Tại Australia, các nhà nghiên cứu đã tận dụng bã cà phê để biến nó thành một nguyên liệu sản xuất ra bê tông theo một cách thân thiện với môi trường.
Uống cà phê cũng có thể bảo vệ môi trường là sáng kiến của các nhà nghiên cứu tại Đại học RMIT, Australia với việc biến bã cà phê thành nguyên liệu giúp tăng độ bền của bê tông, đồng thời giúp giảm lượng khí thải nhà kính.
Quá trình sản xuất bê tông là nguyên nhân chính tạo ra khí nhà kính, gây ra khoảng 8% lượng khí thải trên thế giới. Nhưng với bã cà phê, tình hình có thể được cải thiện.
Trước tiên, các nhà nghiên cứu đun nóng bã cà phê trong một quá trình được gọi là nhiệt phân, để tạo ra một chất gọi là than sinh học. Việc đưa than sinh học vào quá trình trộn bê tông sẽ giúp tăng độ bền của bê tông lên 30%.
Bê tông được sản xuất từ nguyên liệu bã cà phê (Ảnh: Getty Images)
Ông Rajeev Roychant (nhà nghiên cứu, Đại học RMIT, Australia) cho biết: "Bằng cách sử dụng bã cà phê, chúng tôi có thể giảm khoảng 10% lượng xi măng cần dùng so với thông thường, trong khi độ bền của bê tông lại tăng đáng kể".
Australia thải ra khoảng 75.000 tấn bã cà phê mỗi năm. Trong quá trình phân hủy, bã cà phê lại thải ra khí metan gây hại cho môi trường. Tuy nhiên, với sáng kiến của các nhà nghiên cứu, bã cà phê có thể thay thế tới 15% cát dùng để trộn bê tông vì đây là vật liệu đặc hơn.
Ông Tony Roussos, một chủ quán cà phê, cho rằng: "Đây là một ý tưởng rất sáng tạo. Bã cà phê là sản phẩm tự nhiên, dễ tìm. Khi được sản xuất đúng cách, nó lại trở thành nguyên liệu có lợi cho môi trường".
Hồi đầu tháng này, một địa phương ở Australia đã sử dụng bê tông cà phê để làm đường đi bộ. Nhiều trường đại học quốc tế cũng đang nghiên cứu tiềm năng của than sinh học và các kỹ thuật sinh học khác trong sản xuất bê tông.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...