Hôm nay là Ngày Phát thanh thế giới (13/2). Với chủ đề “Phát thanh: Một thế kỷ phục vụ thông tin, giải trí và giáo dục”, Ngày Phát thanh thế giới 2024 tiếp tục tôn vinh và khẳng định những đóng góp tích cực của phát thanh cho sự phát triển của xã hội và các quốc gia.
Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã lấy ngày 13/2 – ngày đầu tiên phát sóng chương trình phát thanh của Liên hợp quốc vào năm 1946 để kỷ niệm Ngày Phát thanh Thế giới. Trải qua 1 thế kỷ hình thành và phát triển, ngành phát thanh nay đã khẳng định được vị thế vững chãi trong lòng thính giả.
Sóng phát thanh ngày nay cũng đang phải đối mặt với không ít những thách thức về lượng khán giả, cạnh tranh các nền tảng kỹ thuật số, phương tiện truyền thông xã hội, bên cạnh những ảnh hưởng từ kinh tếkhó khăn… Ngày Phát thanh thế giới năm nay vì vậy tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng và các phương tiện truyền thông về giá trị của phát thanh; khuyến khích các nhà chức trách mở rộng việc tiếp cận thông tin qua phát thanh; tăng cường thiết lập mạng lưới và hợp tác quốc tế giữa các đài phát thanh.
Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Phát thanh thế giới năm nay, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh, năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử của ngành phát thanh: đó là năm thế giới kỷ niệm 100 năm chương trình phát thanh trực tiếp đầu tiên về Thế vận hội Olympic.
Cột mốc quan trọng này nhắc nhở chúng ta rằng, kể từ khi ra đời vào cuối thế kỷ 19, đài phát thanh đã luôn đồng hành, gắn kết chúng ta trong những cung bậc cảm xúc sẻ chia. Trong hơn một thế kỷ hình thành, nó đã cung cấp cho chúng ta những thông tin giải trí -giáo dục đúng như chủ đề ngày này năm nay nhấn mạnh. Ngày nay, điều này càng đúng hơn: bất chấp ảnh hưởng ngày càng tăng của Internet và các mạng xã hội, đài phát thanh vẫn tiếp tục là nguồn thông tin và giải trí hàng đầu – ước tính có hơn 4 tỷ người đang nghe radio.
Theo UNESCO, phát thanh là một phương tiện truyền thông với chi phí thấp, đặc biệt phù hợp để tác động được tới các cộng đồng xa xôi, biệt lập và những người dễ bị tổn thương (người mù chữ, người tàn tật, phụ nữ, thanh niên, người nghèo), không phân biệt trình độ học thức.
Phát thanh cũng đóng một vai trò trung tâm trong các hệ thống thông tin liên lạc khẩn cấp và tổ chức cứu trợ thiên tai. UNESCO cũng nhấn mạnh phát thanh tiếp tục phát triển trong thời đại kỹ thuật số, và nó là phương tiện vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến đông đảo khán giả nhất trên toàn thế giới.
Cùng với các hoạt động kỷ niệm tại trụ sở UNESCO, các đài phát thanh của nhiều quốc gia đều có những hoạt động sôi nổi kỷ niệm Ngày Phát thanh Thế giới 13/2.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...