Kỹ xảo điện ảnh (VFX) luôn là một yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên thành công của không ít tác phẩm nổi tiếng thế giới. Theo nghiên cứu của trang Research and Markets, 90% phim hoạt hình, chương trình truyền hình của Mỹ được sản xuất tại châu Á.
Trong đó, đội ngũ người Việt làm kỹ xảo điện ảnh cũng ghi dấu ấn trong không ít bộ phim “bom tấn”, “gây sốt” toàn cầu như Chicken Nugget, Vinh quang trong thù hận (The Glory), Đại hải chiến Noryang: Biển chết, Biên niên sử Arthdal…
Đội ngũ làm VFX của Việt Nam giỏi và luôn có sẵn nhưng lại có nhiều hạn chế khi phát huy tài năng trong địa hạt này. Cùng nghe đạo diễn kỹ xảo điện ảnh Tuấn Hồ, người đứng sau thành công của nhiều tác phẩm phim truyện, phim tài liệu Việt Nam phân tích về mặt hạn chế cũng như những ưu điểm, lợi thế của VFX Artist (chuyên gia kỹ xảo chuyên nghiệp – PV) Việt.
Không phải nhà sản xuất Việt nào cũng dám chi lớn cho kỹ xảo
“Trạng Tí phiêu lưu ký", "Chuyện ma gần nhà" hay "Thanh Sói” được đạo diễn Tuấn Hồ nhận xét có sự đầu tư nghiêm túc về VFX.
- Là một người có nhiều kinh nghiệm trong nghề điện ảnh, anh nhận xét như thế nào về công nghệ VFX hiện nay trong phim Việt?
- Công nghệ hiệu ứng đặc biệt (VFX) trong ngành điện ảnh Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và có những tiến bộ đáng kể. Các phim Việt gần đây đã sử dụng VFX một cách sáng tạo và hiệu quả, từ việc tái tạo các cảnh hành động đậm chất giả tưởng đến việc tái hiện các cảnh quay phức tạp như “Trạng Tí phiêu lưu ký", "Chuyện ma gần nhà" hay "Thanh Sói” của Ngô Thanh Vân đều có sự đầu tư nghiêm túc về VFX và được đánh giá khá tốt.
Tuy nhiên, còn một số hạn chế cần phải vượt qua, bao gồm việc cải thiện chất lượng hiệu ứng để đạt được sự thực tế và trải nghiệm hấp dẫn hơn cho khán giả, cũng như tăng cường khả năng sáng tạo và sử dụng hiệu quả công nghệ này để phục vụ cho nội dung và ý tưởng của bộ phim.
Kinh phí làm phim Việt không cao, nhiều phim đầu tư khoảng 30 tỉ đồng là đã thấp thỏm lo ngại doanh thu. "Trạng Tí phiêu lưu ký" là một trường hợp cá biệt khi chi phí đầu tư cho riêng phần VFX theo tôi biết hơn 40 tỷ đồng (chiếm hơn 1/2 chi phí sản xuất cả phim), một con số cao hơn cả dự toán của các phim “bom tấn” Việt gần đây mà không phải nhà sản xuất Việt nào cũng dám chi.
Doanh thu của phim Việt ngoài những kỷ lục của "Bố già" với 427 tỉ đồng và "Nhà bà Nữ" hơn 458 tỉ, “Mai” hơn 530 tỉ hay các phim của Lý Hải trên 200 tỉ… còn lại rất khó để kiếm con số 100-200 tỉ đồng. Đến khi nào điện ảnh Việt có khả năng đầu tư cho một phim khoảng 200-300 tỉ đồng, khi đó nhà sản xuất mới dám đầu tư kinh phí lớn cho kỹ xảo.
Cũng vì kinh phí không cho phép, ở một số phim, phần VFX còn cũ kỹ, lạc hậu, khiến những người xem quen thưởng thức "bom tấn" kỹ xảo của Hollywood cảm thấy thất vọng với phim Việt. Mặc dù tiềm năng của VFX Việt là có nhưng lại chưa phải là thế mạnh ở chính sân nhà.
Tuy nhiên, theo tôi, nhìn một cách tổng thể, sự phát triển của công nghệ VFX trong ngành điện ảnh Việt Nam đang dần mở ra những cơ hội mới và mang lại trải nghiệm điện ảnh đa dạng và đầy ấn tượng cho khán giả.
Tài năng của VFX Artist Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào
“Parasyte: The Grey - Ký Sinh Thú: Vùng Xám” và “Squid Game – Trò chơi con mực” đều có sự góp sức của VFX Artist người Việt
- Anh nghĩ sao về việc hiện nay nhiều đội ngũ người Việt tham gia vào công nghệ VFX trong các bộ phim nổi tiếng của nước ngoài, từ Hàn đến Mỹ?
- Bộ phim kinh dị Hàn Quốc “Parasyte: The Grey - Ký Sinh Thú: Vùng Xám” đã ra mắt trên Netflix, và “gây sốt” khắp thế giới. Bên cạnh nội dung hấp dẫn và diễn xuất đáng kinh ngạc, không thể không kể đến sự góp sức của 50 nhân sự Việt đã thực hiện phần hiệu ứng hình ảnh cho bộ phim.
Được biết đội ngũ này cũng từng ghi dấu ấn với các dự án phim: "Tết ở làng địa ngục", "Kẻ ăn hồn"... Hay trước đó “Squid Game – Trò chơi con mực” gây sốt toàn cầu mà phần hiệu ứng hình ảnh cũng do một lượng lớn đội ngũ nhân sự VFX đến từ các studio Việt Nam.
Đây là minh chứng rõ nét cho thấy tài năng của VFX Artist Việt Nam không thua kém bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo nên những tác phẩm đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật lớn nếu nhận về sự đầu tư tương xứng.
Tôi nghĩ việc nhiều đội ngũ người Việt tham gia vào công nghệ VFX trong các bộ phim nổi tiếng của nước ngoài, từ Hàn đến Mỹ là một dấu hiệu tích cực về sự phát triển và uy tín của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Điều này cho thấy sự đa dạng và sức mạnh của tài năng và kiến thức chuyên môn của các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ điện ảnh.
Sự tham gia của người Việt vào các dự án quốc tế VFX không chỉ mang lại cơ hội phát triển cá nhân mà còn nâng cao danh tiếng và uy tín của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, việc hợp tác với các đội ngũ quốc tế cũng giúp người Việt học hỏi và trải nghiệm các tiêu chuẩn và quy trình làm việc chuyên nghiệp, từ đó nâng cao trình độ và năng lực của họ trong công việc.
Tóm lại, sự tham gia của người Việt trong lĩnh vực công nghệ VFX của các bộ phim nổi tiếng quốc tế là một bước tiến quan trọng đối với ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam và là một minh chứng cho sức mạnh và tiềm năng của tài năng Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
VFX Việt Nam tạo ấn tượng mạnh nhưng chỉ được biết đến là làm gia công cho thế giới
- Theo anh, cái khó của công nghệ VFX hiện nay trong phim Việt là gì để sánh tầm với điện ảnh khác cùng châu lục như Hàn, Trung, Nhật?
- Ngành công nghệ VFX trong phim Việt Nam gần đây tạo ấn tượng mạnh nhưng chỉ được biết đến là làm gia công cho thế giới chứ chưa thật sự ghi điểm với người xem qua các dự án trong nước. Thực tế cho thấy, ngành kỹ xảo điện ảnh Việt vẫn đang dò dẫm, tìm cơ hội trong nước với những dự án bị phụ thuộc vào quy mô thị trường, vốn sản xuất phim và nhân lực. Chi phí sản xuất kỹ xảo điện ảnh không thấp, trung bình từ vài trăm triệu đến vài chục tỉ đồng tùy vào quy mô, mức độ yêu cầu của đạo diễn, giám đốc hình ảnh. Song, kinh phí làm phim ở Việt Nam thường không quá lớn bởi quy mô thị trường chưa rộng, khả năng hoàn vốn cho các dự án còn phụ thuộc vào nhiều thứ nên chưa có nhà sản xuất, đạo diễn nào của Việt Nam thật sự mạnh tay “xuống tiền” cho các dự án cần kỹ xảo hoành tráng, mãn nhãn.
Công nghệ VFX hiện nay trong phim Việt đang gặp phải nhiều thách thức để sánh ngang với điện ảnh của các quốc gia hàng đầu trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản là do:
+ Thiếu nguồn nhân lực chất lượng: Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về công nghệ VFX. Đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng trong lĩnh vực này là một thách thức đối với ngành điện ảnh Việt Nam.
+ Thiếu cơ sở hạ tầng: Các studio VFX tại Việt Nam thường thiếu cơ sở hạ tầng hiện đại và tiên tiến, như phòng thu, ghi hình và máy móc hiệu suất cao. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh và chất lượng sản phẩm VFX của Việt Nam so với các quốc gia khác.
+ Thiếu nguồn vốn đầu tư: Sản xuất các hiệu ứng VFX đòi hỏi đầu tư lớn, nhưng nguồn vốn đầu tư cho ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Điều này gây khó khăn trong việc tạo ra các hiệu ứng VFX chất lượng và độc đáo để cạnh tranh với các bộ phim của các quốc gia khác.
- Cám ơn anh về những chia sẻ!