Sớm nhất trong ngày 18/12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tiến hành bỏ phiếu về đề xuất yêu cầu Israel và Hamas cho phép viện trợ nhân đạo tiếp cận Dải Gaza thông qua đường bộ, đường biển và đường hàng không, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát phân bổ hàng viện trợ của Liên Hợp Quốc.
Theo thông lệ, một nghị quyết mới để được Hội đồng Bảo an thông qua cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có động thái phủ quyết nào từ các thành viên Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Anh hoặc Nga.
Trong thời gian ngừng bắn kéo dài 7 ngày vào cuối tháng 11 vừa qua, dù hàng cứu trợ và nhiên liệu đã được đưa tới Gaza, song với số lượng hạn chế, hàng cứu trợ thông qua cửa khẩu duy nhất Rafah của Ai Cập chỉ như “muối bỏ bể”. Trước tình hình nhân đạo xấu đi nhanh chóng, dự thảo nghị quyết lần này được thiết kế nhằm mục đích thiết lập sự giám sát của Liên Hợp Quốc tại Gaza đối với hàng viện trợ được vận chuyển qua đường bộ, đường biển hoặc viện trợ bởi các quốc gia không tham gia xung đột.
Giữa lúc nạn đói và tâm lý tuyệt vọng đang khiến người dân trên dải Gaza giành giật hàng viện trợ nhân đạo, ngày 17/12, cửa khẩu Kerem Shalom nằm giữa Israel và Gaza đã lần đầu tiên được mở cửa kể từ khi bùng phát xung đột Hamas-Israel, cho phép các xe tải chở hàng viện trợ đi qua. Động thái này được hy vọng sẽ giúp tăng gấp đôi lượng thực phẩm và thuốc men đến Dải Gaza.
Trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo mà người dân trên Dải Gaza đang phải đối mặt, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa thông báo, cơ quan này đã tham gia vào một sứ mệnh chung của Liên Hợp Quốc nhằm cung cấp vật tư y tế và đánh giá tình hình tại bệnh viện Al Shifa ở Gaza. Theo WHO, nhóm công tác đã chuyển dụng cụ phẫu thuật, thuốc gây mê và các loại thuốc khác đến Al Shifa- bệnh viện “hiện chỉ hoạt động ở mức tối thiểu”.
Điều phối viên Nhóm Y tế Khẩn cấp của WHO, Sean Casey mô tả tình trạng hiện tại ở bệnh viện Al Shifa: “Tôi hiện đang ở Bệnh viện Al Shifa ở phía bắc Gaza, đây là bệnh viện lớn nhất ở Gaza. Tràn ngập các bệnh nhân nhưng lại rất ít nhân viên y tế. Bệnh viện chuyển tuyến lớn nhất ở Gaza này hiện chỉ có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc cơ bản nhất cho những người bị thương rất nặng và mắc bệnh rất nặng. Hầu hết bệnh nhân đều nằm la liệt trên sàn. Đội ngũ y tế đang cố gắng để các phòng mổ hoạt động trở lại. Không có năng lực chăm sóc đặc biệt và gần như không thể chuyển bệnh nhân ra khỏi Shifa- cảnh tượng ở đây hết sức hỗn loạn”.
Xung đột gần đây không chỉ khiến dải đất hẹp ven biển của người Palestine đứng trước khủng hoảng nhân đạo trầm trọng mà còn có nguy cơ làm xáo trộn địa chính trị khu vực, đẩy Trung Đông đến bờ vực của một cuộc chiến tranh lan rộng. Cộng đồng quốc tế đang tích cực hối thúc tìm ra các giải pháp cấp bách đối với cuộc khủng hoảng hiện nay tại Gaza thông qua ngừng bắn ngay lập tức, song song với nỗ lực tăng cường viện trợ nhân đạo cho vùng lãnh thổ này trước khi quá muộn.
Ngoại trưởng Anh David Cameron và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock vừa nhấn mạnh sự cấp thiết phải đạt được một “lệnh ngừng bắn bền vững” trên Dải Gaza càng sớm càng tốt.
Bày tỏ lo ngại về việc có nhiều dân thường bị thiệt mạng trong các xung đột giữa Israel và Hamas, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna ngày hôm qua (17/12) trong chuyến thăm Israel và Bờ Tây cũng kêu gọi áp dụng một lệnh ngừng bắn "ngay lập tức và lâu dài" đối với xung đột ở Dải Gaza.
“Các cuộc bắn phá có hệ thống đang gây ra quá nhiều đau khổ. Israel phải bảo vệ mạng sống của dân thường, tôn trọng luật pháp quốc tế và cần đồng ý ngừng bắn để giải phóng con tin, cho phép viện trợ và phân phối viện trợ. Các hoạt động của các bệnh viện và cơ sở y tế cần được duy trì. Và chúng ta đặc biệt phải hướng tới và làm việc nghiêm túc nhằm xây dựng một nhà nước cho người Palestine. Không phải sau này mà là ngay bây giờ”, Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh.
Ai Cập - bên trung gian hòa giải cho xung đột Israel-Hamas vừa phát đi tín hiệu tích cực khi thông báo cả Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas đều đang để ngỏ khả năng đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn mới dù vẫn còn bất đồng trong cách thực thi thỏa thuận.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...