Ngoại trưởng Pháp khẳng định sự ủng hộ và đoàn kết với Armenia, đồng thời nhấn mạnh Pháp đặc biệt quan tâm đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Armenia.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna hôm 3/10 có chuyến thăm tới Armenia và thông báo Pháp sẽ chuyển giao các thiết bị quân sự cho Armenia để nâng cao năng lực phòng thủ của Armenia trước nguy cơ leo thang căng thẳng với Azerbaijan và dòng người tỵ nạn từ Nagorno-Karabakh.
Phát biểu trong cuộc họp báo với người đồng cấp Armenia Ararat Mirzoyan, Ngoại trưởng Catherine Colonna đã bày tỏ sự quan ngại trước diễn biến mới tại khu vực Nagorno-Karabakh khi quân đội Azerbaijan ngày 19/9 bất ngờ mở chiến dịch chống khủng bố nhằm vào lực lượng ly khai thân Armenia tại đây và nắm hoàn toàn quyền kiểm soát khu vực này sau hơn 3 thập kỷ tranh chấp.
Bà Catherine Colonna tiếp tục khẳng định sự ủng hộ và đoàn kết với Armenia, đồng thời nhấn mạnh Pháp đặc biệt quan tâm đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Arménia và đang xem xét thể thức cụ thể để tăng cường quan hệ hợp tác song phương trên mọi lĩnh lực, trong đó bao gồm cả an ninh-quốc phòng.
“Pháp đã đồng ý ký kết các hợp đồng trong tương lai với Armenia, cho phép chuyển giao thiết bị quân sự tới Armenia để nước này tăng cường năng lực phòng thủ của mình”, bà Catherine Colonna cho biết.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna không nêu cụ thể các loại thiết bị quân sự sẽ được chuyển giao cho Arménia nhưng nhấn mạnh động thái này sẽ không làm leo thang căng thẳng tại khu vực Nagorno-Karabakh.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp cũng cho biết đã đề nghị Cao uỷ phụ trách An ninh và Đối ngoại châu Âu ông Josep Borrell tăng cường sự hiện diện và năng lực của Liên minh châu Âu (EU) tại khu vực Nagorno-Karabakh, đồng thời cho phép Armenia được nhận các khoản tài chính hỗ trợ từ khuôn khổ Quỹ Hòa bình châu Âu.
Pháp hiện là thành viên EU có các động thái ngoại giao tích cực nhất tại khu vực Nagorno-Karabakh vốn được coi là vùng ảnh hưởng của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này xuất phát một phần từ việc dân số Pháp có khoảng hơn 600.000 người gốc Arménia và đây được coi là một nhóm vận động hành lang đầy quyền lực trong các kỳ bầu cử.
Dưới sự thúc đẩy của Pháp, đầu năm 2023, EU đã triển khai một phái đoàn quan sát viên đặt tại thành phố Djermouk của Armenia và nằm sát biên giới với Azerbaijan. Cuối tháng 9/2023, khi căng thẳng leo thang tại Nagorno-Karabakh, Pháp tuyên bố mở thêm văn phòng lãnh sự quán tại thành phố Syunik ở phía Nam Arménia và bổ sung thêm một tuỳ viên quân sự.
Ngay trước thềm chuyến thăm Arménia của bà Catherine Colonna, Bộ ngoại giao Pháp cũng ra thông cáo đã giải ngân thêm 7 triệu euro viện trợ nhân đạo cho Armenia, nâng tổng số tiền tài trợ cho quốc gia này kể từ đầu năm 2023 lên thành 12,5 triệu euro.
Hiện Pháp đang vận động EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Azerbaijan nhưng đề xuất này đã vấp phải sự phản đối từ một số thành viên EU khác do lo ngại ảnh hưởng đến thỏa thuận năng lượng đã ký với Azerbaijan để thay thế nguồn cung từ Nga sau khi xung đột tại Ukraina nổ ra.
Nguồn: vov.vn