”Mẹ Lý” 15 năm ”ngồi” gieo chữ

02:11 - 26/08/2024

Một lớp học đặc biệt khi học sinh không gọi giáo viên bằng cô giáo mà gọi là mẹ. Người mẹ ấy không sinh ra các em nhưng đã tình nguyện gieo chữ suốt 15 năm qua cho dù đôi chân bị tật nguyền.

Lớp học "không đứng"

Về thăm thôn Đỗ Xá (thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) hỏi thăm lớp học mẹ Lý thì già trẻ gái trai ai cũng đều tường tỏ. Ít nhiều thì trong số họ đã từng học hoặc từng gửi con ở lớp học cô giáo Phạm Thị Lý (sinh năm 1983) trong suốt 15 năm qua.

'Mẹ Lý' 15 năm 'ngồi' gieo chữ

Lớp học của cô Lý đã duy trì miễn phí 15 năm nay

Ảnh: NVCC

Ngay từ khi đi đến cổng chúng tôi đã nghe thấy tiếng học bài to và rõ của học sinh. Đáng chú ý, phải quan sát một lúc chúng tôi mới thấy cô giáo vì chị Lý bị liệt 2 chân và không thể đứng được, đi lại rất khó khăn. Sinh ra trong gia đình có 3 anh em, Lý là con út. Nhưng không được như anh chị, thể trạng của chị Lý lúc nào cũng yếu ớt, hay ốm đau do bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, hồi nhỏ chị vẫn có thể đi lại được.

Lên 4 tuổi, bố chị Lý mất. Năm chị đang học lớp 12, mẹ chị đột ngột qua đời do tai nạn giao thông. Cú sốc tinh thần quá lớn khiến cho bệnh tim của chị Lý tái phát và buộc phải tiến hành phẫu thuật. Ca phẫu thuật không thực sự hoàn hảo. Tuy trái tim của chị được khỏe lại nhưng đôi chân bỗng nhiên bị teo tóp lại, dần dần không còn khả năng đi lại. Ngoài ra, các bác sĩ còn phát hiện chị có tới 4 quả thận, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của chị.

"Tôi đi thi đại học nhưng không trúng tuyển vào trường sư phạm mà mình mong muốn. Sau đó vì sức khỏe yếu nên không thể viết tiếp ước mơ. Tuy nhiên ước mơ trở thành cô giáo vẫn luôn nhen nhóm trong tôi", chị Lý nói.

Không muốn làm gánh nặng cho người thân, chị Lý đã đi xin việc ở nhiều nơi với tấm bằng tốt nghiệp phổ thông. Không nơi nào muốn nhận chị khi thấy chị ngồi xe lăn. "Dù không được nhận làm việc nhưng tôi không trách ai cả. Và thực sự, tôi đã có chuỗi ngày rất ảm đạm, cảm thấy cô đơn khi chỉ có thể loanh quanh ở nhà, muốn làm việc gì đều phải có người giúp", chị Lý tâm sự.

Cái duyên nghề "gõ đầu trẻ" bỗng dưng thành hiện thực với chị hơn chục năm trước. Khởi đầu, chị nhận kèm một cháu trong làng học do bố mẹ cháu bận đi làm cả ngày. Ban đầu, phụ huynh em học sinh đó nghĩ rằng, chị chỉ có thể giúp họ "trông trẻ" chứ không hy vọng vào việc cải thiện thành tích học tập. Tuy nhiên, thành tích học tập của em đó tốt hẳn lên, làm họ phải thừa nhận. "Sau bé ấy tôi nhận thêm một bé khác và thành tích học tập của bé cũng tốt lên rõ ràng. Mọi người trong làng biết đến mang con đến nhà tôi gửi và bỗng nhiên thành lớp học", chị Lý cho biết.

'Mẹ Lý' 15 năm 'ngồi' gieo chữ

Học sinh yêu mến tặng hoa “mẹ Lý”

Ảnh: NVCC

"Mẹ" của hàng trăm học trò

Trong lớp học của cô Lý còn một điều đặc biệt không kém: học sinh không thống nhất cách gọi cô giáo. Có em gọi là cô Lý, có em gọi bác Lý nhưng phổ biến nhất vẫn là mẹ Lý. Chị Lý bảo, "các em gọi như thế nào cũng được miễn là các em yêu quý và tôn trọng mình, bản thân tôi cũng không dám nhận là cô giáo vì những đóng góp của mình còn nhỏ bé, chủ yếu dựa vào năng lực của mỗi học sinh". Chị Lý cho biết, học sinh đến đăng ký học rất đông, có lúc lên đến 50 em, chị phải chia ca ra dạy trong ngày cho dù đôi lúc khá mệt mỏi.

Học sinh của chị Lý mỗi bạn sẽ ngồi một chiếc bàn gấp và cô giáo sẽ di chuyển bằng tay đến từng bàn học. Từ các em lớp 1 đến lớp 5 được cô giáo sắp xếp học hợp lý, không để chồng chéo thời gian. Ngoài giờ học, các em thân thiết với nhau như bạn bè và ngôi nhà chị Lý cứ rộn vang tiếng cười vui suốt 15 năm qua.

Để nâng cao chuyên môn, chị Lý thường xuyên lên mạng học hỏi, tìm hiểu về kiến thức và kỹ năng sư phạm, nắm bắt tâm lý học sinh từ các cô giáo ở trường. Ngoài dạy kiến thức, chị Lý còn tổ chức lớp học bằng những buổi sinh hoạt đầu tuần, cuối tuần, cho học sinh hát – vẽ để nâng cao tinh thần học tập. Chị cũng thường xuyên kể các câu chuyện vui, chuyện về nghị lực sống mà mình biết để truyền tải năng lượng tích cực, lan tỏa lối sống đẹp tới các em nhỏ.

'Mẹ Lý' 15 năm 'ngồi' gieo chữ

Chị Lý (ngồi) chụp ảnh cùng các cô giáo của Trường tiểu học thị trấn Yên Mỹ

Ảnh: NVCC

Mười mấy năm gắn bó với công việc "gõ đầu trẻ", chị Lý chưa từng nghĩ tới hạnh phúc riêng tư. Từ sáng đến tối mịt, mọi công việc tổ chức lớp học, chị Lý một tay lo liệu. "Không gia đình" nhưng chị Lý có tới hàng trăm đứa con – đó chính là các em học sinh thơ ngây ngày nào giờ đã nhiều em trưởng thành, lập gia đình.

Cháu Lưu Thị Thảo, lớp 4 Trường tiểu học thị trấn Yên Mỹ II, chia sẻ: "Con thích học môn toán do mẹ Lý dạy, mẹ dạy từng bước và rất tỉ mỉ. Bài tập mẹ giao con đều làm hết. Tuy mẹ Lý đi lại khó khăn nhưng mẹ rất tận tình, yêu thương chúng con. Những lúc ngoài giờ, mẹ Lý thường kể chuyện cho chúng con nghe, mang hoa quả bánh kẹo để thưởng cho chúng con".

Ở góc độ phụ huynh, anh Phạm Văn Đông ở xã Tân Lập (huyện Yên Mỹ) có con theo học lớp cô giáo Lý chia sẻ: "Tôi cho 2 cháu nhà tôi học lớp cô giáo Lý từ lớp 1 đến lớp 4. Tôi rất tin tưởng chị Lý, chị không chỉ có kiến thức, kỹ năng sư phạm mà còn rất yêu thương trẻ nhỏ và dạy các cháu biết lễ phép, khiêm tốn và sống có nề nếp".

Cảm ơn học trò

Tuy không được may mắn như mọi người nhưng chị Lý luôn sống lạc quan và yêu đời. Thậm chí, chị Lý luôn cảm ơn những thử thách, khó khăn đến trong cuộc sống bởi lẽ nó giúp chị kiên cường vượt qua. Chị cũng cảm ơn những em học trò đã đến với chị, giúp cho chị có niềm vui và đóng góp hữu ích cho xã hội.

"Ban đầu tôi chỉ muốn có việc để làm, muốn chứng minh bản thân còn có ích cho xã hội nên không nghĩ đến chuyện thu học phí. Tuy nhiên, ngay cả khi lớp học đã phát triển, học sinh đông, một số người góp ý tôi có thể thu học phí nhưng tôi vẫn quyết định không thu vì học phí chính là niềm vui, niềm hạnh phúc được dạy các em hằng ngày rồi", chị Lý nói.

Đôi lúc học sinh tò mò hỏi "cô Lý ơi tại sao cô không đi được", chị Lý lại dí dỏm trả lời "tại cô lười học và lười ăn nên các em phải chăm học chăm ăn vào nhé". Tiêu chí của chị Lý đã nhận học sinh vào thì học sinh phải tiến bộ nên chị luôn cố gắng tìm mọi cách để các em cải thiện thành tích học tập. "Có những đêm trắng tôi soạn giáo án hoặc đọc tài liệu nâng cao chỉ để mong muốn thay đổi phương pháp dạy hiệu quả hơn", chị Lý chia sẻ.

Không tiếng trống vào lớp, không bảng đen phấn trắng, không một đồng học phí, lớp học đặc biệt của mẹ Lý cứ thế khai giảng và rộn ràng niềm vui. Chị Lý bảo sẽ duy trì lớp học đến khi nào sức khỏe còn cho phép. "Cho dù điều kiện sinh hoạt của tôi có thiếu thốn đến đâu tôi vẫn sẽ không thu học phí. Mỗi tháng tôi được hơn một triệu tiền trợ cấp người khuyết tật, tôi vẫn còn anh chị em bên cạnh, với tôi cuộc sống đơn giản về vật chất như vậy là đủ rồi", chị Lý cho biết.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Công công xuất cung - SCTV9

Không gian lạ - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...