại Colombo mà người Anh rất đỗi tự hào.
Xa hơn một chút về phía trung tâm thành phố là Dinh Phó soái (Palais du Lieutenant-Gouverneur) [nay là Bảo tàng TP.Hồ Chí Minh trên đường Lý Tự Trọng] với lối kiến trúc cột Corinth hoàn toàn xa lạ với nơi này. Trong các thành phố thuộc địa đang phát triển mau chóng này, người ta không nghĩ sẽ thấy các cột trụ cao lớn với mũ cột diêm dúa đồ sộ theo phong cách Hy Lạp.
Ngay bên cạnh [sic] là Pháp đình (Palais de Justice) [nay là Tòa án Nhân dân TP.HCM trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa] chiếm một không gian rộng lớn bởi ba tòa nhà mang phong cách thâm nghiêm.
Đại lộ Charner thênh thang, xây trên một con kinh cũ [kinh Chợ Vải] lầy lội, mở ra một tầm nhìn khoáng đạt về phía cảng thương mại và không thua kém gì đại lộ Cannebière. Nói cho đúng và để không mích lòng người dân Marseille thì đại lộ Charner không thể sánh được về sự nhộn nhịp.
Dù thiếu cái không khí náo nhiệt của Marseille nhưng lối đi rộng rãi này lại có nhiều lợi thế khác. Mỗi tuần một lần, đội nhạc công của thủy quân lục chiến (la musique de l'infanterie de marine) lại thu hút dân chúng đổ ra bờ sông ở cuối đại lộ mà hít thở gió mát.
Quán cà phê nối dài hai bên đường đi dạo và người ngồi trên mái hiên ngập tràn ánh sáng nhìn ra đại lộ. (còn tiếp)