Ra rạp cận dịp lễ 30.4 và 1.5, với doanh thu trên, Cái giá của hạnh phúc cho thấy phim tạo được ít nhiều sự quan tâm khi trước đó, Đóa hoa mong manh của Mai Thu Huyền thua lỗ nặng (công chiếu hôm 12.4, thu về chỉ 367 triệu đồng tính đến sáng 22.4, theo Box Office Vietnam).
Tuy nhiên, không vì thế mà Cái giá của hạnh phúc nhận được đánh giá tốt từ khán giả, khi phim khá lê thê và thiếu cảm xúc. Lấy đề tài ngoại tình, đại gia - chân dài, yêu đồng giới… phim không có đột phá về nội dung. Xoay quanh gia đình ông Thoại (Thái Hòa) và bà Dương (Xuân Lan), lần lượt drama trong Cái giá của hạnh phúc được giải quyết một cách nhanh gọn, thiếu sự tinh tế.
Với kịch bản đơn giản (do nhóm biên kịch phát triển từ ý tưởng câu chuyện của Xuân Lan), phim đưa ra nút thắt là lần ngoại tình của ông Thoại với chính con dâu trong căn biệt thự của gia đình, lại để cho bà Dương tận mắt chứng kiến. Ngoài đời chắc chắn không đại gia nào xử sự... giản đơn như vậy.
Hơn nữa, tuy phim đầy drama nhưng Cái giá của hạnh phúc lại tạo nút thắt - gỡ dễ như nhai… kẹo. Phần trả thù của bà Dương không logic theo tâm lý nhân vật dù trước đó bà muốn níu kéo tình cảm chồng để gia đình đừng đổ vỡ.
Phim cho khán giả thấy hình ảnh đại gia tầm cỡ như ông Thoại, bà Dương mà cư xử bốc đồng, bản năng và thiếu tính toán từ kinh doanh đến tình trường và giải quyết chuyện gia đình. Ông Thoại kinh doanh ra sao, nhờ đâu giàu có chỉ được biết qua… thoại. Ông này còn gần như công khai các mối tình với nhiều cô gái trẻ đẹp mà bà Dương không hề hay biết.
Trong diễn biến khác, cái kết của cặp đôi đồng tính diễn ra gượng gạo qua diễn xuất không tự nhiên của Trương Thanh Long (Hiền Hồ) và Lâm Thanh Nhã (Will Võ).
Có "ông hoàng phòng vé" nhưng không như mong đợi
Thái Hòa vốn là cái tên "bảo chứng phòng vé". Trong Cái giá của hạnh phúc, anh vẫn là diễn viên có lối diễn ổn nhất. Tuy nhiên, gương mặt, điệu bộ của Thái Hòa trong vai một đại gia thành đạt đầy mưu mô, quỷ quyệt, lừa dối vợ con và cả người tình xem ra lại chưa hợp mấy (đúng hơn là anh thiếu vẻ ngoài của một quý ông "playboy" cho dù diện bộ vest bảnh bao cỡ nào).
Xuân Lan không phải là diễn viên chuyên nghiệp nên diễn xuất đôi khi bị "over" là điều dễ hiểu. Gần 80% cảnh quay thể hiện cô đang khóc hay u buồn, chưa toát lên được tính cách của người đàn bà vừa nhẫn nhịn, chịu đựng chồng nhưng vẫn có thể "xử đẹp" đám "tiểu tam" phá hoại gia đình mình. Ngay khi ra tay "dẹp loạn", bà Dương vẫn… khóc, song những giọt nước mắt ấy khó lòng khiến cho khán giả phải sụt sùi.
Uyển Ân tiếp tục đến với màn ảnh rộng sau phim Mai. Tuy nhiên vai Nina Võ của cô không tạo được dấu ấn. Lâm Thanh Nhã cũng không gây ấn tượng từ biểu cảm đến tâm lý nhân vật hay lời thoại...
Không khó để thấy Cái giá của hạnh phúc - phim đầu tay của đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm (kịch bản: Xuân Lan, cũng là vợ anh) "gợn" không ít lỗi. Phim ghi nhận sự trở lại của "ông hoàng phòng vé" Thái Hòa nhưng chưa như mong đợi.