Đối với nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, điều hạnh phúc của ông là cho đến thời điểm này, “Tổ quốc gọi tên mình” đã đi vào đời sống xã hội ở các vùng miền trong nước và quốc tế, vang đến những vùng biển xa xôi của đất nước…
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT trong dịp này với 2 tác phẩm: “Tổ quốc gọi tên mình” và “Biển nghiêng”. Trong đó, ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” được ông phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Đây được coi là một sáng tác đương đại về chủ đề tình yêu quê hương, đất nước, biển đảo Việt Nam, tạo ấn tượng mạnh mẽ cho đông đảo công chúng và có sức lan tỏa sâu rộng.
PV: Cảm xúc của ông khi nhận Giải thưởng Nhà nước cho tác phẩm “Tổ quốc gọi tên mình”?
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Có thể nói đối với người làm nghề sáng tác, không chỉ tôi mà các anh em nhạc sĩ khác cũng vậy, khi đặt bút viết chỉ nghĩ là để dâng hiến cho Tổ quốc, cho đất nước, cho bạn bè, anh em, gia đình… Tôi không viết mà suy nghĩ đến một ngày nào đó sẽ được giải thưởng. Khi biết mình được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT, tôi rất vui và hạnh phúc vì những tâm huyết của mình đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Giải thưởng là một dấu ấn rất lớn trong quãng đời làm nghệ thuật của tôi.
Đây cũng là một bàn đạp, một bệ phóng để chúng tôi tiếp tục dâng hiến suốt cuộc đời còn lại của mình vì nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, cho quê hương, đất nước Tổ quốc mình.
Trước hết, tôi muốn gửi lời cảm ơn tác giả phần lời của ca khúc đã cho tôi cảm hứng để ra đời một tác phẩm trọn vẹn. Tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước, Hội đồng các cấp đã bỏ phiếu cho “Tổ quốc gọi tên mình”. Ca khúc được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT là vinh dự lớn lao của tôi. Nhưng hơn hết, điều hạnh phúc của tôi là cho đến giờ này, ca khúc đã đi vào đời sống xã hội ở các vùng miền trong nước và quốc tế, vang đến những vùng biển xa xôi của đất nước. Đặc biệt, ca khúc như ăn vào máu của các chiến sĩ hải đảo.
“Tổ quốc gọi tên mình” – ca sĩ Trọng Tấn.
PV: Hơn một thập kỷ qua và cho cả đến sau này, bài hát vẫn có sức lan tỏa mạnh mẽ. Chắc hẳn khoảnh khắc sáng tác ca khúc vẫn còn in đậm trong tâm trí ông?
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Đây là ca khúc mà có lẽ được ra đời nhanh nhất trong cuộc đời sáng tác của tôi. Vào thời điểm tháng 8/2011 tình hình vùng biển của chúng ta có những vấn đề. Xuất phát từ trách nhiệm của một nhạc sĩ, một công dân của đất nước, tôi nghĩ sẽ viết cái gì đó về tình hình biển Đông. Khi tìm ý tưởng, tôi đọc được bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, người đang sống ở nước ngoài. Cảm xúc trong tôi dâng trào và tôi hoàn thành ca khúc chỉ trong khoảng 20 phút.
Tôi sáng tác ca khúc như một cách để thể hiện tiếng nói của bản thân trong giai đoạn khó khăn của Tổ quốc. Nhưng sau đó, tôi vô cùng xúc động khi ca khúc được mọi người đón nhận, được lan tỏa từ trong đất liền, đến hải đảo, vùng núi, đặc biệt trong các chuyến công tác ở nước ngoài, ở các Đại sứ quán Việt Nam gần như vang lên liên tục ca khúc này.
Tôi được đào tạo bài bản về sáng tác, nhưng chất liệu nung nấu nhất để tôi phổ nhạc cho ca khúc này là chất liệu từ dòng máu của gia đình. Bố mẹ tôi là người đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Mẹ tôi nhiều lần bị bắt, bị tra tấn dã man và ra đi khi tôi mới 9 tuổi. Bố tôi bị giam cầm gần 7 năm ở nhà tù Côn Đảo; các cậu, chú của tôi thì đã hy sinh cho Tổ quốc, đến giờ này vẫn chưa tìm được hài cốt. Thế nên, khi lịch sử đất nước có biến động, dòng máu được khơi dậy trong tôi, để tôi có chất men sáng tác, cống hiến.
Với tư cách là một công dân, một nhạc sĩ thì điều mong mỏi nhất của người làm nghề không phải chỉ tôi, mà các anh, các chú, các bác, đồng nghiệp, bạn bè nhạc sĩ ai cũng có một khát khao khi viết một ca khúc nào đó sẽ để lại dấu ấn trong đời sống xã hội. Thời gian là thước đo và có tính đào thải rất lớn, có những tác phẩm có thể ra đời và nổi tiếng trong một hoàn cảnh nào đó nhất định, nhưng cũng có tác phẩm ra đời và trường tồn, có thể kể đến những ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao, Hồng Đăng, Phạm Tuyên, Nguyễn Tài Tuệ… Cho nên tại sao đã đi qua mấy chục năm, có thể cả trăm năm, cả thế kỷ mà nhiều ca khúc vẫn ở lại với đời sống xã hội này. Chắc chắn tác phẩm đó đã đi vào tâm thế, ở lại trong trái tim của những người dân đất Việt của chúng ta. Khi mà âm nhạc viết lên, người nhạc sĩ không thể dàn xếp một điều gì được, âm thanh vang lên người nghe cảm nhận và nó tồn tại mãi mãi trong trái tim, đó là một tín hiệu rất đáng mừng của những người nghệ sĩ.
PV: Thông điệp ông muốn gửi gắm qua ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình”?
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Âm nhạc có một chất kích thích rất lạ đối với đời sống. Trong chiến tranh, hàng loạt tác phẩm âm nhạc ra đời ngay đúng giai đoạn lịch sử quan trọng. Âm nhạc là một binh chủng đặc biệt khi nó tác động để chúng ta lao về phía trước, sẵn sàng nằm xuống cho Tổ quốc.
Với “Tổ quốc gọi tên mình”, tôi muốn gửi gắm thông điệp đến hôm nay, các bạn trẻ và cả mai sau là, trước vận mệnh của đất nước, tất cả chúng ta, mỗi người ở mỗi vị trí, phải sẵn sàng vì Tổ quốc. Xương máu của cha ông ta đã đổ xuổng rồi để gìn giữ lại từng tấc đất, từng con sóng vỗ, hàng triệu triệu liệt sĩ đã nằm xuống, thì trước những biến cố, những giờ phút lâm nguy của lịch sử, tất cả phải sẵn sàng khi Tổ quốc cần đến chúng ta. Bất cứ ai, ở vị trí nào, tuổi tác nào, trong nước hay ở nước ngoài, chúng ta sẵn sàng để làm sao bảo vệ được mảnh đất mà cha ông chúng ta đã hy sinh gìn giữ và để lại cho thế hệ sau, để chúng ta có được độc lập, tự do, hạnh phúc như hôm nay chúng ta hưởng thụ.
PV: Là người kế nhiệm nhạc sĩ Phó Đức Phương trong vai trò Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), ông có những trăn trở gì không?
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Gần 20 năm gắn bó với nhạc sĩ Phó Đức Phương trong công tác bản quyền âm nhạc, buồn có, vui có… Sau khi anh Phương ra đi, tôi tiếp tục cuộc hành trình này, mong muốn Luật Sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện để việc thực thi bản quyền âm nhạc được tốt hơn, giúp các tác giả ngày càng sống tốt hơn bằng chính tác phẩm của mình. Đó cũng là trả lại sự công bằng đối với người sáng tạo nghệ thuật, để họ có nhiều tác phẩm hay phục vụ công chúng. Đó cũng là tâm nguyện của anh Phương khi còn sống.
Biểu đồ tăng trưởng của VCPMC hàng năm đều tăng. Đây là tín hiệu vui, vì như thế thì sẽ có nhiều nhạc sĩ bớt đi nỗi lo cơm áo, gạo tiền để tập trung vào việc sáng tác.
Trước kia, gần như chúng ta chỉ thấy ca sĩ biểu diễn có cuộc sống rất tốt, còn về phía các nhạc sĩ thì rất tội. Tôi đã từng có những người thầy, người anh cống hiến rất nhiều, tác phẩm rất đĩnh đạc nhưng lại không có nổi tiền mua thuốc. Hiện còn nhiều tác giả vô cùng khó khăn…
VCPMC đã ký song phương cùng với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Từ tiếng nói chúng ta, từ bản quyền âm nhạc có trọng lượng trên diễn đàn quốc tế, đời sống của các tác giả hôm nay cũng bắt đầu được cải thiện, để họ có thể an tâm sống và sáng tác. Có những tác giả tương đối ổn định để lo được đời sống hàng ngày của mình thì chúng tôi đã rất vui mừng rồi.
Tôi mong sao tình trạng vi phạm bản quyền sẽ giảm để tác giả được hưởng sự công bằng mà luật pháp đã quy định. Khi chúng ta làm tốt bản quyền âm nhạc, thì gần như thế hệ sau này bớt nghĩ đi về cơm áo gạo tiền khi sáng tác. Tư duy còn lại chỉ là làm sao cho ra đời tác phẩm tốt nhất để phục vụ cho đất nước, phục vụ cho người nghe thì đó là điều vô cùng hạnh phúc.
PV: Với vị trí công tác quản lý văn hóa nghệ thuật tại Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh, liệu công việc bận rộn có ảnh hưởng đến tâm hồn sáng tác của ông?
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Chính công việc quản lý tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc sáng tác của tôi. Trong 30 năm làm quản lý văn hóa, tôi luôn có điều kiện đi khắp các vùng miền của Tổ quốc và nhiều nước trên thế giới, có dịp tiếp xúc với giới văn hóa nghệ thuật, qua đó tích lũy thêm vốn sống, kiến thức, màu sắc, thanh âm, điệu thức dân gian của các vùng miền. Đó chính là mạch nguồn cực kỳ phong phú đối với cá nhân tôi và khi viết thì gần như có tích lũy rồi.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...