“Tình ca đất nước” là một khúc tình ca tuyệt đẹp bởi khi nghe hoặc tự mình hát lên khúc ca này, ta thấy lòng mình dào dạt đắm say một tình yêu Tổ quốc. Thật đúng là: Nghe hồn núi sông mà tình ta thêm sáng trong-Ta sẵn sàng dâng hiến cả cuộc đời ta cho Tổ quốc vĩ đại mà ta yêu đắm say”.
Nhạc sĩ Phan Nhân sinh ngày 15/5/1930 tại thành phố Long Xuyên gần biên giới Tây Nam, tỉnh An Giang. Phan Nhân là bút danh của nhạc sĩ, tên thật là Liêu Nguyễn Phan Nhân (ba chữ đầu là ba họ) gốc người An Giang… Khi còn nhỏ, Phan Nhân yêu thích thơ văn hơn cả âm nhạc. Lúc 12 tuổi, ông còn tập tành họa thơ theo thể Đường luật thất ngôn bát cú.
Nhạc sĩ Phan Nhân tham gia quân đội từ những ngày đầu Kháng chiến chống Pháp. Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, Phan Nhân tham gia bộ đội, ít lâu sau chuyển sang hoạt động âm nhạc, bắt đầu sáng tác ca khúc. Trong nhiều buổi giao lưu giữa bộ đội và nhân dân, Phan Nhân thường tham gia bằng những bài hát do mình sáng tác. Những lời động viên cổ vũ của mọi người khiến ông tiếp tục sáng tác. Một trong những bài hát thuở ban đầu là “Tiếng tơ lòng”, bài hát viết trong một đêm trăng bên bờ suối trên đỉnh Thiên Cấm Sơn. Năm 1950, bên cạnh bờ kênh Rạch Giá - Hà Tiên, chàng thanh niên Phan Nhân, lúc đó ở tuổi 20, đã thức mấy đêm liền bên ngọn đèn dầu con cóc với cây đàn mandoline mượn bạn chỉ còn 3 dây, sáng tác bài hành khúc "Đoàn quân Long Châu".
Sau Hiệp định Genève, ông chuyển từ quân đội sang văn công, tham gia công tác tại các đơn vị nghệ thuật Đoàn Văn công Nam Bộ; Đoàn Văn công quân đội Nam Bộ (1995), Đoàn Ca Nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và Ban Biên tập âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (1959-1975). Nhạc sĩ từng tu nghiệp âm nhạc tại Hungari (1970-1972). Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông chuyển về Phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Giải phóng, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam II tại Thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi nghỉ hưu. Trong sáng tác của nhạc sĩ Phan Nhân, cái “tôi” trữ tình hòa quyện với cảm xúc về tình yêu quê hương đất nước.
Trong thời gian công tác ở Đài TNVN với công việc của một Biên tập viên kiêm phóng viên, ông đi nhiều nơi trên Miền Bắc, tiếp thu nhiều làn điệu dân ca Bắc Bộ thể hiện qua những sáng tác như: “Em ở nơi đâu”, “Nhớ về Pắc Bó”.
Ngoài các ca khúc viết cho người lớn, nhạc sĩ Phan Nhân cũng có nhiều bài cho thiếu nhi được các em nhỏ yêu thích: như "Chú ếch con" (1967), "Chú cừu Mộc Châu" (1968), "Em là bông lúa Điện Biên" (1968), "Hàng cây ơn Bác" (1969)… Sau 1975, có một bài khá nổi tiếng là "Vườn cây của ba" (1978 thơ Nguyễn Duy)…
Khi đất nước thống nhất, Miền Nam được giải phóng, hòa cùng niềm vui cả nước, nhạc sĩ Phan Nhân sáng tác bài “Tình ca đất nước”. Đây có lẽ là một trong những bài hát có cấu trúc và giai điệu đơn giản viết theo giai điệu chậm rãi, sâu lắng nhưng lại rất tự hào.
Nhà báo Trương Cộng Hòa kể lại: "Sau 30/4/1975, vì công việc, chúng tôi được đi máy bay vào thành phố Hồ Chí Minh. Còn anh Phan Nhân thì cùng gia đình theo xe ô tô của cơ quan vào sau. Tôi có kể cho anh nghe cảm giác thấy đất nước trọn vẹn dưới cánh máy bay. Và cảm giác ấy được anh mở đầu trong bài “Tình ca đất nước” - bài hát đầu tiên anh viết khi về Nam (Giải A cuộc thi sáng tác của Ngành Âm nhạc Giải phóng miền Nam): “Rằng đã về ta, cỏ cây sông nước ruộng đồng. Cửu Long, sông Hồng thỏa bao chờ mong. Sài Gòn mến yêu của ta, đêm dài đã qua, tình quê hương thêm thiết tha. Ngọt ngào hương hoa, đẹp ngàn lần non sông ta, ngân vang tiếng ca…”.
Viết “Tình ca đất nước” với 4 lời, anh bảo: “Anh không nhắc gì đến các chữ “truyền thống”, “Đảng”… nhưng có đủ cả đấy. Này nhé “Là đất Hùng Vương, dành cho con cháu Lạc-Hồng” - không nói về truyền thống thì nói gì? Này nhé “Rằng Bác còn đây, tình thương sông nước tràn đầy. Lòng ta ơn Người có bao giờ phai. Đường Hồ Chí Minh đẹp thay, mang tình bốn phương mà tình ta thêm sáng trong”. Bác Hồ là Đảng ta đấy, đường Hồ Chí Minh là Đảng ta đấy”…
Năm 2000, tham gia chuyên mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” - Ca nhạc theo YCTG về bài hát “Tình ca đất nước”, bác Phạm Mai Khôi, cán bộ hưu trí ở xóm 2, Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An đã mở đầu bài bình của mình: “Tình ca đất nước” đúng như tên của bài hát, đây là một khúc tình ca nhưng khúc tình ca này không ca ngợi tình yêu riêng mà ngợi ca mối tình chung: Tình yêu đất nước, mốt tình thiêng liêng cao cả và là cội nguồn sinh ra mọi tình riêng chân chính". Bác Mai Khôi viết tiếp: “Giả sử ta là người chưa biết xướng âm nhưng đọc phần lời ta cũng say mê bởi ca từ bài hát như một bài thơ đẹp về vần điệu ngôn từ, giàu về nhạc tính, hình ảnh: Rằng đã về ta, cỏ cây, sông núi, ruộng đồng/Cửu Long, sông Hồng thỏa bao chờ mong/ Sài Gòn mến yêu của ta, đêm dài đã qua tình quê hương thêm thiết tha /Ngọt ngào hương hoa, đẹp ngàn lần non sông ta, ngân vang tiếng ca".
Bác Phạm Mai Khôi tâm sự: Ta yêu lời ca vì nói hộ được lòng ta; yêu non sông đất nước, thương nhớ Bác Hồ; Ta yêu lời ca vì nói đúng ý trí của dân tộc ta: Rằng đất Hùng Vương dành cho con cháu Lạc Hồng, đúng với ý nguyện “Nam quốc sơn hà nam đế cư” của Lý Thường Kiệt - người anh hùng dân tộc. “Tình ca đất nước”, lời ca đẹp và súc tích nói lên tình cảm chân thành của trái tim ta cùng với giai điệu thiết tha đằm thắm đã làm bài ca thêm hấp dẫn, đẹp lung linh". Và bác Phạm Mai Khôi khẳng định: “Tình ca đất nước” là một khúc tình ca tuyệt đẹp bởi khi nghe hoặc tự mình hát lên khúc ca này ta thấy lòng mình dào dạt đắm say một tình yêu Tổ quốc. Thật đúng là: Nghe hồn núi sông mà tình ta thêm sáng trong-Ta sẵn sàng dâng hiến cả cuộc đời ta cho Tổ quốc vĩ đại mà ta yêu đắm say”.
Cũng về bài hát “Tình ca đất nước” và dường như đồng cảm với bác Phạm Mai Khôi, thính giả Lê Thị Nụ ở xóm Lưu Thượng, Xuân Tân, Xuân Trường, Nam Định viết: Lắng sâu trong lời bài hát ta như nghe được sự khẳng định: Chỉ có Đảng Cộng sản mới cho ta có được ngày hôm nay: Độc lập, tự do, dựng xây hạnh phúc. Với bài “Tình ca đất nước”, áng sử thi, biên niên sử bằng âm thanh mà người nghệ sĩ cách mạng tài hoa Phan Nhân dâng hiến cho đời. Ông xứng đáng được nhận tình thương mến, kính yêu của mọi người và “Tình ca đất nước” sống mãi, đẹp mãi với Tổ quốc Việt Nam anh hùng của chúng ta”.
Nhạc sĩ Phan Nhân mất năm 2015. Với những cống hiến của mình cho âm nhạc, cho đất nước, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật (2001), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy chương Thành đồng Tổ quốc, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc, cùng nhiều huy chương và giải thưởng khác của các tổ chức Trung ương và địa phương...
Nguồn: vov.vn