Trong những năm qua, UBND tỉnh Bình Định giao Sở VH-TT quản lý hệ thống di tích trên địa bàn, Sở VH-TT giao Bảo tàng tỉnh quản lý hệ thống tháp Chăm, di tích lịch sử cách mạng và các di tích danh lam thắng cảnh. Bảo tàng Quang Trung quản lý di tích nhà Tây Sơn trên địa bàn H.Tây Sơn (Bình Định). Đồng thời, các địa phương, các tổ chức, cá nhân đã phối hợp chặt chẽ với Sở VH-TT trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các di tích trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định, trong đó có tình trạng một vài di tích bị xâm hại.
"Theo quyết định số 16 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, giao Sở VH-TT trực tiếp quản lý và phát huy 22 di tích, phân cấp cho các địa phương trực tiếp quản lý 127 di tích", ông Chánh cho biết thêm.
Tại hội nghị, Sở VH-TT đã thông qua quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo đó, quy chế này gồm có 4 chương và 21 điều.
Nên thành lập ban quản lý di tích ở cấp huyện, thị xã, thành phố
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề trên, ông Bùi Văn Mỹ, Phó chủ tịch UBND H.Tây Sơn cho biết, trên địa bàn H.Tây Sơn có 21 địa điểm di tích. Trong đó, có 2 di tích cấp quốc gia, 9 di tích cấp tỉnh.
"Việc phân cấp quản lý, tạo điều kiện cho địa phương chủ động trong công tác quản lý bảo vệ và khai thác du lịch. Nhưng thời điểm bàn giao quản lý quá gấp, địa phương chưa kịp chuẩn bị, về con người và kinh phí cũng rất khó khăn. Theo tôi đề xuất nên thống nhất mỗi huyện thành một ban quản lý di tích", ông Mỹ nói.
Còn ông Trần Hữu Thảo, Phó chủ tịch UBND TX.Hoài Nhơn (Bình Định), cho rằng trên địa bàn có rất nhiều điểm di tích mà diện tích quy mô của các di tích khác nhau nên rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ.
"Thành lập ban tổ chức quản lý di tích và nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong quản lý di tích tại điều 6 và điều 7 của quy chế, trong đó có việc nâng cấp, tôn tạo di tích phải lập quy hoạch, báo cáo kỹ thuật, cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ… đối với di tích được giao quản lý trực tiếp. Việc này gây áp lực cho địa phương. Riêng cấp xã, phường thì chỉ bảo vệ, khó có thể nâng cấp, tôn tạo di tích", ông Thảo băn khoăn.