Ngày nay, cùng với nhịp sống rất nhanh, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, thời trang nhanh ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều người chọn thời trang nhanh vì tiện, rẻ và bắt kịp xu hướng, song lại ít quan tâm về những nguy hại với môi trường của thời trang nhanh.
Tối 23/11, tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội vừa diễn ra đêm chung kết cuộc thi thiết kế thời trang Enviromentally - Friendly Fashion (EFF).
EFF là sự kiện giáo được tổ chức hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về lối sống bền vững trong lĩnh vực thời trang. Sự kiện hoạt động theo phương châm: Reduce – Reuse – Recycle (Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế).
Cuộc thi thu hút đông đảo sinh viên trên toàn thành phố Hà Nội tham dự. Sau các vòng loại, BTC đã chọn ra 5 đội thi vào vòng chung kết. Mỗi đội thi đều mang đến một thiết kế độc đáo được làm hoàn toàn từ những quần áo cũ đã qua sử dụng, truyền tải nhiều thông điệp về tác hại của thời trang nhanh và ý thức bảo vệ môi trường.
Chia sẻ tại đêm chung kết, Trưởng ban tổ chức Nguyễn Thị Hằng cho biết, cuộc thi thiết kế thời trang “Environmentally – Friendly Fashion” ra đời từ thực trạng rác thải thời trang đang là vấn đề nhức nhối, đe dọa đến sức khỏe con người cũng như môi trường sống trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt là tại các nước chưa phát triển và đang phát triển.
Sự kiện được tổ chức nhằm mục đích nâng cao ý thức cộng đồng, trách nhiệm của từng cá nhân trong việc bảo vệ môi trường trước hệ lụy của thời trang nhanh. Sự kiện tổ chức nhằm giúp mọi người có nhận thức đúng về vấn nạn rác thải thời trang để từ đó hành động đúng đắn với 3 phương châm Reduce - Reuse - Recycle (giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế).
“Ngày nay cùng với nhịp sống công nghiệp rất nhanh, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của các kênh thương mại điện tử, thời trang nhanh ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều người chọn thời trang nhanh vì tiện, rẻ và bắt kịp xu hướng. Với sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử, tiêu chí rẻ đẹp của thời trang nhanh lại càng tiện và rẻ hơn nhiều lần. Những bộ trang phục chỉ từ vài chục nghìn đồng đến với người tiêu dùng chỉ sau vài cái click chuột.
Cũng bởi quá rẻ, nhiều người tiêu dùng có thói quen dễ mua, dễ bỏ, thậm chí có những sản phẩm còn nguyên tem mác đã bị bỏ đi vì không còn hợp xu hướng, hay chỉ đơn giản là người mua không còn thích, không mặc đến. Bên cạnh đó, chất liệu của các sản phẩm thời trang nhanh có thân thiện với môi trường hay không cũng là điều đáng bàn. Tiện, rẻ và bắt kịp xu hướng, nhưng thực tế nó lại tạo ra rất nhiều nguy hại cho môi trường.
Thực tế có rất nhiều món đồ cũ, tưởng chừng như bỏ đi, nhưng chỉ cần một chút khéo léo, đã có thể hô biến nó thành những sản phẩm thời trang mới độc, lạ và rất hợp thời trang.
Chúng tôi hy vọng mỗi cá nhân tham gia sự kiện nhận thức đúng đắn về vấn nạn rác thải thời trang và bắt đầu hành động vì môi trường. Với tên Environmentally Friendly Fashion, BTC mong muốn truyền tải những thông điệp về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. "Mua ít lại, sử dụng nhiều hơn" là bài toán cấp thiết cho mỗi người”, Nguyễn Thị Hằng cho biết.
Chung cuộc, BTC đã trao 3 giải 2 giải Ba, 2 giải Nhì và 1 giải Nhất cho các đội thi.
Cũng theo trưởng BTC, chương trình đặc biệt muốn truyền thông điệp “Ngưng bật đèn xanh cho thời trang nhanh” tới các bạn trẻ - những người mà quan tâm tới thời trang và bảo vệ môi trường, đặc biệt là thế hệ GenZ bởi họ chính là thế hệ người tiêu dùng trẻ.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...