Ngày hôm qua (23/10), trong buổi họp báo kỷ niệm 68 năm Sự kiện Hungary năm 1956, tại Công viên Millenaris, ở Budapest, Hungary, Thủ tướng Hungary Orban, một đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã tuyên bố rằng Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng thay đổi chính phủ của ông và lập nên một chế độ khác tại quốc gia Trung Âu này.
Những phát biểu này của Thủ tướng Orban được đưa ra trước hàng nghìn người tại Budapest, đánh dấu sự leo thang căng thẳng giữa EU và quốc gia thành viên đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU.
Thủ tướng Orban, người từ lâu đã bất đồng quan điểm với EU trong nhiều vấn đề, đặc biệt là các quan điểm đối với cuộc xung đột Ukraine hiện nay. Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Orban nhấn mạnh với người ủng hộ rằng “Chính trị Hungary độc lập là điều không thể chấp nhận được đối với Brussels” (ám chỉ EU).
Nhà lãnh đạo Hungary cũng nhấn mạnh Brussels đang tìm cách thay đổi chính phủ hiện tại của mình. Tuy nhiên, ông không đưa ra bằng chứng để chứng minh cho tuyên bố của mình và EU hiện cũng chưa phản hồi công khai những cáo buộc này.
Mối quan hệ giữa Hungary và Liên minh châu Âu (EU) đã căng thẳng trong nhiều năm qua, đặc biệt là về cách thủ tướng Hungary xử lý các thể chế dân chủ và lập trường của ông về cuộc chiến ở Ukraine. Hungary đã nhiều lần chặn hoặc trì hoãn các biện pháp của EU nhằm hỗ trợ Ukraine và áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, khiến cho nhiều lãnh đạo trong khối chỉ trích ông Orban không vì lợi ích của các đồng minh EU và NATO.
Thủ tướng Orban cũng đã bất đồng quan điểm với các nhà lãnh đạo EU khác khi tranh luận về lệnh ngừng bắn và các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine, khiến nhiều người cho rằng ông đang ủng hộ lợi ích của Nga và quay lưng lại với các đối tác EU và NATO. Trong khi đó, EU đã giữ lại hàng tỷ đô la hỗ trợ tài chính cho Hungary vì cáo buộc vi phạm pháp luật, thậm chí một số nhà lập pháp của khối này đã nhiều lần đề xuất tước quyền bỏ phiếu của Hungary vì các vấn đề liên quan tới dân chủ.
Những lời lẽ ngày càng gay gắt của thủ tướng Hungary chống lại EU được coi là một phần trong chiến lược của ông nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc trong nước, đặc biệt là khi đảng Fidesz cầm quyền đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ phe đối lập mới nổi.
Chính phủ của ông Orban đã phải chịu những thất bại do vấn đề lạm phát, bê bối và áp lực từ phong trào đối lập do ông Péter Magyar đứng đầu. Với cuộc bầu cử quốc gia đang đến gần vào năm 2026, Orban dường như muốn củng cố lại cơ sở của mình bằng cách tìm kiếm các sự ủng hộ đối với những mối đe dọa chung từ bên ngoài.
Nguồn: vov.vn