Phù Sơn tự là ngôi chùa không xưa lắm nhưng chứa nhiều câu chuyện kỳ bí, có thể bổ sung vào kho tàng huyền thoại Thất Sơn. Núi Nổi thật ra chỉ là ngọn đồi nhỏ cao chừng 10 m so với mặt ruộng, bao gồm đất và đá chất chồng lên nhau trên một diện tích chưa tới 1 ha. Dân gian gọi là Núi Nổi theo truyền thuyết khá ly kỳ, vì mỗi năm vào mùa nước nổi tràn đồng, ngọn núi này chưa bao giờ bị ngập. Chẳng hạn, trận lũ lịch sử năm 2000, toàn vùng châu thổ sông Cửu Long bị ngập lụt nhưng đỉnh Núi Nổi vẫn "bất khả xâm phạm".
Có câu chuyện kể rằng Núi Nổi hình thành từ lúc nơi đây còn là biển nước mênh mông, bên dưới có rặng đá ngầm. Một hôm, chiếc thuyền buôn đi qua, va chạm với đá ngầm và bị chìm, lâu dần đất cát bồi lên cao nên gọi là Núi Nổi. Người dân địa phương cho biết trước đây trên núi còn cây cột cờ và cái mỏ neo, chứng tích của chiếc thuyền bị chìm. Và để giải thích huyền thoại trên, người ta đã đắp lại mô hình chiếc thuyền ấy đặt trên bệ đá trước cổng chùa, trên thuyền có tượng Quan Âm bồ tát và 2 đồng tử hầu cận.
Theo bảng đề trên nóc ngôi chánh điện cũ thì Phù Sơn tự được xây cất vào năm 1938. Một số cây sao cổ thụ trước sân chùa được ghi trồng từ năm 1885. Nhưng trước đó rất lâu trên núi này đã có một am tu và một ngôi miếu thờ Sơn Thần. Người ta kể rằng ngày xưa có một ông già râu tóc bạc phơ lên núi cất một cái am để tu hành. Ít lâu sau, ông đi đâu mất dạng. Cái am không người ở nên hư mục. Dân trong vùng thấy vậy cùng nhau dựng miếu để thờ cúng Sơn Thần.
Hằng năm, vào ngày 10 tháng 8 âm lịch, lễ vía Sơn Thần vẫn được tổ chức và rất nhiều người đến lễ bái. Câu chuyện "ông già râu tóc bạc phơ" với cái am tu trên núi khiến người ta liên tưởng vị tiền bối ấy có thể là tín đồ của Đức Phật thầy Tây An, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ở vùng Châu Đốc.
Trong quyển Tân Châu 1870 - 1964, tác giả Nguyễn Văn Kiềm có ghi chép ngôi chùa tre lá đầu tiên ở Núi Nổi do 2 ông Trần Hữu Oai và Nguyễn Thành Thân dựng lên cho người mộ đạo tới tu hành. Bấy giờ, Núi Nổi ở xa thăm thẳm giữa cánh đồng hoang vu vắng vẻ. Thời gian sau có ông Đạo Một (một mắt) về đây tu hành. Tục truyền, Đạo Một có nuôi bầy rắn hổ khá to nhưng rất hiền, không làm hại ai cả. Vì vậy người ta cho là "rắn thần". Khi ông qua đời, bầy rắn cũng biến mất.
Tín ngưỡng đa thần
Bước vào gian chánh điện Phù Sơn tự, người ta thấy pho tượng Phật đặt trên cao, dưới là tượng Ngọc hoàng có Nam Tào Bắc Đẩu đứng hai bên và các tượng Phật ngồi trên tòa sen. Tất cả đều là tượng mới. Tượng Hộ pháp đặt trong chánh điện, trước bàn thờ Phật Di Đà cao lớn. Phía sau là bàn thờ tượng Minh vương, sát vách còn có bàn thờ Quan Đế với Quan Bình, Châu Xương. Lạ ở chỗ tượng Quan Công lại mô tả vị võ quan này đang ngồi… đọc sách.
Miếu thờ Sơn Thần nằm ở phía sau chùa, được trang trí khá nghiêm trang. Bức bình phong sát vách được đắp nổi hai chữ Sơn Thần. Hai bên có bàn thờ tả ban, hữu ban. Bên dưới đặt những cục đá và hũ đựng quẻ xăm. Có lẽ từ những cục đá này mà dân địa phương gọi miếu thờ Sơn Thần là miếu Ông Tà. Chỗ này luôn khói hương nghi ngút, cũng là nơi khách thập phương tới lễ bái xin xăm, đoán quẻ. Nhìn chung, lối thờ cúng ở khu vực chùa xưa gần như tách biệt với khu chánh điện nguy nga mới xây cất hồi năm 2018.
Bên cạnh các nghi lễ cúng Thần Nông, Thần Núi, quan sát cách bố trí thờ phượng ở Phù Sơn tự cho thấy ở đây không chỉ là ngôi chùa Phật mà còn là một tập hợp tín ngưỡng đa thần. Trong đó có sự hiện diện của Quan Công, Diêu Trì Kim Mẫu - một vị nữ thần có nhiều danh xưng khác nhau như Tây Vương Mẫu, Vương Mẫu nương nương, Tây lão, Kim Mẫu, Địa Mẫu, Kim Mẫu Nguyên Quân, Cửu Thiên Huyền Nữ… mà trong dân gian thường gọi nôm na là Bà Trời.
Một ngôi miếu được xây dựng mới trong khuôn viên Phù Sơn tự với mái ngói thượng lầu hạ hiên cong vút là miếu Vạn ban Ngũ hành, nơi đây tập hợp nhiều dạng thức tín ngưỡng dân gian. Ngoài bàn thờ chính thờ Chúa Xứ thánh mẫu, Ngũ Hành nương nương, ngôi miếu còn là trú sở của các vị Thổ thần, Chiến sĩ trận vong, Tứ sanh lục đạo…
Có thể nói, Phù Sơn tự là ngôi chùa có sự dung hợp tín ngưỡng và tôn giáo của cộng đồng dân cư trong vùng, một địa điểm tâm linh quan trọng của cả địa phương, người dân trong vùng cùng chia sẻ không gian linh thiêng mà không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng. (còn tiếp)