Ông Kevin McCarthy đã mất chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ trong cuộc bỏ phiếu lịch sử tại Quốc hội về vấn đề ngân sách chính phủ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ bị phế truất lần đầu tiên trong lịch sử
Với 216 phiếu thuận và 210 phiếu chống, Hạ viện Mỹ – nơi đảng Cộng hòa chiếm đa số, đã thông qua nghị quyết phế truất Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy với 8 hạ nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu chống lại ông.
Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát với thế đa số mong manh đã khiến ông McCarthy hầu như không có nhiều lựa chọn để hành động, đồng thời trao cho các nghị sĩ theo quan điểm bảo thủ cứng rắn tầm ảnh hưởng lớn để gây sức ép với Chủ tịch Hạ viện.
Để giành được chiến thắng và đảm bảo chức Chủ tịch Hạ viện vào tháng 1, ông McCarthy cùng các đồng minh đã đưa ra một loạt nhượng bộ với các nghị sĩ có quan điểm bảo thủ. Một nhượng bộ lớn nhất là khôi phục khả năng của bất kỳ thành viên nào trong Hạ viện về việc đưa ra đề nghị bỏ trống vị trí Chủ tịch Hạ viện – động thái có thể dẫn đến một cuộc bỏ phiếu trong Hạ viện nhằm phế truất chủ tịch cơ quan này.
Cuộc bỏ phiếu ngày 3/10 nhằm phế truất ông McCarthy diễn ra sau khi Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Matt Gaetz đưa ra đề xuất trên.
Trên thực tế, đề xuất bỏ trống vị trí chủ tịch là hình thức đưa ra nghị quyết để phế truất Chủ tịch Hạ viện bằng cách tuyên bố vị trí này để trống. Đây là một công cụ hiếm khi được sử dụng và chưa từng có Chủ tịch Hạ viện nào bị phế truất qua việc thông qua nghị quyết trên. Tuy nhiên, mối đe dọa sử dụng nghị quyết này là một phương tiện mạnh mẽ để gây sức ép với Chủ tịch Hạ viện.
Bất kỳ thành viên nào cũng có thể đề xuất một nghị quyết lên Hạ viện nhằm phế truất Chủ tịch Hạ viện như ông Gaetz đã làm.
Nghị quyết khuấy động cơn bão chính trị trong Hạ viện Mỹ
Một nghị quyết phế truất Chủ tịch Hạ viện sẽ có đặc quyền được ưu tiên hơn các vấn đề khác. Tuy nhiên, việc trình nghị quyết trên không bắt buộc tiến hành một cuộc bỏ phiếu mặc dù điều này chắc chắn gây ra một “cơn bão” chính trị và một cuộc tranh luận về tương lai của Chủ tịch Hạ viện.
Để buộc tiến hành bỏ phiếu, một thành viên cần ra trước Hạ viện và thông báo về ý định đề xuất nghị quyết nhằm phế truất Chủ tịch Hạ viện. Động thái này sẽ yêu cầu Chủ tịch Hạ viện phải phải đưa nghị quyết ra tranh luận trong vòng 2 ngày.
Nếu một thành viên đưa ra nghị quyết nhưng không thông báo trước Hạ viện, điều đó không bắt buộc tiến hành một cuộc bỏ phiếu hay có bất kỳ tác động ngay lập tức nào mà chỉ là một đe dọa mang tính biểu tượng hoặc một lời cảnh báo với Chủ tịch Hạ viện.
Điều kiện để nghị quyết phế truất được thông qua
Một cuộc bỏ phiếu về nghị quyết phế truất Chủ tịch Hạ viện sẽ cần số phiếu quá bán để được thông qua.
Cuộc bỏ phiếu này vẫn có thể được ngăn chặn trước, thậm chí cả khi nó đang trong quá trình được đưa ra trước Hạ viện để cân nhắc. Chẳng hạn, khi nghị quyết được tuyên bố trước Hạ viện, một đề xuất tạm hoãn hoặc hủy bỏ nghị quyết có thể được đưa ra và sẽ được bỏ phiếu trước.
Cuộc bỏ phiếu này cũng chỉ yêu cầu tỷ lệ đa số quá bán để được thông qua và nếu nó thành công thì sẽ không còn cuộc bỏ phiếu trực tiếp về nghị quyết phế truất Chủ tịch Hạ viện bởi thay vào đó, nghị quyết này sẽ bị hoãn lại.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Theo quy định của Hạ viện Mỹ, Chủ tịch Hạ viện sau khi được bầu phải nộp lên Thư ký Hạ viện danh sách bí mật tên những người có thể đóng vai trò là Chủ tịch Hạ viện tạm thời trong trường hợp vị trí này bị bỏ trống.
Với việc ông McCarthy bị truất quyền, hiện nay, thư ký sẽ mở lại danh sách trên và tên người đầu tiên trong danh sách sẽ trở thành Chủ tịch Hạ viện lâm thời.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Patrick McHenry – đồng minh hàng đầu của ông McCarthy đã được chọn làm Quyền Chủ tịch Hạ viện và sẽ chủ trì việc bầu chọn Chủ tịch Hạ viện mới.
Lần gần đây nhất một kiến nghị phế truất được đưa ra là vào năm 2015 khi Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Bắc Carolina Mark Meadows trình nghị quyết vào thời điểm nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Ohio John Boehner làm Chủ tịch. Dù vậy nghị quyết này không dẫn tới một cuộc bỏ phiếu trước Hạ viện.
Không lâu sau khi nghị quyết được trình lên, ông Boehner gọi đây không phải là vấn đề lớn. Nhưng một vài tháng sau, ông đã thông báo về quyết định từ chức, cho biết ông có kế hoạch từ chức vào cuối năm nhưng những bất đồng nội bộ đã buộc ông phải từ chức sớm hơn kế hoạch.
Một vụ việc đáng chú ý khác cũng từng diễn ra vào năm 1910 khi Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Illinois Joseph Cannon giữ chức Chủ tịch Hạ viện đưa ra kiến nghị bãi nhiệm chính mình nhưng kiến nghị này đã thất bại khi không nhận đủ đa số phiếu với 155 phiếu thuận và 192 phiếu chống.
Có một số nhân tố khiến việc phế truất một Chủ tịch Hạ viện trở nên thách thức.
“Việc phế truất một Chủ tịch Quốc hội sử dụng nghị quyết đặc quyền khó khăn hơn nhiều so với những gì mọi người nghĩ. Điều đó đòi hỏi các thành viên trong đảng chiếm đa số phải sẵn sàng đối mặt với chỉ trích và sức ép từ những người trong đảng khi đưa ra nghị quyết, một thỏa thuận lưỡng đảng mà Chủ tịch Hạ viện bị phế truất và đa số sẵn sàng lựa chọn người khác để thay thế Chủ tịch hiện tại”, Matthew Green – Giáo sư về Chính trị tại Đại học Công giáo ở Washington cho hay.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...