Trước thông tin từ nhiều nguồn cáo buộc Triều Tiên đang gửi quân giúp Nga chống Ukraine, cả Mỹ và NATO đã thể hiện sự lo ngại sâu sắc. Mỹ đã tham vấn các đồng minh, còn Hàn Quốc sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp để đối phó động thái của Triều Tiên. Đại diện Triều Tiên đã bác bỏ cáo buộc của Ukraine và Hàn Quốc.
Mỹ quan ngại sâu sắc, phải tham vấn đồng minh
Hôm 21/10/2024, Mỹ tuyên bố nếu Triều Tiên gửi quân sang Ukraine để chiến đấu cho Nga thì đó là “diễn biến nguy hiểm và rất đáng quan ngại”. Mỹ đưa ra tuyên bố này trong bối cảnh Anh và Hàn Quốc cảnh báo Nga phải trả giá cao cho Triều Tiên nếu chấp nhận sự giúp đỡ này của Bình Nhưỡng.
Phó Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, Robert Wood, đã phát biểu với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (gồm 15 thành viên) rằng phía Mỹ đang “tham vấn đồng minh và đối tác về các hàm ý từ một động thái lớn như vậy”.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky đã tố Triều Tiên chuẩn bị gửi 10.000 quân sang Nga. Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc, Sergiy Kyslytsya, thông báo với Hội đồng Bảo an LHQ rằng “số binh sĩ Triều Tiên này dự kiến sẽ sẵn sàng cho cuộc chiến chống Ukraine vào ngày 1/11”.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc tuần trước cho hay, Triều Tiên đã gửi 1.500 lính đặc nhiệm sang vùng Viễn Đông của Nga để huấn luyện và thích ứng với môi trường tại các căn cứ quân sự ở đây. Theo tình báo Hàn Quốc, dự kiến những binh sĩ này cũng sẽ được triển khai sang Ukraine để chiến đấu.
Phó Đại sứ Mỹ Wood nói: “Nếu đúng thì động thái này của Triều Tiên sẽ đánh dấu bước phát triển nguy hiểm và gây quan ngại sâu sắc, đồng thời phản ánh mối quan hệ quân sự sâu sắc giữa Triều Tiên và Nga”.
Trước đó, cũng ngày 21/10, điện Kremlin từ chối trả lời trực tiếp câu hỏi về việc liệu binh sĩ Triều Tiên có tham chiến ở Ukraine hay không. Phát ngôn viên của Kremlin, Dmitry Peskov, cho biết, hợp tác giữa Moscow và Bình Nhưỡng không nhằm vào các nước thứ 3.
Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward cũng nhận định có khả năng cao Triều Tiên đang gửi quân sang Nga.
Hàn Quốc lo ngại cao độ về an ninh quốc gia, sẽ không khoanh tay ngồi yên
Cũng hôm 21/10, Hàn Quốc yêu cầu Đại sứ Nga phản đối hợp tác quân sự giữa Bình Nhưỡng và Moscow, kêu gọi rút ngay lập tức các binh sĩ Triều Tiên được đồn là đã triển khai sang Nga để giúp nước này trong xung đột với Ukraine.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Đại sứ Nga Georgy Zinoviev đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Hong-kyun, người đã cực lực phản đối việc Triều Tiên gửi quân giúp Nga. Theo Thứ trưởng Kim, động thái điều quân này tạo ra “mối đe dọa an ninh nghiêm trọng” đối với Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng Thứ trưởng Kim đã thông báo Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế sẽ huy động mọi phương tiện có sẵn để ứng phó với tình huống này.
Đại sứ quán Nga tại Hàn Quốc dẫn lời ông Georgy Zinoviev trả lời rằng hợp tác giữa Nga và Triều Tiên không nhằm đe dọa lợi ích an ninh của Hàn Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vào ngày 21/10. Tổng thống Yoon cho hay, Seoul sẽ không ngồi yên trước hợp tác quân sự giữa Moscow và Bình Nhưỡng.
Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông Yoon nói rằng Hàn Quốc có kế hoạch gửi một phái đoàn tới NATO để thuyết trình về hợp tác Nga - Triều Tiên.
Trong một đăng tải trên mạng xã hội X, Tổng thư ký NATO Rutte đánh giá quyết định gửi quân Triều Tiên sang Ukraine để chiến đấu bên cạnh quân Nga “sẽ đánh dấu một bước leo thang lớn”.
Trong lúc đó, Thư ký báo chí của Lầu Năm Góc, tướng Pat Ryder cho biết, Mỹ không thể xác nhận hoặc cung cấp bằng chứng xác thực các tin tức nói rằng quân Triều Tiên đã được gửi sang Nga.
Nga thì phủ nhận việc sử dụng quân Triều Tiên trong cuộc đối đầu quân sự với Ukraine. Phát ngôn viên điện Kremlin coi thông tin này là “tin ngụy tạo”. Truyền thông Triều Tiên cũng chưa bình luận về vấn đề này.
Hãng Yonhap hôm 21/10 dẫn lời Đại diện Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc bác bỏ điều mà họ gọi là “đồn đoán vô căn cứ” từ phía Ukraine và Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã điều quân sang hỗ trợ Nga chiến đấu chống lại Ukraine. Vị quan chức Triều Tiên này cho rằng cáo buộc đó là nhằm bôi nhọ hình ảnh Triều Tiên và làm suy yếu hợp tác giữa Nga và Triều Tiên.
Nếu đúng, động cơ sâu xa của Triều Tiên là gì?
Sam Cranny-Evans thuộc Viện Liên quân chủng Hoàng gia (trụ sở tại London, Anh), phán đoán quân Triều Tiên có thể được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau gần tiền tuyến như “hỗ trợ hậu cần và công binh - di chuyển đạn dược, đào công sự”, hoặc lui sâu vào hậu phương Nga để tạo điều kiện cho binh sĩ Nga rảnh tay tác chiến, hoặc có thể đơn giản là đi học hỏi kinh nghiệm thực chiến của quân đội Nga.
Quân Triều Tiên có thể học hỏi rất nhiều thứ, như về vai trò lớn của những UAV giá rẻ trên chiến trường Ukraine - thứ vũ khí ngăn ngừa tình trạng tập trung quân và giảm mức độ gây bất ngờ.
Nhiều chuyên gia nghi ngờ khả năng quân Triều Tiên sẽ giúp đỡ được Nga vì vũ khí khí tài Triều Tiên lạc hậu và quân Triều Tiên thiếu kinh nghiệm trận mạc.
Giới chuyên gia đánh giá rằng Triều Tiên có thể được Nga hứa hẹn sẽ cung cấp công nghệ vũ khí tiên tiến hỗ trợ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Đại sứ Anh tại LHQ Woodward cho rằng phía Triều Tiên sẽ yêu cầu Nga trả giá cao để đáp lại việc Triều Tiên đưa quân sang để giúp đỡ.
Đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc Joonkook Hwang cũng phán đoán rằng Triều Tiên mong chờ Nga đền đáp bằng viên trợ quân sự, viện trợ tài chính, thậm chí bằng công nghệ liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Richard Fontaine thuộc Trung tâm An ninh tân Mỹ cho rằng Nga có thể sẽ cung cấp công nghệ tên lửa và công nghệ tàu ngầm cho Triều Tiên, khiến Triều Tiên hăng hái giúp Nga.
Triều Tiên đã bị Liên Hợp Quốc trừng phạt từ năm 2006 do chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này. Các biện pháp trừng phạt đó đã gia tăng cường độ theo thời gian.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...