Góc ký họa: Lăng ba vua và chuyện ông vua chôn chung với ăn mày
13:45 - 04/11/2024
Là nơi an táng của ba vị vua triều Nguyễn: Dục Đức (cha), Thành Thái (con) và Duy Tân (cháu), Lăng Dục Đức (còn gọi là An Lăng, P.An Cựu, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) gắn với nhiều câu chuyện bi thảm.
Do vua Tự Đức không có con, nên nhận cháu ruột Nguyễn Phúc Ưng Chân làm con nuôi và truyền ngôi (năm 1883), trở thành vua Dục Đức (1852 - 1883). Tuy nhiên triều chính rối ren, ông chỉ làm vua được ba ngày thì bị các quan đại thần lập mưu phế truất với lý do "sửa di chiếu vua cha, đại tang mặc áo màu, thông dâm với cung nữ của vua cha…". Sau đó, ông bị giam và bỏ đói cho đến chết. Thi hài vua Dục Đức được bọc chiếu đem đi chôn, đến đầu làng An Cựu thì đứt dây, thi hài rớt xuống. Cho là ý trời, nên lính đã đắp đất chôn ông sơ sài ngay tại đó. Ít lâu sau, một người ăn mày ngang qua, kiệt sức và chết ngay mộ vua Dục Đức. Do không biết, dân làng đã chôn ông ăn mày ngay trên mộ vua.
Năm 1889, vua Thành Thái (1879 - 1954) lên ngôi đã cải táng cho cha, thấy hai bộ xương bèn lấp lại, xây nơi ấy thành lăng cho vua cha lấy tên là An Lăng. Sau này, khi vua Duy Tân (1900 - 1945) tử nạn máy bay và vua Thành Thái qua đời đều được mang về an táng và thờ tại đây.
Theo Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế, An Lăng có hai khu: lăng (nơi chôn cất) và tẩm (nơi thờ tự) cách nhau khoảng 50 m. Khu lăng có kiến trúc đơn giản, khiêm tốn, không có Bi đình và tượng đá như các lăng đời trước. Cổng vào có bình phong (*). Ở trung tâm khu tẩm là điện Long Ân xây theo mẫu các ngôi điện nhà Nguyễn. Bên trong có ba án thờ bài vị của vua Dục Đức và vợ (ở giữa), vua Thành Thái và vua Duy Tân (hai bên).
Năm 1997, công trình được công nhận là di tích cấp quốc gia. Năm 2018, di tích được phục hồi, tu bổ và mới mở cửa đón khách lại vào tháng 8 năm nay.
(*): là đặc trưng kiến trúc truyền thống Huế. Theo phong thủy, bình phong chính là "án", "triều" nhằm bảo vệ cuộc đất, ngăn chặn "khí xấu". Trong đời thường, bình phong còn để trang trí, ngăn ánh nhìn tò mò từ ngoài vào.