Thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen một lần nữa đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi mới đây Nga tuyên bố “không có cơ hội” cho việc gia thạn Thỏa thuận này.
Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17/6 cho biết, Nga đã nhiều lần “nhượng bộ” gia hạn thỏa thuận, tuy nhiên “thiện chí” của Nga không thể kéo dài vô thời hạn khi Thỏa thuận chỉ đem lại lợi ích cho một bên.
“Nga đã nhiều lần đưa ra những cử chỉ thiện chí, thể hiện cách tiếp cận thực sự có trách nhiệm đối với Thỏa thuận. Tuy nhiên, thật đáng buồn, khi các bên thiếu sự tương hỗ và sẵn sàng thực hiện các phần của thỏa thuận liên quan đến Nga, thiện chí của Nga không thể tồn tại mãi mãi. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang xem xét chấm dứt Thỏa thuận này”, ông Peskov nói.
Trước đó, hôm 13/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết ông đang cân nhắc khả năng Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen khi cho rằng hầu hết số ngũ cốc của Ukraine được chuyển đến các quốc gia thịnh vượng tại Liên minh châu Âu (EU), chứ không đến các nước châu Phi như các nội dung quy định trong thỏa thuận. Ngoài ra, theo Tổng thống Nga các hành lang biển được thiết lập để các tàu chở ngũ cốc xuất khẩu qua Biển Đen an toàn, nhưng phía Ukraine sử dụng các hành lang này để triển khai máy bay không người lái của hải quân.
Trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Phi hôm 17/6, ông Putin cũng nhấn mạnh, việc cung cấp ngũ cốc của Ukraine cho thị trường thế giới không giải quyết được vấn đề thiếu hụt lượng thực của các nước châu Phi khi chỉ có 3,1% lô hàng ngũ cốc của Ukraine thông qua Thỏa thuận là đến được châu Phi.
Đối mặt với lập trường “cứng rắn” của Nga, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mới đây bày tỏ quan ngại về khả năng Nga rút khỏi sáng kiến trên, đồng thời khẳng định Liên Hợp Quốc đang nỗ lực để có thể duy trì thỏa thuận cũng như đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu hàng hóa của Nga.
“Tôi hy vọng rằng cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ đem đến kết quả tích cực liên quan đến Thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen cũng như những nỗ lực mà chúng tôi đang thực hiện để hỗ trợ xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga”, ông Guterres nhấn mạnh.
Thỏa thuận Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đạt được hồi tháng 7/2022 dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do xung đột giữa Nga và Ukraine – nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và theo lần gia hạn mới đây nhất ngày 18/5, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới. Liên hợp quốc cho rằng Thỏa thuận ngũ cốc trên mang lại lợi ích lớn cho các nước nghèo nhờ giúp giảm giá lương thực trên toàn cầu.
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, hơn 31 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất khẩu theo thỏa thuận, trong đó 43% được chuyển đến các quốc gia đang phát triển. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đã vận chuyển hơn 625.000 tấn ngũ cốc cho các hoạt động viện trợ./.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...