Xây dựng nền công nghiệp văn hóa Việt

03:42 - 05/06/2024

Sáng 3.6, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đã báo cáo Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2030.

Chương trình được báo cáo đề ra 7 mục tiêu tổng quát, gồm: tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình VN.

Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc. Tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa. Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao. Phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo. Nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa VN, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Xây dựng nền công nghiệp văn hóa Việt

Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng báo cáo Quốc hội sáng 3.6

GIA HÂN

Chính phủ dự kiến nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025 - 2030 là 122.250 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%). Vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng, vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỉ đồng.

Trước đó, báo cáo của Bộ VH-TT-DL chỉ rõ, hiện chưa có cơ chế đặc thù để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nghệ thuật biểu diễn theo mô hình công nghiệp văn hóa. Ngành điện ảnh cũng chưa phát huy được tiềm năng, dư địa. Tổng doanh thu của 12 đơn vị nghệ thuật T.Ư do Bộ VH-TT-DL quản lý năm 2020 chỉ đạt 60 tỉ đồng, năm 2022 là 22 tỉ đồng.

Nội lực của hoạt động sản xuất phim VN còn yếu, mỗi năm số phim sản xuất quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân cả về thể loại và chất lượng - Bộ VH-TT-DL

Bộ VH-TT-DL cũng thừa nhận điện ảnh Việt chưa có đủ các yếu tố và cơ chế để trở thành ngành công nghiệp điện ảnh hiện đại, có chỗ đứng trong khu vực, do còn thiếu cả về nguồn lực đầu tư lẫn các chính sách hỗ trợ. Những năm gần đây, phim do doanh nghiệp điện ảnh VN sản xuất thường có vốn đầu tư rất thấp chỉ từ 15 đến 35 tỉ đồng cho một bộ phim truyện so với trung bình vài trăm tỉ đồng/phim của thế giới. "Nội lực của hoạt động sản xuất phim VN còn yếu, mỗi năm số phim sản xuất quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân cả về thể loại và chất lượng", Bộ VH-TT-DL nêu.

Bên cạnh đó, đến nay mới có 2 trung tâm văn hóa VN ở nước ngoài (Lào và Pháp) là cầu nối để truyền bá văn hóa VN ra nước ngoài, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác đối ngoại văn hóa. Do đó, chương trình đề xuất đầu tư xây dựng và hoạt động của các trung tâm văn hóa VN tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài như Mỹ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia để phát huy sức mạnh văn hóa mềm.

Xây dựng nền công nghiệp văn hóa Việt

Bộ VH-TT-DL thừa nhận điện ảnh Việt chưa có đủ các yếu tố và cơ chế để trở thành ngành công nghiệp điện ảnh hiện đại. Trong ảnh: Cảnh trong phim Người vợ cuối cùng (đạo diễn Victor Vũ)

ĐOÀN PHIM CUNG CẤP

Lo địa phương không đủ ngân sách

Nêu ý kiến thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết việc nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa VN tại nước ngoài là cần thiết. Đa số ý kiến đồng tình với Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện khác quy định của luật Đầu tư công.

Theo ông Vinh, có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng sự cần thiết đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa VN ở nước ngoài trong điều kiện hiện nay. Trong trường hợp thật cần thiết, đề nghị sử dụng nguồn vốn khác ngoài chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện các dự án này theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Ủy ban Văn hóa - Giáo dục cũng cho biết qua thảo luận, có ý kiến cho rằng tổng số vốn dự kiến dành cho chương trình là khá lớn, cao hơn so với các chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang thực hiện. Đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để xác định tổng mức vốn của chương trình.

Mặt khác, tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương chiếm 24,6% là cao, khó thực hiện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do đó, cơ quan thẩm tra cho rằng cần làm rõ hơn căn cứ xác định tỷ lệ vốn ngân sách T.Ư và vốn ngân sách địa phương. Đánh giá sát hơn khả năng huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và tính toán đề xuất mức bố trí ngân sách địa phương phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. 

Tạo chuyển biến căn bản, to lớn trong phát triển văn hóa

Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ chính trị hết sức ý nghĩa và có tính cấp thiết cao. Nếu được Quốc hội thông qua, chương trình sẽ góp phần tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hóa, xây dựng và phát triển nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đồng thời, cụ thể hóa quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội.

Việc xây dựng và triển khai thành công chương trình sẽ tạo sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người VN, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp), Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ VN

Phát huy giá trị văn hóa dân tộc, phát triển công nghiệp văn hóa

Việc xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là cần thiết và quan trọng để định hình và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của quốc gia. Chương trình giúp chúng ta có được nguồn lực đầy đủ, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, mang tính định hướng, khơi nguồn cho các đầu tư xã hội cho văn hóa.

Bên cạnh đó, chương trình cần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Bởi lẽ, văn hóa không chỉ là một lĩnh vực di sản truyền thống, nghệ thuật giải trí mà còn là một nguồn tài nguyên kinh tế quan trọng tạo ra sức mạnh tổng hợp quốc gia. Bằng việc tạo điều kiện và đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, phần mềm và các trò chơi điện tử, du lịch văn hóa... chúng ta có thể tận dụng và phát triển tiềm năng của văn hóa để đóng góp vào sự phát triển KT-XH.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (đoàn TP.Hà Nội), Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Anh hùng phản hắc - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Báo Thù: Bí mật đằng sau những âm mưu và tội ác chồng chất

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...