Các chuyên gia cho biết điều đó phụ thuộc vào các nhóm nhạc như BTS, BLACKPINK và mức độ am hiểu thị hiếu công chúng.
Những người đứng đầu các công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc đang lo lắng về tương lai của ngành công nghiệp này. Một chuyên gia cho biết, BTS và BLACKPINK, hai nhóm nhạc Hàn Quốc lớn nhất hiện nay, là những “nhân tố quyết định” liên quan đến tuổi thọ của K-pop.
“Tôi e rằng một ngày nào đó, mọi người sẽ không nghe K-pop nữa”. Đây là những lời của Park Ji-won, giám đốc điều hành công ty giải trí HYBE, về khả năng sụp đổ của thị trường âm nhạc này. K-pop đã có một sự bùng nổ trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, tổng giá trị xuất khẩu album K-pop là 231,4 triệu USD (hơn 6 nghìn tỷ đồng) vào năm 2022. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay và tăng hơn ba lần so với con số 74,6 triệu USD (khoảng 2 nghìn tỷ đồng) năm 2019.
Với bối cảnh khủng hoảng y tế toàn cầu, hàng triệu người đã tình cờ tìm đến những nội dung giải trí của Hàn Quốc trên các nền tảng mạng xã hội như Twitter và YouTube khi phải ở nhà trong thời gian dài. Vậy tại sao một số ý kiến lại cho rằng độ phổ biến của K-pop đang thụt giảm?
Sự vắng mặt tạm thời của nhóm nhạc nam nổi tiếng BTS được cho là một trong những nguyên nhân lớn nhất. BTS đã lập nhiều kỷ lục, ví dụ như là nhóm nhạc K-pop đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng của Billboard và được đề cử giải Grammy. HIện nay các thành viên của nhóm đã tạm dừng hoạt động để thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Vậy nên trong một vài năm tới, nhóm nhạc này sẽ khó mà hoạt động với đầy đủ 7 thành viên. Nhà phê bình âm nhạc Kim Do-heon chia sẻ: “K-pop hiện vẫn đang trong thời kỳ hoàng kim với bằng chứng là doanh số album khổng lồ và lượt xem đáng kinh ngạc trên YouTube. Tuy nhiên ngành công nghiệp này cũng nên chuẩn bị đầy đủ cho một tương lai cạnh tranh dữ dội. Nếu K-pop lựa chọn thử nghiệm và mở rộng tầm nhìn sang các lĩnh vực khác như nền tảng Metaverse thì có thể sẽ thu hút được nhiều sự chú ý hơn”.
Ông Kim cũng cho biết rằng mặc dù nhiều người so sánh K-pop với J-pop, nhưng đây là hai thị trường và thể loại khác biệt. J-pop đạt đến đỉnh cao danh vọng vào những năm 1990, nhờ có sự xuất hiện của các ngôi sao nổi tiếng như ban nhạc rock X-Japan. Ông giải thích: “J-pop phụ thuộc rất nhiều vào người hâm mộ nội địa, nhưng K-pop đã thu hút được người hâm mộ toàn cầu bằng cách sử dụng các nền tảng mạng xã hội. Hai thị trường này được hình thành dựa trên nền tảng và hướng phát triển khác nhau.” Chỉ trong năm 2021, số lượng tweet đề cập đến K-pop trên Twitter đạt con số 7,8 tỷ. Không chỉ vậy, một loạt các video âm nhạc của các nhóm như BTS và BLACKPINK cũng đạt hơn 100 triệu lượt xem trên YouTube.
Tuy nhiên, giống như J-pop, K-pop vẫn chưa phải là xu hướng chính ở Mỹ, thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới. Lee Hye-jin, giáo sư truyền thông tại Đại học Southern California (USC), cho biết mặc dù người hâm mộ tập trung thúc đẩy doanh số bán album thì độ nhận diện của công chúng với K-pop vẫn chưa đủ lớn. Cô chia sẻ: “Khi tôi dạy một khóa học về văn hóa đại chúng hoặc truyền thông, chỉ khoảng 40% trong số sinh viên thể hiện sự quan tâm đến K-pop.” Choi Joo-yeon, một người hâm mộ K-pop ở độ tuổi 20 cũng đồng tình với ý kiến này. Cô nói rằng hầu hết các màn trình diễn K-pop gen 4, đặc biệt là các ban nhạc nam, không được công chúng biết đến nhiều ngay cả ở trong nước. Thuật ngữ “gen 4” thường được sử dụng để chỉ các nhóm nhạc ra mắt từ năm 2018 đến nay.
Khi nói đến tương lai của K-pop tại Mỹ, giáo sư Lee chia sẻ rằng BTS và BLACKPINK, hai nhóm nhạc K-pop lớn nhất hiện nay, là những “nhân tố quyết định”. Cô cho biết: “Khả năng tất cả các thành viên BTS tái hợp vào năm 2025 và BLACKPINK lựa chọn gia hạn hợp đồng với YG Entertainment để tiếp tục hoạt động nhóm có sức ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của K-pop tại Mỹ tương lai gần. Mọi ánh mắt của công chúng Hàn Quốc hiện đang đổ dồn về khả năng hợp tác giữa hai gã khổng lồ ngành giải trí HYBE và SM. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận xét việc hợp tác này ít có khả năng tạo ra được làn sóng tác động mức độ phổ biến của K-pop tại thị trường Mỹ ngay lập tức mà thay vào đó, nó sẽ có ảnh hưởng nhất định về lâu dài.”
Giáo sư Lee cho biết thêm: “Sự thay đổi về thị hiếu âm nhạc của công chúng Mỹ cũng như cách hoạt động của các nền tảng mạng xã hội khác nhau sẽ hoạt động có thể quyết định tương lai của K-pop. Ngày nay, ngay cả các ca sĩ Mỹ cũng gặp trở ngại trong việc chinh phục công chúng, vì vậy đối với các ngôi sao K-pop, nhiệm vụ này thậm chí sẽ còn khó khăn hơn”.
Giáo sư Lee tin rằng K-pop nên tiếp tục nhắm đến thị trường Đông Nam Á. Cô cho biết: “Một khi một nhóm nhạc K-pop xây dựng được fandom mạnh mẽ ở Đông Nam Á và chứng minh được mức độ nổi tiếng quốc tế của mình với lượt xem cao trên YouTube hoặc các thành tựu hữu hình khác thì họ có thể khơi dậy sự quan tâm của công chúng Mỹ.” Ngành công nghiệp K-pop cũng nhận thức được rằng người hâm mộ quốc tế có những nhu cầu và mối quan tâm phong phú. Cô cho biết: “Ở một quốc gia đa dạng về văn hóa như Mỹ, thế hệ trẻ thường kỳ vọng những người nổi tiếng sẽ đứng ra và đề cập đến các vấn đề xã hội khác nhau, từ nhân quyền đến các vấn đề môi trường, trái ngược với người hâm mộ Hàn Quốc, họ chỉ muốn thần tượng của mình tránh xa rắc rối và tập trung vào âm nhạc. Tôi nghĩ rằng những khác biệt này nên được xem xét cẩn thận để K-pop có thể nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.”
Nhà phê bình âm nhạc Kim nói thêm rằng các công ty quản lý K-pop phải chăm sóc tốt hơn các thực tập sinh và phát triển một hệ thống tiên tiến hơn để nuôi dưỡng họ. “Họ cần một hệ thống để nâng đỡ các thực tập sinh thành những nghệ sĩ tài năng và độc lập. Nhiều người vẫn chỉ ra rằng các công ty K-pop có quá nhiều quyền kiểm soát về mặt âm nhạc và đời sống cá nhân đối với các ca sĩ dưới trướng của mình.” Trên thực tế, các công ty giải trí từ lâu đã nổi danh do sự giám sát thái quá đối với nghệ sĩ. Hầu hết các công ty này đều sản xuất âm nhạc và biên đạo vũ đạo chi tiết cho gà nhà, đồng thời áp đặt lệnh cấm hẹn hò hoặc các hình thức hạn chế khác vốn được coi là hiếm thấy trong ngành công nghiệp giải trí ở các quốc gia khác. Những điều kể trên đã khiến một số nhà phê bình gọi nghệ sĩ K-pop là “con rối” và cho rằng họ phải nỗ lực rất nhiều để mang lại sự thay đổi nhất định và vượt qua những định kiến.
Kim Han-sol, một người hâm mộ K-pop ở độ tuổi 20, chia sẻ: “Là một người hâm mộ K-pop lâu năm, tôi thường cảm thấy rằng thế giới K-pop xoay quanh các công ty quản lý hơn là các nghệ sĩ và người hâm mộ. Tôi nghĩ nên chuyển trọng tâm để các nghệ sĩ có thể tỏa sáng hơn trên sân khấu”./.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...