Hội thảo đã chọn 18 tham luận của 19 tác giả biên tập để in trong kỷ yếu, chia thành các nội dung: tiềm năng để phát triển du lịch; du lịch Huế trong chiến lược phát triển bền vững.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến trình bày tham luận tại hội thảo ẢNH: LÊ HOÀI NHÂN
Tại hội thảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến đã có tham luận Bước khởi đầu của du lịch Huế cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 và những giá trị bền vững từ quá khứ đến hiện tại. Qua bài tham luận, nhà nghiên cứu này đã giải đáp các câu hỏi như: du lịch ở Huế có từ khi nào; hoạt động du lịch thời bấy giờ được vận hành, hoạt động ra sao?...
Huế được biết đến qua cuốn sách của người Pháp
Theo nhà nghiên cứu này, hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch tại Huế chính thức khởi đầu từ cuối thế kỷ 19, khi việc thực hiện các cuộc khảo sát cơ bản về địa lý, thủy văn, cảnh quan môi trường thiên nhiên và xã hội ở đây đã hoàn thành, mang đến những hiểu biết mới lạ và kích thích trí tò mò của thế giới bên ngoài đối với Huế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho rằng, sau Hiệp ước Giáp Tuất 15.3.1874, một trong những thỏa thuận mà nước Pháp đã thực hiện ngay lập tức là tiến hành trao tặng vua Tự Đức 5 chiếc tàu máy hơi nước để phục vụ nhu cầu của triều đình Huế.

Cảnh quan trên đoạn sông Hương băng qua giữa Kinh thành Huế và Sứ quán Pháp cuối thế kỷ 19 ẢNH: CHỤP TỪ KỶ YẾU
Tuy nhiên, do không có nhân sự kỹ thuật trong nước đủ trình độ điều khiển và duy tu, bảo dưỡng..., triều đình nhà Nguyễn đã tuyển mộ và thuê mướn người nước ngoài đến làm việc. Trong số những người nhận lời làm công cho triều đình Huế, có ông Jules Léon Dutreuil de Rhins, là một sĩ quan hải quân Pháp, lại vừa là một nhà thám hiểm và nhà địa lý học.
Những năm 1876 - 1877, ông Dutreuil de Rhins ngoài nhiệm vụ chỉ huy tàu máy, còn được vua Tự Đức và đình thần giao phó thêm trọng trách khảo sát địa lý, thủy văn ở Huế và nhiều nơi trong nước để phục vụ công cuộc phát triển mạng lưới giao thông vận tải cơ giới, thương mại và canh nông.
Sau ngày rời khỏi Huế, sĩ quan người Pháp này đã viết về cuộc khảo sát địa lý tại miền Trung của mình đăng trên Tập san Hội Địa dư ở Paris năm 1878; và đến năm 1879, ông xuất bản cuốn Nhật ký hành trình về vương quốc An Nam và người An Nam, sau đó tái bản lần thứ 2 năm 1889.

Phu khiêng cáng võng ở một trạm trên đèo Hải Vân cuối thế kỷ 19 ẢNH: CHỤP TỪ KỶ YẾU
Các bài viết và sách của ông Dutreuil de Rhins đã công bố những ghi chép chi tiết về vùng đất và công việc ông đã làm tại Huế và nhiều nơi khác, với rất nhiều chi tiết bổ ích cho việc nghiên cứu, tham khảo về địa lý, cảnh quan môi trường, văn hoá, xã hội, lịch sử; đồng thời giới thiệu và đáp ứng nhu cầu hiểu biết về Huế cho người nước ngoài, đặc biệt là thế giới phương Tây…
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, những kết quả khảo sát của ông Dutreuil de Rhins trong hai năm 1876 - 1877 có giá trị làm tiền đề thúc đẩy việc mở ra các hoạt động thưởng ngoạn thắng cảnh và du lịch trải nghiệm ở Huế về sau, bao gồm các khảo tả đường biển cùng cảnh quan bờ biển và hệ thống đầm phá ở Huế; tuyến đường sông và cảnh quan từ cửa Thuận An lên Kinh thành Huế; tuyến đường sông và cảnh quan từ Kinh thành Huế lên thượng nguồn sông Hương; các tuyến đường bộ, đường thủy và cảnh quan từ Hải Vân Quan ra Kinh thành Huế…
Du lịch Huế mở cửa, do người Pháp điều hành
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, phải đến cuối thế kỷ 19, hoạt động du lịch tại Huế mới được kích hoạt thông qua các tour du lịch vòng quanh châu Á và vòng quanh Đông Dương.
Bấy giờ, du khách đến Huế chủ yếu bằng tàu biển qua cảng Tourane (Đà Nẵng). Từ cảng này, du khách đi cáng võng ghế ra Cầu Hai (nay là H.Phú Lộc, TP.Huế), sau đó đi thuyền từ Cầu Hai vào ngả sông An Cựu (Q.Thuận Hóa, TP.Huế) để đến Kinh thành Huế.

Ga Huế đầu thế kỷ 20 ẢNH: CHỤP TỪ KỶ YẾU
Thời điểm đó, các cuộc đi dạo hay tham quan tại Huế thường được phục vụ bằng xe kéo tay hoặc cáng võng ghế.
Còn tại hội thảo nhà nghiên cứu Đỗ Minh Điền cho rằng, nhận thấy tiềm năng du lịch ở Đông Dương nói chung và Huế nói riêng, kể từ sau thế chiến lần thứ nhất, người Pháp nhanh chóng triển khai hàng loạt kế hoạch, nhằm khai thác tối đa nguồn thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ.
Trong giai đoạn đầu, người Pháp tập trung cho thiết lập các văn phòng du lịch địa phương, xây dựng hệ thống khách sạn, lưu trú và đầu tư nghiên cứu tour tuyến du lịch.

Khách sạn Morin Frères ở đường Jules Ferry, nay là Lê Lợi (TP.Huê), đầu thế kỷ 20 ẢNH: CHỤP TỪ KỶ YẾU
Lúc bấy giờ, tất cả những kế hoạch, chương trình quảng bá và khai thác du lịch ở Huế trên thực tế ra đời, vận hành và quản lý đều hướng đến mục đích phục vụ lợi ích của chính quyền thuộc địa.
Toàn bộ những vị trí quan trọng trong bộ máy điều hành đều nằm trong tay người Pháp. Họ kiểm soát các tour tuyến và gần như độc quyền các dịch vụ lữ hành (cơ sở lưu trú, chi phí di chuyển, ăn uống, vui chơi giải trí...).
Ngoài những tham luận trên, hội thảo còn mang đến hàng chục bài nghiên cứu khác với các đề tài như: Phát huy giá trị văn hóa xây dựng thành phố Huế trở thành một trung tâm du lịch lớn của quốc gia và quốc tế; Đặc điểm di tích lịch sử thời Tây Sơn tại Huế và việc phát triển du lịch di sản; Phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn thành phố Huế; Đông Ba - Trường Tiền: Một tâm điểm của Huế…