Xây dựng dưới triều Tây Sơn
Theo nghiên cứu của TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, trên bán đảo Phương Mai thuộc dãy núi Triều Châu có một bờ lũy thành cổ được xây ghép hoàn toàn bằng đá, hiện còn khá nguyên vẹn. Đây là một loại hình di tích rất đặc biệt, còn lại duy nhất trên vùng đất Quy Nhơn, một công trình phòng thủ quân sự của các triều đại xây dựng trong lịch sử.
Về bờ lũy này, sách Đại Nam nhất thống chí chép: "Trấn Thị Nại: ở phía đông H.Tuy Phước, rộng 197 trượng, thủy triều lên sâu 4 trượng 7 thước, thủy triều xuống sâu 4 trượng 4 thước, cao 6 thước, mở 1 cửa. Về phía đông của biển, có pháo đài Hô-ki, chu vi 27 trượng, mở 1 cửa, có một kỳ đài và 12 lỗ súng, dựng từ năm Minh Mệnh thứ 7, đến năm Tự Đức thứ 18 sửa lại. Mặt sau pháo đài Hô-ki đắp lũy trên gò Vũng Tàu dài 3 trường, 4 lỗ súng; phía trong bảo trên gò Kinh-đê, dài 3 trượng, 5 lỗ súng; phía trong bao có nhà kho, chứa 3 vạn hộc lúa để phòng chở đi nơi khác, kho này dựng từ năm Minh Mệnh thứ 17".
Hệ thống lũy cổ Phương Mai được xây dựng trên một địa hình núi đồi không bằng phẳng lại nằm ở một độ cao lớn. Lũy cổ được xây dựng bằng cách xếp chồng một cách khéo léo những viên đá núi kích cỡ tương đương nhau, đảm bảo được sự liên kết vững chắc giữa những khối đá tạo nên một bức tường lũy kiên cố chạy dài theo đỉnh núi.
Đây là một công trình kiến trúc quân sự độc đáo, được xây dựng một cách khoa học, thể hiện nghệ thuật xây dựng thành, lũy của người xưa là đặt ở nơi hiểm yếu, vừa có thể canh phòng, quan sát bao quát, lại vừa có thể trở thành chốt chặn quan trọng với đối phương.
Lũy cổ là một di tích kiến trúc, một hệ thống phòng thủ được xây dựng dưới triều Tây Sơn, và sau đó là triều Nguyễn. Nơi đây là tuyến phòng thủ nhưng cũng là chiến trường của biết bao cuộc giao tranh.
Điểm đến của những người thích tìm hiểu lịch sử
Ông Nguyễn Thái Học (ở khu vực 9, P.Hải Cảng) cho biết, ngư dân ở đây quen gọi lũy đá Phương Mai là bờ thành cổ. Năm 2010, Lũy cổ Phương Mai được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích. Cùng với tượng đài Đức Thánh Trần và di tích núi Tam Tòa, lũy cổ Phương Mai trở thành điểm đến của những người thích tìm hiểu về lịch sử, khi có dịp đặt chân lên bán đảo Phương Mai.
TS Đinh Bá Hòa cho biết, ở phía đông đầm Thị Nại, bán đảo Phương Mai được ví như bức bình phong khổng lồ án ngữ phía biển cho TP.Quy Nhơn. Cửa biển Thị Nại có vị trí chiến lược quan trọng nên người xưa đã xây dựng một pháo đài tên là Hổ Ky rất kiên cố trên núi Tam Tòa (còn gọi là núi Đá Đen). Phía sau pháo đài, tại gò Vũng Tàu và gò Kinh Để là lũy đá.
Theo TS Đinh Bá Hòa, tuyến phòng thủ trên núi Tam Tòa được xây dựng dưới triều Tây Sơn và hoàn thiện vào thời nhà Nguyễn. Lũy đá trên gò Kinh Để dài khoảng 100 m, điểm đầu nối với pháo đài Hổ Ky nhằm bảo vệ pháo đài Hổ Ky nếu bị tấn công từ phía sau, đồng thời ngăn không cho quân địch tiến từ sườn núi phía đông vào bên trong cửa Thị Nại đánh chiếm pháo đài. Lũy trên gò Vũng Tàu dài chừng 600 m, có nhiệm vụ ngăn quân địch đi bằng đường thủy đến Hải Giang, sau đó theo sườn núi phía đông lên chiếm mặt phía tây của pháo đài và chiếm cửa biển Thị Nại.
"Dưới triều Nguyễn, các nhà quân sự đã bố trí 9 lỗ súng trên tuyến phòng thủ này. Lũy đá Phương Mai là một phần quan trọng trong hệ thống công trình quân sự phòng thủ cửa biển, gồm pháo đài, kỳ đài, đồn trú… Trải qua hơn 200 năm, nhiều đoạn lũy đá bị hư hại, bụi rậm che lấp, song những đoạn lũy trên đỉnh núi hầu như còn nguyên vẹn", TS Đinh Bá Hòa cho biết thêm.
Ông Phan Tuấn Hoàng, Trưởng phòng VH-TT TP.Quy Nhơn cho biết, hiện nay, UBND TP.Quy Nhơn đã xây dựng, giới thiệu sản phẩm du lịch tại làng chài Hải Minh, để người dân và du khách có thể thuận di chuyển tham quan tại di tích lũy cổ Phương Mai và núi Tam Tòa. Theo phân cấp quản lý di tích, trong thời gian tới di tích lũy cổ Phương Mai sẽ được giao lại cho P.Hải Cảng quản lý bảo vệ và thực hiện việc khai thác để hút khách du lịch.