Ngày 9/1 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã bất ngờ đệ đơn từ chức sau gần 2 năm giữ cương vị này. Sự ra đi của bà Elisabeth Borne diễn ra trong bối cảnh chính phủ đang hứng chịu nhiều chỉ trích do những điều chỉnh trong hệ thống lương hưu và luật di cư, đẩy nền chính trị Pháp đến bên bờ vực khủng hoảng.
Sự ra đi bất ngờ của bà Elisabeth Borne
Theo những diễn biến kể từ khi Thủ tướng Pháp nhậm chức thì việc mới đây bà Elisabeth Borne đệ đơn từ chức không phải là điều bất ngờ. Ngay từ khi lên nắm giữ chức vụ, chính phủ của Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã không làm theo thông lệ là đệ trình bỏ phiếu tín nhiệm với Nghị viện. Bằng cách bỏ phiếu tín nhiệm, Thủ tướng đảm bảo được sự tin tưởng của đa số và thiết lập quyền lực của mình với họ.
Việc bà Borne bỏ qua bước này đã làm dấy lên sự bất mãn của nhiều nghị sĩ và họ đã yêu cầu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ đương nhiệm. Mặc dù chính phủ của Thủ tướng Pháp sau đó đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu nhưng cũng gây ra những rạn nứt không đáng có đối với những nghị sĩ ủng hộ mình. Chưa kể đến việc liên tục sử dụng Điều 49 khoản 3 trong Hiến pháp để thông qua các dự luật mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội lại càng làm gia tăng sự thất vọng của các nghị sĩ.
Trong gần 20 tháng tại vị, Thủ tướng Pháp đã sử dụng 23 lần điều khoản 49.3. Nhiều hơn so với đại đa số các đời thủ tướng khác của Pháp. Dưới nền cộng hòa thứ 5, chỉ có cựu thủ tướng Pháp Michel Rocard, (5/1988-5/1991) là sử dụng “vũ khí” này thường xuyên hơn (28 lần). Tuy nhiên, thời gian ông Michel Rocard tại chức kéo dài đến 3 năm còn bà Borne chỉ hơn 1 năm 7 tháng. Xét một cách tổng thể, bà Borne sử dụng nó nhiều hơn với tần xuất trung bình là 26 ngày/lần.
Điều này đã giúp cho chính phủ của bà Borne thông qua tổng cộng 41 dự luật và 6 gói biện pháp. Một số dự luật nổi bật có thể liệt kê như dự luật cải cách lương hưu và nhập cư, các văn bản về sức mua (mùa hè năm 2022), về năng lượng hạt nhân (mùa xuân năm 2023) và thậm chí cả tái thiết sau bạo loạn (mùa hè năm 2023).
Trong đó dự luật cải cách lương hưu đã gây ra một loạt các cuộc tổng đình công và biểu tình ở Pháp. Các cuộc đình công đã dẫn đến sự gián đoạn trên diện rộng, bao gồm rác thải chất đống trên đường phố và hủy bỏ giao thông công cộng. Số lượng người dân xuống đường phản đối đã vượt quá con số 1 triệu người trong vòng nhiều tuần, quan trọng hơn là các cuộc biểu tình này ngày càng có xu hướng bạo lực.
Trong quá trình điều hành, chính phủ của bà Borne cũng phải đối mặt với 31 lần kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tuy chưa một lần nào được thông qua nhưng việc phải đối mặt liên tục với các cuộc bỏ phiếu cho thấy sự bất mãn ngày càng gia tăng của các nghị sĩ. Nước Pháp rơi vào tình thế chia rẽ chưa từng có.
Điều gì đến cũng phải đến, việc kiến nghị bác bỏ đạo luật nhập cư được chấp thuận ngay trước khi dự luật này được biểu quyết tại Quốc hội như một giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Thất bại này như một biểu tượng, cho thấy chính phủ của bà Elisabeth Borne đã chạm đến giới hạn. Trong chính phe ủng hộ của Tổng thống Macron cũng đã có 20 người phản đối và 12 người bỏ phiếu trắng. Dự luật này phải nhờ đến sự ủng hộ của phe cựu hữu mới có thể thông qua.
Thậm chí, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, Aurélien Rousseau, một thành viên nội các của bà Borne tại thời điểm đó, đã đệ đơn xin từ chức để phản đối ngay sau khi dự luật nhập cư được biểu quyết. Phe cực hữu coi dự luật này như một chiến thắng “ý thức hệ” trong khi phe cánh tả cho rằng quá hà khắc và có xu hướng “cực đoan” hóa.
Với việc đánh mất lòng tin của các nghị sĩ cũng như chính các phe phái ủng hộ mình. Thêm vào đó là nội bộ rạn nứt và không được lòng người dân, không có gì là bất ngờ khi Thủ tướng Pháp, bà Elisabeth Borne đệ đơn xin từ chức.
Khó khăn đối với Tổng thống Macron
Mặc dù không được sự ủng hộ của nhiều người nhưng xét một cách tổng thể, Chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne đã làm khá tốt nhiệm vụ của mình khi có thể thông qua gần 50 văn bản quan trọng, trong đó phải kể đến dự luật nhập cư hay dự luật cải cách lương hưu. Đây là 2 vấn đề nhức nhối của nước Pháp từ vài thập niên trở lại đây nhưng chưa từng có chính phủ nào dám đưa ra những giải pháp mang tính đột phá.
Đại đa số đều e ngại việc cải cách quá quyết liệt sẽ đem đến sự bất mãn của người dân cũng như các nghị sĩ. Qua đó làm giảm uy tín của chính phủ hay gay ra những hệ lụy khó lường. Nhưng Chính phủ của bà Borne đã dám làm và quan trọng nhất là đã thành công. Dù ít hay nhiều thì bà Borne đã có một số uy tín nhất định.
Việc thay thế bà Borne vào thời điểm này sẽ tạo ra những bất lợi nhất định cho ông Macron. Đầu tiên là vấn đề uy tín và lòng tin. Tân Thủ tướng sẽ phải mất rất nhiều thời gian để chứng minh bản thân. Nhất là trong bối cảnh đất nước đang chia rẽ như hiện nay, điều này lại càng khó khăn hơn. Người dân cũng như các nghị sĩ đều trông chờ vào các kết quả tích cực. Đây không phải là vấn đề được yêu thích hay không bởi một khi không đạt được những tín hiệu khả quan, mọi sự mong chờ đều sẽ đổ vỡ và đi kèm với đó là việc chính phủ mới bị bãi nhiệm.
Ngoài ra, với việc bổ nhiệm tân Thủ tướng Gabriel Attal mới chỉ hơn 34 tuổi cũng là bài toán khó cho Tổng thống Macron. Bởi ông Attal vẫn còn quá trẻ và hầu như chưa có kinh nghiệm gì về việc quản lý Matignon. Ông mới chỉ tại chức với cương vị là Bộ trưởng Bộ giáo dục quốc gia từ tháng 7/2023. Thế nên việc có thể thuyết phục các thành viên kỳ cực để thành lập một Chính phủ mới hiệu quả trong tình hình rối ren như hiện nay hiện vẫn đang là một dấu chấm hỏi.
Tất cả những gì Tổng thống Pháp có thể hy vọng vào lúc này đó là sức trẻ, sự thông minh cũng như sự yêu mến mà mọi người dành cho ông Attal. Các chuyên gia cho rằng đây là một bước đi liều lĩnh và đầy tham vọng của Tổng thống Macron trong việc đồng hóa bộ máy Chính phủ của mình.
Việc thay thế bà Borne vào thời điểm này cũng là một trong những tính toán của Tổng thống Pháp đương nhiệm. Ông Macron muốn làm mới hình ảnh Chính phủ, đưa một người được yêu mến lên vị trí Thủ tướng để thống nhất các đảng viên của mình. Tạo sự đồng lòng cũng như có được sự ủng hộ của người dân Pháp trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu dự kiến diễn ra vào tháng 6/2024. Nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây là với quãng thời gian ít ỏi còn lại, liệu Tân thủ tướng Attal có kịp chuẩn bị cho những trọng trách mà mình phải đối mặt?
Các chuyên gia nhận định rằng đây là một canh bạc lớn của ông Macron và quan trọng hơn có lẽ đây là cơ hội để ông Attal có thể chứng minh bản thân mình, tạo tiền đề cho cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo trong vòng 3 năm nữa.
Diện mạo mới cho chính phủ
Chính phủ của bà Elisabeth Borne không được sự ủng hộ của đạ số và gây ra nhiều rạn nứt trong quá trình điều hành. Thế nên việc ông Macron cần nhất lúc này đó là một người có thể khỏa lấp những lỗ hổng mà bà Borne để lại. Việc bổ nhiệm ông Gabriel Attal vào vị trí Thủ tướng là minh chứng cho điều đó. Theo những cuộc thăm dò gần đây, ông Attal là chính trị gia được ưa thích nhất của người dân Pháp. Ít ra, việc ông Attal làm Thủ tướng bước đầu sẽ ít bị người dân “xa lánh” nhờ hình ảnh tốt đẹp mà mình đã gây dựng trước đó. Việc ông Attal nhận được nhiều phản ứng kể từ khi nhậm chức đã minh chứng cho việc ông rất được đại đa số quan tâm.
Ngoài ra, trong quá trình 6 năm kể từ khi lên làm Tổng thống, ông Macron đã luôn kiên định làm theo những gì mình đã hứa hẹn như tạo việc làm đầy đủ, tái công nghiệp hóa nước Pháp, khôi phục các dịch vụ công cộng, tái vũ trang đất nước và dẫn đầu quá trình chuyển đổi sinh thái…kể cả khi không đạt được sự ủng hộ của đại đa số.
Ông bắt các chính đảng của Pháp phải chơi trò “con đà điểu vùi đầu vào cát” và tỏ ra bàng quan với mọi chuyện cho đến khi mọi thứ đã đi quá xa. Chưa kể đến trong bối cảnh quốc tế ngày càng khó khăn làm gia tăng cảm giác bất an ở Pháp cũng như nhu cầu được bảo vệ, ông Marcon buộc phải ban hành dự luật nhập cư trước sự mong chờ một đáp án của đại đa số bất chấp việc phải liên thủ với cánh hữu và phe cực hữu.
Những chính điều này đã khiến ông Macron đánh mất sự ủng hộ của phe cánh tả và làm đảo lộn phe trung dung. Hiện, Tổng thống Pháp đang phải đối mặt với một tình thế nhạy cảm cho sự nghiệp chính trị của mình. Ông đứng trước nguy cơ bị đại đa số phản đối nếu tiếp tục tiến hành các chính sách mạnh mẽ như trước kia.
Điều ông Macron cần lúc này đó là một người có đủ sức cuốn hút để thống nhất lại các phe phái ủng hộ. Một làn sóng mới để thiết lập lại lòng tin cũng như hy vọng. Hơn thế nữa, người này còn cần phải “trung thành” với tư tưởng của ông, được các chuyên gia đặt cho nó cái tên hệ tư tưởng Macroniser. Và trong vòng tròn khép kín chính chị Pháp, có lẽ Tân thủ tướng Attal là người đáp ứng những yêu cầu này hơn cả. Với hồ sơ chính trị khá mới của mình, ông Attal sẽ là nơi để các đảng phái đặt hy vọng.
Chưa kể đến, với việc phe cựu hữu đang dần chiếm ưu thế trên chính trường châu Âu, ông Macron lo ngại những thất bại có thể thấy được tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới. Để có thể đạt được những kết quả tốt đẹp tại cuộc bầu cử lần này, việc làm mới hình ảnh chính quyền Pháp là điều thiết yếu. 6 tháng có lẽ không quá dài nhưng đủ để cho ông Attal bước đầu dành được sự ủng hộ cũng như lòng tin của người dân Pháp nói riêng và người dân châu Âu nói chung.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn còn quá sớm để có thể kết luận. Ngay lúc này, bài toán hóc búa đầu tiền dành cho ông Attal có lẽ là việc có thể thành lập một chính phủ hiệu quả cũng như có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với Nghị viện. Đây là điều cần thiết để lấy lại lòng tin của các nghị sĩ nếu ông Attal không muốn dẫm lên vết xe đổ của bà Elisabeth Borne.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...