Rất ít đàn ông trong độ tuổi còn có thể chiến đấu còn ở trong làng, một ngôi làng phía Tây Nam Ukraine, những người còn lại thì lo lắng rằng họ có thể sẽ phải tòng quân bất cứ lúc nào.
Những người đàn ông cùng làng với họ được đưa ra tiền tuyến cách hàng trăm dặm. Một số đã thiệt mạng, một số bị thương, nhiều người mất tích. Những người khác ở khu vực này, cách biên giới Romania và Moldova khoảng 45 dặm thì trốn ra nước ngoài hoặc tìm mọi cách để tránh phải đi lính, họ dùng cách miễn trừ hợp pháp hoặc lẩn trốn.
Larysa Bodna, hiệu phó một trường học địa phương, nơi lưu giữ cơ sở dữ liệu về những học sinh có phụ huynh đi lính, cho biết: “Đó chỉ là sự thật”. “Hầu hết đều đã biến mất.”
Ukraine rất cần thêm quân, lực lượng của nước này đang cạn kiệt vì tử trận, bị thương và kiệt sức. Bất chấp thương vong to lớn của Moscow, Nga vẫn đông hơn quân phòng thủ Ukraine rất nhiều, một lợi thế đang giúp họ tiến lên trên chiến trường. Quốc hội Ukraine đang tranh luận về dự luật mở rộng nhóm tuổi, một phần bằng cách hạ độ tuổi đủ điều kiện nhập ngũ từ 27 xuống 25, nhưng rất ít quyết định được đưa ra ở Kiev có thể nhanh chóng đáp ứng nhu cầu cấp thiết của quân đội.
Người dân ở đây nói rằng điều đó có nghĩa là các giới chức tuyển dụng quân sự đang lấy tất cả những người có thể. Ở phía tây, động thái huy động quân đã dần dần gây ra sự hoảng loạn và phẫn uất ở các thị trấn và làng mạc như Makiv. Ở Makiv, người dân cho biết những người lính làm việc cho văn phòng quân dịch đang đi lang thang trên những con phố gần như vắng tanh để tìm kiếm những người còn sót lại.
Cách làm như vậy khiến một số người tin rằng người địa phương họ đang bị nhắm tới và nó không công bằng so với các khu vực khác hoặc các thành phố lớn hơn như Kiev.
Người dân địa phương sử dụng Telegram để cảnh báo về việc nhìn thấy binh lính và chia sẻ video về cảnh quân đội ép đàn ông vào xe - làm dấy lên tin đồn về các vụ bắt cóc. Một số người đàn ông hiện đang phải ngồi tù vì từ chối đăng ký quân dịch.
Olha Kametyuk, 35 tuổi, có chồng là Valentin, 36 tuổi, nhập ngũ vào tháng 6 sau khi những người lính tiếp cận và hỏi giấy tờ lúc anh dừng lại uống cà phê trên con phố chính bên ngoài Makiv. Olha cho biết: “Mọi người đang bị bắt như chó trên đường phố”.
Người phụ nữ 35 tuổi nói thêm, mặc dù được chẩn đoán mắc bệnh thoái hóa xương khớp song anh ấy đã vượt qua cuộc kiểm tra y tế chỉ sau 10 phút và được điều động ra mặt trận, nơi anh ấy bị thương. Mẹ của Valentin, Natalya Koshparenko, 61 tuổi, cho biết: “Thanh niên cả làng bị đưa đi lính theo cách này”.
Serhii, 47 tuổi, một người lính bộ binh đến từ Makiv, nhập ngũ vào tháng 3/2022 và phục vụ trong lữ đoàn 115 của Ukraine, cho biết: “Gần như tất cả người ở làng của chúng tôi đã bị loại khỏi vòng chiến”.
Về nhà trong tháng này để nghỉ ngơi một thời gian ngắn, lần đầu tiên sau một năm, Serhii cho biết anh đã bị chặn lại và thẩm vấn. Con trai của anh cũng vậy, mới 22 tuổi và chưa đủ điều kiện để nhập ngũ.
Anh ấy nói, khi những người lính nhận ra anh ấy đã đi phục vụ cho tiền tuyến, họ hỏi anh ấy cảm thấy thế nào về những người đàn ông “chưa từng chứng kiến một ngày chiến tranh nào”. Serhii cho biết anh đã rất bực bội, trả lời rằng đó là họ chứ không phải những người dân làng của anh.
“Các anh là quân nhân còn tôi là dân thường, nhưng tôi đang chiến đấu còn các anh thì không” sau đó cuộc trò chuyện “kết thúc ngay lập tức”.
Vào năm ngoái, Oleksii, 30 tuổi, đang sửa xe thì những người lính quân dịch đến gần và đưa cho anh lệnh nhập ngũ. Đó là ngày lễ tình nhân và tin tức này đã khiến bạn gái anh, Elvira, người làm việc trong một cửa hàng nhỏ ở Makiv và hầu như không ăn gì trong nhiều tuần sau đó. Oleksii chấp nhận số phận của mình, nhưng trải nghiệm của anh đã trở thành lời cảnh báo cho những người khác về thực tế trước mắt.
Sau ba lần bị chấn động và dính mảnh đạn, Oleksii mới được trở về nhà. Lướt qua điện thoại, anh ta đưa ra bức ảnh chụp cùng hơn chục đồng đội. Anh cho biết chỉ hai người còn sống.
Trong tháng này, dân làng ở Makiv đã chôn cất một người của họ - Ihor Dozorets, một người lính bị thương nặng đến nỗi con trai ông, cũng là một người lính, chỉ nhận dạng được nhờ một vết sẹo trên tay. “Anh ấy muốn về nhà,” chị gái của Ihor, Inna Melnyk, 43 tuổi, nói trong nước mắt. “Cậu ấy đã mệt mỏi với tất cả. Nhưng những gì chúng ta có thể làm gì?"
Vasyl Hrebeniuk, 70 tuổi, nói rằng ngay cả ở độ tuổi của ông - hơn 10 tuổi so với giới hạn quân dịch - binh lính vẫn thường xuyên chặn lại và thẩm vấn ông ở Makiv.
Sáu tuần trước, ông chứng kiến những người lính đập cửa nhà hàng xóm, phàn nàn rằng người đàn ông sống ở đó đã xin về từ biệt vợ và mẹ anh rồi biến mất. Hrebeniuk nhớ lại, một người lính nói rằng họ “lẽ ra phải đưa anh ta ngay lập tức, đưa anh ta lên xe buýt và đi”.
Những tình huống như thế này đã khiến Polina, 16 tuổi, lo lắng không biết cô còn có thể ở bên cha mình được bao lâu nữa - một trong số ít những người đàn ông đủ điều kiện nhập ngũ còn sót lại trong làng.
Mùa hè năm ngoái, Polina và bạn của cô, Olha, đang ngồi bên một chiếc bàn bên ngoài cửa hàng thì bố của Olha gọi điện và yêu cầu cô mua thứ gì đó cho ông. Cô từ chối yêu cầu của bố, nói rằng cô đang bận. Bố Olha đã tự mình đi bộ đến cửa hàng, và họ kinh hoàng nhìn những người lính vây quanh ông ấy và đưa cho ông ấy giấy triệu tập nhập ngũ.
Ông ấy đã phục vụ kể từ đó - và con gái ông tự trách mình. “Olha nghĩ đó là lỗi của cô ấy,” Polina nói.
Tetiana Lychak, 32 tuổi, giáo viên tại một trường học địa phương, mất chồng ở tiền tuyến vào cuối năm 2022. Con trai Max của cô mới 5 tuổi nhưng đã nói đến việc gia nhập quân đội, Lychak nói. Cô tự hỏi liệu mình có nên tham gia hay không. Một trong những đồng nghiệp của cô, một giáo viên từng hướng dẫn học sinh trung học các bài tập quân sự cơ bản trong khuôn khổ khóa học mang tên “Bảo vệ Ukraine”, hiện đã được điều động. Ba học sinh trong lớp của anh đều có bố phục vụ trong quân đội.
Bà Maya Proskurivska, 63 tuổi, đang che giấu sự thật về con rể của bà, Oleksandr, 41 tuổi, với cháu ngoại 8 và 14 tuổi. Được cử đi chiến đấu ở vùng Donetsk, anh đã mất tích từ tháng 12. Bà nói bọn trẻ nghĩ rằng bố chúng đã được xác nhận là tù nhân chiến tranh. Bây giờ “trên đường phố của chúng tôi, thật khó để tìm thấy một chàng trai trẻ”, bà Maya nói.
Vào một buổi chiều se lạnh trong tháng này, Eleanora Voropanova, 4 tuổi, đạp xe ba bánh xuống con đường yên tĩnh bên ngoài nhà. Hỏi bố mẹ bé có nhà không, bé dừng lại. “Mẹ ở nhà,” bé trả lời. “Bố đang có chiến tranh.”
Mẹ bé, Tanya, 42 tuổi, mở cổng. Bên trong, cháu trai của cô, Bohdan, 25 tuổi và bạn, Artem, cũng 25 tuổi, đang lê bước trong sân để chặt củi.
Đã 16 tháng kể từ lần cuối Tanya nghe tin từ chồng cô, Serhii, người nhập ngũ vào tháng 3/2022 và biến mất khi chiến đấu vào tháng 11 năm đó. Lúc đó, một người đồng đội đã gọi điện và nói với cô rằng anh có hai thông tin cập nhật. “Đầu tiên là anh ấy không nằm trong số những người đã tử trận,” cô nhớ lại. “Thứ hai là anh ấy không nằm trong số những người còn sống.”
Cô đã sống trong tình trạng lấp lửng đó kể từ đó - một mình nuôi hai cô con gái, hiện 4 và 8 tuổi. Anh rể của cô, cha của Bohdan, sợ phải chiến đấu và trốn ra nước ngoài - một quyết định mà cô khinh miệt.
“Có người trốn, hoặc ngồi ở nhà, thậm chí không thèm đến cửa hàng”, cô nói. “Hôm nay tôi nhìn thấy một chiếc ô tô mà người phụ nữ đang lái và người chồng đang trốn sau cửa sổ tối màu ở phía sau.”
Những thanh niên như Artem và Bohdan thừa nhận họ sợ quân dịch. Nhưng Artem cho biết anh cũng phẫn nộ với những người đàn ông từ miền Đông Ukraine đã đến tị nạn ở phía Tây thay vì ở lại chiến đấu. “Họ đến đây để ẩn náu và người của chúng tôi phải chết ở đó,” anh nói. Cha của Artem, người đã nhập ngũ, hiện đang chiến đấu gần thành phố Lyman phía đông.
Tại thành phố nhỏ Kamyanets-Podilsky, một phòng trưng bày đang được xây dựng nhằm tưởng nhớ những người đã tử trận. Mỗi bức ảnh đều là khuôn mặt của một người địa phương thiệt mạng khi chiến đấu cho Ukraine.
Vào một buổi sáng gần đây, Lyuda Shydey đứng khóc trước bức chân dung của em trai cô, Serhiy Kozynyak, người đã thiệt mạng vào năm 2022 tại Avdiivka, một địa điểm giao tranh ác liệt và đã rơi vào tay lực lượng Nga vào tháng trước. Shydey chưa bao giờ đến miền Đông Ukraine nhưng vẫn mơ ước một ngày được đi chân trần qua nơi em trai qua đời.
“Và những giấc mơ phải trở thành hiện thực,” cô nói. “Nếu không thì mơ mộng có ích gì?”
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...