Nỗi buồn của Toni Kroos
Khi Toni Kroos thông báo quyết định giải nghệ vào cuối mùa giải khi còn đang ở chặng nước rút với Real Madrid, nhiều người đã "ngã ngửa" với quyết định của tiền vệ người Đức.
Cầu thủ sinh năm 1990 vẫn đang là hạt nhân của Real Madrid, không còn ở đỉnh cao sự nghiệp nhưng đóng vai trò quan trọng, chơi cho đội bóng đánh đâu thắng đó, vừa trở thành vua châu Âu.
Lý giải cho quyết định của Kroos, chỉ có thể nói là: tiền vệ người Đức muốn chia tay bóng đá theo cách viên mãn, đáng nhớ nhất, thay vì dành năm tháng cuối sự nghiệp để ngồi dự bị hoặc "dưỡng già".
Đó là sự dứt khoát, lạnh lùng, thậm chí... ngạo mạn đậm chất Đức của Kroos, cầu thủ từng có tất cả ở tuổi 24, khi vô địch World Cup, Champions League, LaLiga, Bundesliga. Sự nghiệp của Kroos chỉ còn thiếu chức vô địch EURO cùng Đức và tiền vệ 34 tuổi lựa chọn giải đấu cuối cùng anh còn thiếu trên sân nhà như lời chào tạm biệt sự nghiệp huy hoàng.
Quả thực, Kroos càng đá, càng khiến nhiều người tiếc nuối với quyết định giải nghệ. Ngôi sao của Đức chơi ở mức từ tròn vai đến xuất sắc trong suốt 4 trận đã qua.
Dù từ vòng 16 đội trở đi, trận đấu nào cũng có thể trở thành lần cuối với Kroos, anh vẫn chơi rất nỗ lực. Trong trận gặp Tây Ban Nha, Kroos đá trọn 120 phút, thực hiện 83 đường chuyền (nhiều nhất đội), tỷ lệ chính xác 91,6% (nhiều thứ hai đội), có 2 đường chuyền tạo cơ hội, di chuyển miệt mài để triển khai bóng cho Đức.
Tuy nhiên, Đức đã không thể mang lại cho Kroos cái kết đẹp khi thua chung cuộc 1-2 trước Tây Ban Nha. Như sự sắp đặt của định mệnh, Kroos chính là chủ nhân pha bóng cuối cùng của trận đấu. Tiền vệ mang áo số 8 thực hiện quả phạt ở phút 90+7 với cú đặt lòng thương hiệu, nhưng thủ môn Unai Simon bắt gọn bóng, khép lại những bước chạy cuối cùng của Kroos trên thảm cỏ xanh.
Thực ra Kroos không cần nuối tiếc quá nhiều. Tiền vệ sinh năm 1990 đã vô địch World Cup 2014, vào bán kết EURO 2016 cùng Đức. Năm tháng vinh quang lẫn suy vong của bóng đá Đức, Kroos đều hiện diện như chứng nhân bền bỉ.
Điều thiếu sót, nếu có, chỉ là Đức thăng hoa khi Kroos mới chớm chạm ngõ tài năng trẻ. Còn khi cựu tiền vệ Real Madrid bước lên đỉnh cao, đội tuyển Đức lại ngập trong chuỗi ngày gian khó.
Khoảng trống của Đức
Khi Lamine Yamal thoát xuống ở cánh phải rồi chuyền bóng như đặt vào trong cho Dani Olmo ghi bàn, các tiền vệ Đức đã không thể phối hợp bắt đường chuyền. Kroos lùi về chậm, không kịp "cô đặc" không gian, còn Robert Andrich cũng chẳng dâng lên để bắt bài đối thủ.
Đức đã thua vì bài đánh tuyến hai mà "Die Mannschaft" luôn tự hào, bởi tuyến tiền vệ không còn đủ năng lượng. Kroos gần như kiệt sức ở hiệp phụ trước Tây Ban Nha, nhưng HLV không muốn thay. Hay nói đúng hơn, là không thể thay người, bởi Đức cũng không còn tiền vệ nào xứng tầm để cầm trịch tuyến giữa.
Emre Can, Robert Andrich đều là "công nhân" tuyến giữa, còn Ilkay Gundogan đã luống tuổi. Đức có nhiều sao trẻ tiềm năng, rất giàu kỹ thuật như Jamal Musiala hay Florian Witz để mang tới năng lượng trong lối chơi.
Song khi cần một ông chủ tuyến giữa, một tiền vệ có thể cầm lại nhịp độ để không bị cuốn vào cơn hưng phấn của đối thủ, người Đức chỉ có thể nhìn về Kroos, dù anh đang sải những bước cuối sự nghiệp.
Chia tay Kroos, Đức cũng chuẩn bị nói lời tạm biệt với một thế hệ. Thomas Muller, Manuel Neuer hay Gundogan rồi sẽ rời đi. Những Nico Schlotterbeck, Robert Andrich, David Raum, Musiala hay Witz có đủ trình độ dìu dắt "Die Mannschaft" trên chặng đường tiếp theo?
Đó mới là điều khiến đội tuyển Đức lo lắng sau EURO 2024.