Sau 2 loạt trận đầu tiên ở Champions League, Dortmund vẫn chưa ghi bàn, chỉ được 1 điểm, phải tạm xếp chót trong một bảng đấu gồm toàn đối thủ "dữ dằn": AC Milan, PSG, Newcastle. Với một lực lượng gần như không có ngôi sao, được dẫn dắt bởi một HLV chưa có chút tên tuổi nào, nếu như Dortmund dừng bước ngay sau vòng bảng thì cũng chẳng ai chau mày ngạc nhiên. Nhưng, bằng một cách nào đó, thầy trò HLV Edin Terzic vẫn lọt được vào giai đoạn knock-out, rồi lầm lũi thẳng tiến đến trận chung kết.
Ở thái cực ngược lại, Real Madrid toàn thắng 6 trận vòng bảng. Và rồi, cho dù gặp ai, đá như thế nào, Real luôn được báo giới tung hô sau mỗi vòng đấu, đại khái là họ cứ phải đi tiếp như một lẽ đương nhiên. Vì họ có "ADN Champions League". Vì họ là Real Madrid - tượng đài lớn nhất, nếu không muốn nói là duy nhất ở trận địa C1/Champions League. Khi Real bị dẫn điểm đến tận phút 87 nhưng vẫn thắng ngược trong trận bán kết lượt về với Bayern Munich, ESPN bình luận: Đấy không phải là bất ngờ hay kịch tính gì. Đấy là điều không thể tránh khỏi!
Đây là lần thứ 6 trong 11 mùa bóng gần nhất Real lọt vào chung kết Champions League. Nhiều hơn tổng số lần đá chung kết C1/Champions League trong toàn bộ lịch sử của CLB luôn được cho là hay nhất thế giới những năm gần đây - Manchester City; hai CLB giàu nhất thế giới Newcastle, PSG; và đối thủ của Real trong trận chung kết sắp tới - Dortmund - cộng lại!
NHƯ THẾ MỚI LÀ BÓNG ĐÁ !
Nếu như rốt cuộc Real nâng cúp, mọi người sẽ thốt lên "đơn giản vì họ là Real Madrid". Còn nếu Dortmund chiến thắng? Vâng, lý lẽ thuyết phục nhất khi ấy ắt phải là: "đơn giản vì đây là bóng đá".
Ở một mức độ nào đó, Dortmund không có ngôi sao, hoặc đội này… không cần ngôi sao. Jude Bellingham, Erling Haaland, Robert Lewandowski, Christian Pulisic, Ilkay Guendogan, Manuel Akanji, Pierre-Emerick Aubameyang, Ousmane Dembele… đều đã chia tay Dortmund khi vươn đến tầm cỡ ngôi sao, chuyển sang các đội danh giá hơn, lương cao hơn.
Hiện thời, cây làm bàn số 1 của Dortmund chỉ là Niclas Fullkrug - 31 tuổi, cách đây 2 năm còn chơi ở giải hạng nhì, mãi đến gần 30 tuổi mới được gọi vào đội tuyển Đức lần đầu tiên. Các cầu thủ "có công trạng" như Ian Maatsen hoặc Jadon Sancho đều được mượn từ Chelsea hoặc M.U. Emre Can cũng chỉ là "hàng mượn" từ Juventus, trước khi Dortmund mua hẳn. Marcel Sabitzer thì bị M.U trả lại sau khi mượn và kết luận rằng chưa đủ tài. Chỉ có thể khẳng định: Dortmund thành công nhờ sử dụng các cầu thủ ít tên tuổi của họ một cách cực kỳ hiệu quả. Vả lại, bóng đá trước tiên vẫn là môn thể thao đồng đội, nơi mà giá trị tổng cộng của cả đội bóng mới là điều quan trọng nhất, và đôi khi giá trị này không liên quan gì đến tổng giá trị của các ngôi sao.
Chưa biết rốt cuộc thì lý lẽ thuộc về Real hay… bóng đá, nhưng sự tương phản toàn diện nơi trận chung kết Champions League mùa này là quá đáng xem.