Ukraine còn rất nhiều khó khăn trong việc đàm phán gia nhập EU

10:38 - 20/12/2023

Liên minh châu Âu đã bất ngờ công bố quyết định mở các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) với Ukraine. Đây được cho là "một dấu hiệu ủng hộ mạnh mẽ" của EU đối với Ukraine trong bối cảnh chiến sự Nga-Ukraine vẫn “giậm chân tại chỗ” và sự ủng hộ quốc tế dành cho Ukraine có phần suy giảm.

Quyết định bất ngờ

Hội nghị thượng đỉnh châu Âu hồi cuối tuần qua có thể được đánh giá là hội nghị quan trọng nhất trong lịch sử gần đây của Liên minh Châu Âu. Chính thời điểm diễn ra hội nghị khiến nó trở nên quan trọng. Đầu tiên, cuộc xung đột Nga – Ukraine đang rơi vào bế tắc, phía Ukraine đang vấp phải những khó khăn mang tính sống còn như thiếu đạn dược, vũ khí, thiết bị... 

Đây cũng là lần đầu tiên truyền thông phương Tây phải thừa nhận trên các báo đài rằng, cán cân cuộc xung đột đang nghiêng về phía Nga. Quân đội Ukraine dường như không đạt được kết quả nào khả quan trong vài tuần trở lại đây và điều đó khiến Châu Âu lo ngại. Ngoài ra, quyết tâm hỗ trợ Ukraine của phương Tây, vốn là biểu tượng của sự đoàn kết và nhất quán, hiện đang suy yếu.

Hơn nữa, khu vực Tây Balkan đang trong tình trạng hỗn loạn với những biến động kinh tế, chính trị khó dự đoán. Và cuối cùng, cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới ở Mỹ không phải là điều thuận lợi cho châu Âu. Nhất là khi cả châu Âu đang trông chờ vào những hành động từ phía người đồng minh Bắc Mỹ của mình để có thể lên kế hoạch phối hợp trong việc duy trì viện trợ cho Ukraine trong thời gian sắp tới.

Việc đạt được những tiến bộ tại Hội nghị thượng đỉnh lần này mang ý nghĩa quan trọng cho Liên minh châu Âu. Đây không phải là thời điểm các nhà lãnh đạo khối 27 nghĩ rằng việc thay đổi thể chế ở châu Âu sẽ có tác động tích cực đến việc hội nhập của các quốc gia ứng viên khác. Nếu Ukraine mất niềm tin vào lời đề nghị của EU, điều đó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả lục địa.

Người dân Ukraine hiện cần một chiến thắng, không phải là một chiến thắng về mặt quân sự, mà là một chiến thắng về mặt tinh thần: Viễn cảnh về một Ukraine trong tương lai với tư cách là một quốc gia châu Âu thịnh vượng và dân chủ. EU là cơ hội duy nhất của Ukraine. Nếu bỏ lỡ cơ hội tại hội nghị thượng đỉnh, EU sẽ không chỉ phải chịu trách nhiệm mà còn phải chịu gánh nặng về những tác động địa chính trị to lớn của thất bại này. 

Do vậy, tại cuộc họp thượng đỉnh châu Âu, hoàn toàn không bất ngờ khi các lãnh đạo EU ra quyết định về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập khối 27 với Ukraine và Moldova. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hội nghị mới chỉ thành công được một nửa khi không đạt được sự đồng thuận về gói hỗ trợ tài chính 50 tỷ euro cho Kiev.

Bất chấp kết quả này, theo các nhà lãnh đạo khối 27, không phải là vấn đề lớn vì các quốc gia thành viên EU vẫn có thể hoàn tất cam kết viện trợ 50 tỷ Euro cho Ukraine dưới dạng hỗ trợ song phương. Nhưng việc Hungary phủ quyết cũng cho thấy EU bắt đầu có những rạn nứt nội bộ trong việc ủng hộ Ukraine.

Theo cuộc thăm dò ý kiến ​​mới được thực hiện bởi Hội đồng Quan hệ Quốc tế Châu Âu (ECFR), đại đa số người dân châu Âu vẫn đang nghi ngờ và lo lắng về việc Ukraine gia nhập khối 27 có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, cũng như không đem lại lợi ích nào về mặt kinh tế. Nói một cách tổng quát hơn, hội nghị lần này chưa thuyết phục được người dân châu Âu rằng những nỗ lực hội nhập của Ukraine và các quốc gia khác vào khối 27 là một khoản đầu tư khôn ngoan cho tương lai của EU.

Có thể hiểu quyết định lần này của Nhóm 27 như là một phép thử với Nga, khi tình hình cuộc xung đột Nga – Ukraine đang rơi vào bế tắc và châu Âu đang đứng trước nguy cơ bị sa lầy vào sự kiện này. Số tiền mà EU ủng hộ cho Ukraine đã lên tới 84 tỷ Euro và con số này có xu hướng gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới. Và với việc Quốc hội Mỹ không thông qua gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine, EU đang đứng trước nguy cơ phải “gồng gánh” một mình. Với tình hình kinh tế châu Âu khó khăn như hiện nay, đây không phải là biện pháp lâu dài. Việc hướng đến một giải pháp khác khả thi hơn là điều hoàn toàn có thể hiểu được.   

Động thái của Hungary

Trong một động thái mới nhất, Hungary tuyên bố sẽ phủ quyết các cuộc đàm phán của Liên minh châu Âu về việc kết nạp Ukraine nếu thấy bất lợi cho lợi ích của Hungary.

Đây không phải là lần đầu tiên Hungary phản đối việc gia nhập Liên minh Châu Âu của Ukraine. Mà ngay từ khi ý tưởng này được đề xuất, Hungary đã luôn là quốc gia không đồng thuận. Thái độ của Hungary đối với vấn đề liên quan tới Ukraine xuất phát từ mâu thuẫn giữa Hungary và EU. Khối 27 cho rằng Hungary không đáp ứng những tiêu chuẩn về dân chủ liên quan đến cuộc bầu cử Thủ tướng của ông Viktor Orban năm 2022.

Ngoài ra, vài tháng trước đợt bầu cử ấy, Hungary đã quyết định thông qua một dự luật gây tranh cãi về việc cấm cổ vũ, quảng bá đồng tính hoặc chuyển giới cho trẻ vị thành niên. Luật này đã khiến các nhà hoạt động nổi giận, và các chính trị gia Châu Âu xem đây như một màn tấn công nhằm vào sự công nhận và quyền lợi của cộng đồng LGBTQ+. Căng thẳng về nhân quyền và pháp quyền dẫn tới việc EU quyết định đóng băng hơn 30 tỉ Euro tiền hỗ trợ, vốn được hứa hẹn sẽ gửi cho Hungary. Phía EU yêu cầu Hungary phải đáp ứng các tiêu chuẩn, thực hiện cải cách nhằm khôi phục việc tiếp cận số tiền này.

Điều này khiến Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban phẫn nộ và cho rằng EU đang áp dụng tiêu chuẩn kép. Một mặt, EU cắt nguồn quỹ rót cho Hungary vì vấn đề cải cách. Mặt khác, Brussels muốn dùng nguồn quỹ chung viện trợ cho Ukraine và khởi động đàm phán cho Ukraine gia nhập bất chấp vẫn còn nhiều tranh cãi về mức độ "cải cách" của Kiev.

Ông Orban nhấn mạnh hiện EU vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa giải quyết như vấn đề di cư... Nhiều quốc gia thành viên EU đang trong tình trạng khó khăn và cần sự giúp đỡ từ các nhà lãnh đạo EU. Thế nên thay vì yêu cầu các quốc gia thành viên tiếp tục đóng góp tài chính hay cắt giảm các quỹ hỗ trợ để viện trợ cho Ukraine, EU nên tập trung vào các vấn đề của mình. Điều này cũng dẫn đến tuyên bố của Hungary rằng sẽ phủ quyết các cuộc đàm phán của Liên minh châu Âu về việc kết nạp Ukraine nếu thấy bất lợi cho lợi ích của nước này.

Các lợi ích được Hungary đề cập ở đây bao gồm việc bị cắt giảm nguồn tài chính hỗ trợ, việc phải huy động nhân lực, tài lực cũng thời gian để viện trợ cho một quốc gia khác ngoài EU. Và trong tuyên bố mới đây của Thủ tướng Hungary trên đài phát thanh quốc gia, ông Orban cho rằng việc phản đối Ukraine gia nhập khối 27 sẽ tránh việc "tiền đóng thuế của người dân Hungary chảy đến Ukraine". Thủ tướng Hungary cho rằng EU nên hoàn thành các cam kết viện trợ ngân sách của mình với các quốc gia thành viên trước khi có thể tính đến các dự thảo khác. Ông cũng nhấn mạnh sẽ chờ đợi những quyết định sắp tới của EU trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào đầu năm 2024.

Những khó khăn phía trước

Việc Ukraine đạt được sự đồng thuận mở ra các cuộc đàm phán gia nhập EU chỉ là bước khởi đầu. Quyết định này chỉ mang tính nguyên tắc, một tín hiệu ủng hộ của EU và không có nhiều ý nghĩa thực tế, nhất là khi Ukraine mới nộp đơn gia nhập EU vào năm ngoái.

Quá trình đàm phán gia nhập bao gồm 35 nhóm vấn đề, đòi hỏi phải trải qua nhiều lần biểu quyết và bỏ phiếu tại 3 định chế trụ cột của Liên minh châu Âu. Theo thông tin từ tờ Politico đăng hồi tháng 9/2023, một số nước EU đang lo ngại rằng, tình trạng tham nhũng phổ biến ở Ukraine có thể làm hỏng nỗ lực trở thành thành viên của Kiev.

Hơn nữa, việc kết nạp Ukraine có khả năng đe dọa sinh kế của nông dân một số nước thành viên khối 27, những người sẽ phải đối mặt với nguy cơ không thể cạnh tranh được với sản phẩm rẻ hơn từ các đối tác Ukraine. Và việc Kiev gia nhập EU sẽ khiến trợ cấp nông nghiệp cho các nước thành viên hiện tại bị cắt giảm 20%. Thế nên, EU phải tiến hành các cuộc cải cách của mình trước khi có thể tính đến việc kết nạp Ukraine hay bất kỳ một quốc gia nào khác.

Trong mọi trường hợp, việc Ukraine gia nhập Liên minh Châu Âu sẽ mất nhiều thời gian. Ngay cả đối với Croatia, quốc gia có tình hình ít phức tạp hơn Ukraine, quá trình này cũng kéo dài 10 năm. Đấy là trong điều kiện lý tưởng khi các quốc gia thành viên đều nhất trí ủng hộ.

Chưa kể đến hiện, Hungary và Ba Lan vẫn đang phản đối việc Ukraine gia nhập EU. Hungary hoàn toàn có thể sử dụng đến công cụ cứng rắn của mình là quyền phủ quyết bất cứ lúc nào nếu cảm thấy bất lợi cho lợi ích của nước này, như tuyên bố của Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm 16/12 vừa qua. Cũng theo ước tính của ông Peter, Hungary có tới 75 cơ hội phủ quyết trong suốt quá trình đàm phán gia nhập của Ukraine.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Không gian lạ - SCTV9

 

Công công xuất cung - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Thâm cung nội chiến - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...