Thái Lan sẽ thu gọn dần và tiến tới rút toàn bộ lực lượng đặc nhiệm tại các tỉnh cực Nam nước này vào năm 2027. Trong khi đó, hàng loạt các vụ tấn công có vũ trang vẫn tiếp diễn tại khu vực này gây bất ổn, khiến nhiều dân thường thiệt mạng và bị thương.
Tư lệnh Quân khu 4, Trung tướng Santi Sakuntanak hôm 18/6 cho biết, quân đội Thái Lan đang giảm dần số lượng binh sĩ được giao nhiệm vụ đặc biệt ngăn ngừa quân nổi dậy chống phá chính quyền, và tiến tới rút toàn bộ lực lượng này khỏi các tỉnh cực Nam Thái Lan vào năm 2027. Tướng Santi cho biết, quân đội sẽ trình bày một kế hoạch đảm bảo an ninh tại các tỉnh miền Nam Thái Lan còn bất ổn với Chính phủ mới sau khi thành lập.
Lực lượng đặc nhiệm đang đồn trú tại khu vực miền Nam Thái Lan được thiết lập sau khi bạo lực bùng phát vào tháng 1/2004, trong đó một nhóm phiến quân đã đột một doanh trại quân đội ở tỉnh Narathiwat và cướp đi một số lượng lớn vũ khí.
Tuyên bố của Tướng Santi được đưa ra trong bối cảnh các vụ tấn công vũ trang vẫn tiếp diễn gây thương vong tại các tỉnh miền Nam Thái Lan.
Tại tỉnh Pattani, một số quân nổi dậy có vũ trang đã nổ súng vào một đồn cảnh sát tại Ban Khlong Maning ở huyện Muang vào sáng 17/6 nhưng may mắn không có thương vong. Vụ việc đã khiến các lực lượng chức năng phải tăng cường các hoạt động kiểm tra các phương tiện qua lại tại các trạm kiểm soát đường bộ trong khu vực.
Tại tỉnh Narathiwat lân cận, một nhóm người có vũ trang đã phục kích 4 dân làng đang trở về nhà vào sáng sớm 17/6, khiến một dân làng thiệt mạng và hai người khác bị thương.
Mới đây nhất, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha hôm 9/6 đã chỉ đạo Hội đồng An ninh quốc gia phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra nhóm các nhà hoạt động kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân về việc thành lập “Nhà nước Hồi giáo Pattani”, độc lập khỏi Thái Lan.
Quân khu 4, Bộ Quốc phòng Thái Lan, đơn vị phụ trách giám sát an ninh ở khu vực miền Nam Thái Lan cho biết nhóm này đã đưa ra lời kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân công khai về việc tách Pattani ra khỏi Thái Lan, đồng thời tổ chức một cuộc khảo sát trên mạng xã hội, thăm dò ý kiến người dân Pattani về khả năng tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này.
Cơ quan này khẳng định luật pháp Thái Lan cho phép và hỗ trợ người dân thể hiện các quyền chính trị và tự do ngôn luận. Tuy nhiên, mọi biểu đạt phải trong khuôn khổ pháp luật và không được phép vi phạm nguyên tắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đã quy định trong Hiến pháp của Vương quốc Thái Lan./.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...