Ấn Độ nỗ lực xích lại gần phương Tây

10:02 - 28/08/2023

Sau chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu vào năm 2022, với chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ đến Hy Lạp lần đầu tiên sau 40 năm, Ấn Độ đang cho thấy nỗ lực của nước này tiếp cận thị trường EU đồng thời thể hiện chính sách đối ngoại cân bằng với khu vực, cùng với đối tác Mỹ.

Chuyến thăm Hy Lạp đầu tiên sau 40 năm

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 25/8 đã đến Hy Lạp để hội đàm với lãnh đạo cấp cao quốc gia châu Âu này. Đây là chuyến thăm Hy Lạp lần đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ sau 40 năm; nhằm mục đích đưa mối quan hệ song phương Ấn Độ-Hy Lạp lên quỹ đạo hợp tác mới, trong nhiều lĩnh vực chiến lược.

Chuyến thăm của Thủ tướng Modi diễn ra trong bối cảnh các động lực địa chính trị đang thay đổi và Ấn Độ đang tích cực đa dạng hóa quan hệ đối tác trong khu vực. Ấn Độ không còn chỉ dựa vào các đồng minh truyền thống mà thay vào đó, nước này đang tìm kiếm các liên minh mới với các quốc gia có chung lợi ích như Hy Lạp. Mối quan hệ Ấn Độ-Hy Lạp được mở rộng trong những năm gần đây, bao gồm việc hợp tác trong các lĩnh vực như quốc phòng, thương mại và năng lượng.

Tại các cuộc hội đàm, Thủ tướng hai nước ghi nhận sự hợp tác giữa hai bên và trao đổi quan điểm về các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu cùng quan tâm. Hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ tầm nhìn về một khu vực Biển Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ, đặc biệt là UNCLOS 1982, trong đó tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và tự do hàng hải vì hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế.

Đáng chú ý, kết thúc hội đàm, hai bên đã ra Tuyên bố chung, nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tăng cường mối quan hệ song phương, đồng thời quyết định nâng cấp quan hệ Hy Lạp-Ấn Độ lên “Đối tác chiến lược”; đặt mục tiêu tăng gấp đôi thương mại song phương vào năm 2030.

Lãnh đạo hai nước cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc mở rộng và làm sâu sắc thêm các cam kết trong lĩnh vực quốc phòng, vận tải biển, khoa học công nghệ, không gian mạng, giáo dục, văn hóa, du lịch và nông nghiệp; duy trì đối thoại thường xuyên trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh và ngoại giao nhân dân. Hai bên nhất trí thúc đẩy công nghiệp quốc phòng và liên kết quân sự.

Phía Ấn Độ hoan nghênh Hy Lạp gia nhập Liên minh Năng lượng Mặt trời Quốc tế (ISA) và bày tỏ mong muốn Hy Lạp trở thành thành viên của Liên minh Cơ sở hạ tầng chống chịu thảm họa (CDRI).

Những tiến triển trong quan hệ EU-Ấn Độ

Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) duy trì quan hệ Đối tác chiến lược, đang chứng kiến ​​sự tăng trưởng mạnh mẽ với sự hợp tác sâu rộng hơn trong các lĩnh vực chính trị chiến lược, thương mại, khí hậu, khoa học công nghệ và giao lưu nhân dân. Hội nghị các nhà lãnh đạo Ấn Độ-EU, tổ chức vào tháng 5/2022, đã đặt ra những cột mốc mới với quyết định nối lại các cuộc đàm phán thương mại và khởi động Quan hệ đối tác kết nối Ấn Độ-EU.

Ấn Độ và EU có mối quan hệ truyền thống, tạo nền tảng cho sự hợp tác tiềm năng và cùng phát triển. Trong thời gian qua, hai bên nhận ra những cơ hội to lớn trong việc xây dựng một liên minh chặt chẽ hơn, đặc trưng bởi các giá trị chung và mục tiêu chung. Tính đến năm 2022, thương mại của hai nền kinh tế ở mức 120 tỷ USD, đưa EU trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Ấn Độ, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. EU hiện đang triển khai nhiều dự án, với trị giá hơn 150 triệu euro tại Ấn Độ.

Ấn Độ và EU có sự hội tụ trong mối quan hệ, trong đó hợp tác an ninh là một khía cạnh quan trọng, khi hai bên đều phải đối mặt với nhiều thách thức trong khu vực. Hai bên đã thiết lập một số cơ chế hợp tác trong lĩnh vực chống khủng bố, an ninh hàng hải và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Vị trí chiến lược của Ấn Độ ở Nam Á và khu vực lân cận, bao gồm cả những lo ngại về an ninh liên quan đến khủng bố và xung đột khu vực, đòi hỏi việc hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác như EU. Tương tự, sự tham gia của EU trong việc giải quyết các vấn đề an ninh ở châu Âu như di cư, khủng bố, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với Ấn Độ để giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu.

Ấn Độ và EU cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận quân sự và hải quân chung nhằm phản ánh cam kết đối với một trật tự tự do, rộng mở, toàn diện và dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai bên năm 2021 đã lần đầu tiên tổ chức Đối thoại an ninh hàng hải, tập trung vào hợp tác về nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, xây dựng năng lực và các hoạt động hải quân chung. Các nhà sản xuất thiết bị quốc phòng hàng đầu châu Âu cũng sẵn sàng hợp tác với các công ty Ấn Độ trong các dự án quốc phòng phù hợp với chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ”. Các đối tác châu Âu thừa nhận Ấn Độ là trụ cột quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Có thể nói, mối quan hệ song phương chặt chẽ Ấn Độ – EU có ý nghĩa sâu rộng về kinh tế và chính trị chiến lược. Ấn Độ và EU đều là những cực chính trị và kinh tế trong một thế giới đa cực. Do đó, việc tăng cường hợp tác giữa hai bên sẽ góp phần định hình trật tự quốc tế.

Ấn Độ xích lại gần phương Tây

Ấn Độ ngày nay đã trở nên thực dụng và chủ động hơn trong việc bảo vệ các lợi ích cốt lõi, sẵn sàng tìm cách biến sự cân bằng thành lợi thế của mình. Trên thực tế, Ấn Độ đang có những bước chuyển từ cách tiếp cận không liên kết sang cách cách tiếp cận mang tính thực tiễn và toàn cầu hóa, xây dựng quan hệ đối tác chặt chẽ với các cường quốc. Điều này nhằm theo đuổi nhiều lợi ích trong các bối cảnh khác nhau, không chỉ giúp Ấn Độ nâng tầm những ưu tiên cốt lõi, mà còn giữ được quyền tự chủ chiến lược, phù hợp với quan điểm về độc lập chính sách từ trước đến nay. Việc Ấn Độ chuyển sang hướng đa liên kết cho phép nước này có sự tiếp cận chủ động hơn, phù hợp với các mục tiêu chính sách đối ngoại dưới thời chính quyền Thủ tướng Modi.

Trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine đang tác động đến nền kinh tế châu Âu và phần còn lại của thế giới, Ấn Độ chủ trương tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác đa chiều, nhiều mặt với các quốc gia chủ chốt EU. EU đang thực hiện những điều chỉnh nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga và chuyển sang tập trung nhiều hơn vào năng lượng sạch trong trung hạn, trong khi Ấn Độ cũng tìm cách tăng cường an ninh năng lượng bằng cách tập trung năng lực phát triển, đầu tư cho năng lượng tái tạo, đồng thời tìm kiếm công nghệ và hỗ trợ phát triển từ các quốc gia EU. Mặt khác, nước này cũng duy trì việc triển khai chính sách Hành động hướng Đông; tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực, nhằm nâng cao vị thế, ảnh hưởng của Ấn Độ, nhất là tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong thời gian tới, việc cân bằng quan hệ với cả phương Tây và phương Đông vẫn là ưu tiên chính của Ấn Độ. Với việc nắm giữ vai trò Chủ tịch G20 trong năm 2023, Ấn Độ có cơ hội để khẳng định vị thế, vai trò trên trường thế giới và sẽ là địa bàn mà các cường quốc tranh thủ, vận động trong các toan tính chiến lược.

 

 

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...