Bước ra từ hai show âm nhạc thực tế trên truyền hình là Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi, các "anh trai" tiếp tục tổ chức những concert tại TP.HCM và Hà Nội. Trong đêm concert tại TP.HCM diễn ra ngày 19.10, Anh trai vượt ngàn chông gai đã thu hút hơn 20.000 khán giả trong một bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn, bùng nổ không chỉ với nghệ sĩ biểu diễn mà cả với nhiều tầng lớp khán giả từ trẻ, trung niên đến lớn tuổi. Họ đến thưởng thức và hòa vào không gian ấy với tinh thần cuồng nhiệt, đây là điều hiếm thấy trong các show âm nhạc nội địa.
Trước đó hai đêm diễn Anh trai "say hi" Concert 2024 được tổ chức cách nhau khoảng 3 tuần tại TP.HCM cũng chật kín người. Sau hai đêm concert (28.9 và 19.10), trên tài khoản của mình, nhà sản xuất (NSX) chương trình - Threads Vie Channel đã gửi lời cảm ơn đến 78.000 khán giả trực tiếp theo dõi hai đêm nhạc của Anh trai say hi. Dù số lượng người xem công bố ở trên được cho là chưa sát thực tế nhưng không thể phủ nhận "sức nóng" của chương trình.
Tiếp nối concert đầu tiên, Anh trai vượt ngàn chông gai lần 2 sẽ diễn ra tại Vinhomes Ocean Park 3, tỉnh Hưng Yên vào ngày 14.12 với giá vé được cho là khá cao trong mặt bằng chung của thị trường nhạc Việt, dao động từ 800.000 - 8.000.000 đồng. Sau khi công bố mở bán vé vào ngày 12.11, trên nhiều diễn đàn, tài khoản, việc "săn" vé, nhận đặt vé hộ với cam kết thành công diễn ra vô cùng sôi động. Và chỉ sau hơn 40 phút mở bán, chương trình đã "cháy vé", thậm chí sập web vì lượng truy cập quá tải.
Mới đây, ban tổ chức chương trình Anh trai say hi đã gửi lời xin lỗi đến khán giả vì không thể đáp ứng đủ sức chứa cho concert 3 (ngày 7.12 tại Hà Nội), khi có tới hơn 200.000 lượt chờ mua vé trên nền tảng Ticketbox; và vì thế sẽ tổ chức thêm một đêm diễn nữa vào ngày 9.12 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Sau khi mở bán vé đêm concert 4 vào ngày 28.11, danh sách khán giả chờ mua vé trên Ticketbox lên đến hơn 50.000 người. Với giá vé cũng tương tự như các đêm diễn trước đó: từ 500.000 - 10.000.000 triệu đồng, khán giả vẫn "đổ về" mua, dự kiến vé cũng sẽ bán hết trong thời gian ngắn.
Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ tên tuổi của làng nhạc Việt tổ chức những đêm nhạc riêng như Vũ., Uyên Linh, Quốc Thiên… cũng thu hút lượng khán giả lớn. Như concert Bảo tàng của nuối tiếc của Vũ. tổ chức tại TP.HCM đêm 12.10 có gần 8.000 khán giả đến xem ở sân khấu trực tiếp, với toàn bộ vé đã bán hết. Theo ban tổ chức, so với concert Một vạn năm của Vũ. cách đây 2 năm, lượng khán giả đến xem nay tăng gấp 3 lần và Vũ. cũng là nghệ sĩ Việt có show diễn cá nhân quy tụ lượng khán giả lớn nhất.
Nhận xét về thị trường nhạc Việt hiện nay, NSX âm nhạc Khắc Hưng cho rằng: "Nhạc Việt đang có nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng, có những cá nhân nổi bật giúp thị trường sôi động và truyền cảm hứng cho nhiều người, ở mọi lứa tuổi. Hơn nữa, đa phần khán giả là đối tượng trẻ nên các NSX, tổ chức đã kết nối, nắm bắt xu hướng để tạo ra những chương trình phù hợp thị hiếu".
SHOW KHÔNG ĐỦ TẦM KHÓ HÚT KHÁN GIẢ
Trong khi show nhạc nội địa "bùng nổ" lượng khán giả lớn thì những show của nghệ sĩ quốc tế đến VN biểu diễn trong thời gian này có vẻ ảm đạm hơn. Trừ một vài show của những nghệ sĩ quốc tế đình đám gắn liền với người yêu nhạc Việt nhiều thế hệ như nhóm nhạc Đan Mạch Michael Learns To Rock vừa tổ chức đêm 17.11 thu hút khoảng 5.000 khán giả; còn lại có show phải hủy bỏ. Ngày 13.11 vừa qua, ban tổ chức K-Time Live In Hanoi - dự kiến tổ chức trong ngày 16 và 17.11 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã thông báo hủy sự kiện và sẽ hoàn trả tiền vé cho khán giả vì "vài lý do khách quan, ngoài tầm kiểm soát". Giới chuyên môn cho rằng không loại trừ nguyên nhân show ế vé, dù K-Time Live In Hanoi được giới thiệu sẽ gồm các nghệ sĩ như: Super Junior D&E, Super Junior L.S.S, Apink, The New Six, Highlight, ONF, TripleS, ca sĩ Hyolyn, Hwasa và One.
Điều này cho thấy nếu như trước đây khán giả chỉ cuồng K-pop thì nay họ đã có xu hướng quay sang ủng hộ những show âm nhạc nội địa. Cũng dễ hiểu khi các concert "Anh trai" quy tụ dàn nghệ sĩ biểu diễn trước đó đã "gây bão" từ show âm nhạc thực tế trên sóng truyền hình, được viral mạnh trên các nền tảng mạng xã hội. Những màn trình diễn kết hợp âm nhạc truyền thống và hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa Việt cùng sự dàn dựng không thua gì những sân khấu đẳng cấp quốc tế đã thực sự "chạm" đến khán giả, khiến họ thỏa mãn "cơn khát" về chất lượng xét ở cả nội dung và hình thức, như nhận định của đạo diễn âm nhạc Trần Vi Mỹ: "Các chương trình âm nhạc đang diễn ra tạo sức hút lớn vì đã biết kết hợp, khai thác giữa "bình cũ, rượu mới", yếu tố hiện đại và truyền thống để truyền cảm hứng cho người xem".
Cũng theo đạo diễn Trần Vi Mỹ, giới trẻ VN hiện nay có sự cảm nhận nghệ thuật ở trình độ cao, phổ cập với thế giới, những bạn trẻ không thiếu cơ hội ra nước ngoài xem show nên nghệ sĩ quốc tế đến VN biểu diễn mà không đủ thực lực, sức hút thì cũng dễ bị "ngó lơ".
Và để duy trì được sức hút bền vững cho các show nhạc nội địa, theo đạo diễn Trần Vi Mỹ, các nhà tổ chức phải tái đầu tư cả về tính giải trí, thương mại và nghệ thuật; phải sáng tạo; nắm bắt thị hiếu khán giả dựa trên những nền tảng tiêu chuẩn như: sáng tạo nhưng không dễ dãi, nhạc phải được phối mới, không nhạc "rác"; làm chương trình phải chỉn chu; đầu tư bài bản. "Khán giả bây giờ họ thông minh lắm, không dễ để họ bỏ một khoản tiền lớn ra mua vé mà chương trình đó không đủ tầm", ông Trần Vi Mỹ nói.