Những lần mang điệu múa tâng tung da dá xuống phố biểu diễn, những nam nữ thanh niên đồng bào Cơ Tu tại xã Hòa Bắc lại tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách đến với Đà thành. Để có được một đội múa truyền thống điệu nghệ và chuyên nghiệp như vậy, các thành viên đã phải dày công tập luyện dưới sự chỉ bảo tận tình của "thầy Mỹ" - già làng Alăng Mỹ (67 tuổi, trú tại thôn Tà Lang). Già Mỹ là đội trưởng đội điêu khắc, đội trưởng đội đan lát và cũng là đội trưởng đội âm nhạc truyền thống thuộc Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Tà Lang - Giàn Bí.
"Đối với người Cơ Tu chúng tôi, tâng tung da dá là vũ điệu không thể thiếu trong bất cứ cuộc hội hè truyền thống nào, như: mừng lúa mới, đám cưới, đâm trâu... Tâng tung dành cho nam, da dá dành cho nữ. Khi chiêng, trống vang lên, tất cả cùng hòa nhịp như là sợi dây kết nối giữa con người với đấng thần linh. Vũ điệu dâng trời (Yàng) có khó học không? Tất cả đều phụ thuộc vào sự say mê, năng khiếu của mỗi người", già Mỹ nói. Xuất thân trong một gia đình giàu vốn liếng nghệ thuật, thuở còn trẻ, già Alăng Mỹ có dịp học vũ điệu ở vùng cao H.Tây Giang (Quảng Nam) - nơi còn gìn giữ bản sắc của người Cơ Tu hết sức đậm đà.
Sau chiến tranh, khi trở lại làng cũ, thấy vũ điệu dần mai một, già Mỹ đã nổi trống, khua chiêng nhằm tạo không gian âm nhạc để thu hút người trẻ. Dẫu vậy, tâng tung da dá vẫn khó hấp dẫn người xem. Cho đến các năm gần đây, khi những giá trị văn hóa của cộng đồng người Cơ Tu được nhiều người quan tâm, nhiều đề án phát triển du lịch cộng đồng được đầu tư, vũ điệu tâng tung da dá đã có thêm "đất diễn" ngay chính tại quê hương Hòa Bắc và dần "dịch chuyển" xuống phố thông qua những chương trình văn nghệ. Trăn trở của già Alăng Mỹ về bảo tồn điệu múa truyền thống như được cởi bỏ. Bởi vậy, khi được mời đứng lớp giảng dạy vũ điệu này, già Mỹ đã không tiếc công sức, tận tình chỉ bảo cho các học viên.
"Đội múa truyền thống ban đầu có đến 20 nam, 8 nữ nhưng rơi rụng dần vì nhiều người không đủ đam mê để theo đuổi. Đến nay, đội múa chỉ còn 8 nam, 4 nữ trụ lại. Đây là những vũ công thành thạo và sẵn sàng biểu diễn phục vụ du khách khi đến thăm làng cũng như xuống phố trình diễn, quảng bá văn hóa Cơ Tu", già Mỹ kể.
"BẢO TỒN TỪ NHÀ RA THÔN…"
Nói đoạn, già Mỹ đứng dậy trình diễn cách xoay gót chân để làm sao điệu da dá của nữ trở nên mềm mại. Là một người đàn ông đã lớn tuổi nhưng nhìn bước chân nhanh nhẹn cùng với cái đưa tay nhẹ nhàng khi xem già biểu diễn thị phạm, tôi có cảm tưởng già như đang hóa thân vào một vũ nữ. Ngược lại, khi vào vai nam vũ công để biểu diễn điệu tâng tung, già Mỹ cho người ta hình dung những nam thanh niên mạnh mẽ làm người hộ vệ cho làng Cơ Tu xưa. "Điệu da dá không khó nhưng đòi hỏi phải uyển chuyển trong từng bước chân thì mới đẹp được. Còn tâng tung đi kèm với khiên, mác tái hiện cảnh đàn ông bảo vệ dân làng thì đòi hỏi phải lanh tay, lẹ chân nên có phần khó hơn…", già Alăng Mỹ nói.
Già tiếp lời, vào thời điểm khoảng những năm 80 thế kỷ trước, khi xuống huyện biểu diễn văn nghệ, già đã gặp gỡ người vợ của mình là bà Trần Thị Triển (62 tuổi). Từ buổi đầu tiên, cả hai người đã mến nhau vì tài năng. "Hồi trẻ, bà xã tôi múa da dá đẹp lắm. Khi chưa bị bệnh khớp, bà cũng lên lớp dạy cho những phụ nữ trong thôn các vũ điệu truyền thống này. Vợ chồng chúng tôi thấy rằng, để gìn giữ bản sắc của người Cơ Tu không cách nào tốt bằng sự nhiệt tình trong truyền dạy, nhất là các điệu múa", già Mỹ nhớ lại và tâm niệm: "Là một gia đình có truyền thống nghệ thuật, tôi luôn nhắc nhở con cháu bằng niềm đam mê của mình phải chọn lấy một bộ môn để học, rèn luyện… nhằm bảo tồn văn hóa Cơ Tu".
Qua lời kể của già Mỹ có thể thấy ông rất tự hào vì đã đào tạo được nhiều học trò nay là những thành viên cốt cán trong đội múa. Trong đó có 2 cháu nội, 2 cháu ngoại giờ có thể biểu diễn thành thục tâng tung da dá. Ngoài trao truyền kỹ năng nhảy múa, già Alăng Mỹ với tài chơi cồng chiêng, đánh trống nổi tiếng của mình còn góp sức đào tạo cho nhiều thanh niên trong Tổ hợp tác du lịch cộng đồng trở thành những nhạc công giỏi. Điều khá thú vị là đội cồng chiêng do già Mỹ làm đội trưởng có sự tham gia của đứa cháu Phan Văn Thu và con rể người Kinh Trần Duy Phúc. Cả hai đều là những học trò ưu tú của già Mỹ.
Không phải ngẫu nhiên mà chính quyền địa phương khi chọn người giao trọng trách làm đội trưởng các đội điêu khắc, đội đan lát liền chọn già Alăng Mỹ. Bởi ngoài năng khiếu thiên bẩm về âm nhạc truyền thống, già Mỹ còn là một nghệ nhân đan lát giỏi có tiếng ở Hòa Bắc. Ông cũng là một nghệ nhân điêu khắc gỗ truyền thống từng giành nhiều giải cao tại các trại sáng tác. Già còn có thể chế tác nhiều loại nhạc cụ truyền thống, như: đàn abel, trống, sáo truyền thống các loại… "Con trai tôi Alăng Đào nay đã trở thành thợ điêu khắc giỏi. Mỗi lần nghe ai khen "hổ phụ sanh hổ tử", tôi vui lắm", già Alăng Mỹ phấn khởi rồi đúc kết: "Tôi luôn dặn con cháu rằng, muốn bảo tồn phải từ nhà ra thôn. Nhà mình có con, có cháu giỏi nghệ thuật truyền thống thì khi gặp gỡ bè bạn, các con sẽ là những người thay tôi quảng bá các giá trị văn hóa của người Cơ Tu…".