Lần đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh, học sinh được xem hát bội ngay tại trường học của mình.
Đây là chương trình "Sân khấu học đường" do Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP. Hồ Chí Minh tổ chức, nhằm giới thiệu hát bội - được mệnh danh là "viên ngọc quý" trong kho tàng nghệ thuật Việt Nam đến với sinh viên, học sinh. Mới mẻ, bất ngờ nhưng cũng không kém phần thu hút chính là không khí mà những vở diễn này mang lại cho trường học.
Hóa trang, Làm tóc, Khoác lên mình những bộ quần áo lộng lẫy, Vẫn là các tiết mục kinh điển đã từng biểu diễn, nhưng các nghệ sĩ ai cũng háo hức, bởi hôm nay họ biểu diễn ở trường học và khán giả là hơn 2.000 học sinh của trường THCS Lê Văn Tám.
Bên cạnh được thưởng thức các vở diễn, các bạn nhỏ còn được nghe giảng giải về hát bội, được giao lưu với các cô chú nghệ sĩ, và phần các em hào hứng nhất là được lên sân khấu thử diễn lại các động tác của hát bội.
Em Trần Mai Anh - Trường THCS Lê Văn Tám, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Thấy các anh chị diễn trên sân khấu em thấy rất ấn tượng và hay. Nhưng mà lên trải nghiệm thì em nhận ra rằng cần phải luyện tập thì mới có thể thực hiện được những động tác như vậy".
Cô giáo Trần Thị Huyền - Trường THCS Lê Văn Tám, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh cho biết: "Đây là một chương trình cực kì tuyệt vời dành cho các con. Trong vòng 1,5h mà đã thu hút trọn vẹn học sinh của trường".
Trong không gian mở, các em học sinh lần đầu tiên được nhìn thấy, được nghe những ông vua, ông quan, ông già cõng vợ đi chơi, Trần Quốc Toản trên sân khấu
Trong năm nay, Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TP. Hồ Chí Minh tổ chức 30 suất diễn tại trường học. Không chỉ là một hình thức giáo dục trải nghiệm mới lạ, đưa hát hội vào trường học còn tạo không khí hứng khởi hơn cho các nghệ sĩ yên tâm làm nghề, bảo đảm duy trì công ăn việc làm cho các công, nhân viên tại Nhà hát.
Nghệ sĩ Đỗ Hoàng Tuấn - Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP. Hồ Chí Minh chia sẻ về cảm xúc của mình: "Khi mà em học sinh xem, các em tập trung và hiểu hơn về môn nghệ thuật này thì trong lòng mình cảm thấy rất vui".
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Tổ chức biểu diễn, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Giới thiệu nghệ thuật hát bội vào học đường thứ nhất là cơ hội giới thiệu với các em về nghệ thuật truyền thống. Thứ hai là tạo lực lượng khán giả trong tương lai để cùng gìn giữ bảo tồn nghệ thuật hát bội".
Từ sân khấu truyền thống, hát bội đến trường học, chủ động tìm đến khán giả của mình. Đây cũng là cách mà loại hình sân khấu xuất hiện sớm nhất tại Nam Bộ thay đổi và thích nghi trước thực trạng nhiều bộ môn văn hóa cổ truyền dần mai một, đồng thời để quảng bá một nét văn hóa đặc sắc của TP. Hồ Chí Minh bên cạnh sự sôi động thường thấy.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...