Các quan chức phương Tây lo ngại, việc Ukraine thay đổi lối đánh có thể khiến tiến độ cuộc phản công chậm hơn và Nga sẽ nhân cơ hội này để củng cố lực lượng nhằm giáng đòn đáp trả mạnh mẽ đối với Kiev.
Mỹ và châu Âu lo ngại xung đột kéo dài có thể biến thành một cuộc chiến tiêu hao, giúp lợi thế nghiêng về phía Nga, trong khi bào mòn hy vọng các lực lượng Ukraine có thể vượt qua phòng tuyến Nga để tạo ra đột phá quyết định trong năm nay.
Ukraine điêu đứng trước hàng phòng tuyến của Nga
Hơn 2 tháng kể từ khi phát động cuộc phản công, Ukraine cho đến nay chỉ đạt được một số bước tiến nhỏ về mặt chiến thuật khi đối phó với tuyến phòng thủ kiên cố của Nga, mặc dù đã cử nhiều đơn vị tinh nhuệ do Mỹ và châu Âu huấn luyện. Cơ hội tiến hành các cuộc tấn công lớn đang thu hẹp dần khi thời tiết ẩm ướt và lạnh lẽo đến gần vào mùa thu.
Ukraine và các đối tác cam kết sẽ tiếp tục chiến đấu chừng nào còn cần thiết, nhưng giới chức nước này thừa nhận sẽ là một thách thức lớn để huy động nỗ lực viện trợ khổng lồ từng giúp Kiev tạo đà phản công. Đặc biệt, kho dự trữ vũ khí của phương Tây đang cạn kiệt. Hơn nữa, Mỹ và châu Âu sẽ không thể đẩy mạnh sản xuất đạn dược cho đến cuối năm 2024.
Một số nhân vật ủng hộ Ukraine cho rằng, Kiev vẫn có khả năng chọc thủng phòng tuyến của Nga trong năm nay, trước khi thời tiết ẩm ướt và giá lạnh ập đến làm phức tạp thêm hoạt động chiến đấu trên các vùng thảo nguyên của Ukraine. Bloomberg dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, đạn chùm do Mỹ cung cấp đã giúp quân đội Ukraine đẩy lùi nhiều cuộc tấn công, cho phép họ tiến quân vượt qua tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga ở một số khu vực. Nhưng khi cuộc tấn công kéo dài, việc duy trì viện trợ ngày càng trở nên khó khăn hơn trong bối cảnh có nhiều biến động trên chính trường Mỹ trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024.
Cuộc tranh luận để thông qua dự luật tài trợ tiếp theo cho Ukraine tại Quốc hội Mỹ vào mùa thu này được cho sẽ là cuộc tranh luận gay gắt nhất. Chưa kể, trong trận “so găng” đầu tiên của đảng Cộng hòa, 8 ứng cử viên tổng thống của đảng này đã bày tỏ lập trường cứng rắn liên quan đến việc cung cấp vũ khí và viện trợ cho Ukraine.
Các quan chức châu Âu lo ngại Tổng thống Joe Biden cuối cùng có thể tìm cách thúc đẩy Ukraine hướng tới đàm phán trong trường hợp Kiev không đạt tiến bộ đáng kể trên chiến trường và chiến dịch tranh cử ngày càng nóng hơn vào năm 2024.
Theo giới chức châu Âu, việc Mỹ tiếp tục đảm nhận vai trò đầu tàu trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là rất cần thiết bởi một mình châu Âu sẽ không có đủ khả năng tương trợ cho các lực lượng Kiev. Chính quyền Biden nhiều lần khẳng định cam kết sẽ duy trì viện trợ cho Ukraine và đã tăng dần số lượng vũ khí mà họ cung cấp.
Samantha de Bendern, cộng tác viên tại tổ chức tư vấn Chatham House của Anh cho rằng: “Nếu giao tranh rơi vào tình trạng bế tắc trong mùa đông, thì đây thực sự là một vấn đề lớn, dễ khiến các bên liên quan mệt mỏi và mất niềm tin. Cử tri Mỹ sẽ ngày càng ít quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Ukraine, còn châu Âu sẽ khó thuyết phục Mỹ rằng Ukraine là một vấn đề của Washington”.
Kiev đổi lối đánh
Đầu năm nay, Mỹ và châu Âu lạc quan về việc Ukraine sẽ đạt được tiến bộ đáng kể khi phương Tây cung cấp hàng loạt xe bọc thép, hệ thống tên lửa và các loại vũ khí khác cho Ukraine, cũng như huấn luyện chiến đấu cho nhiều đơn vị của nước này. Song hy vọng đó đã được thay thế bằng sự thừa nhận miễn cưỡng rằng ngay cả khi Ukraine có chiến thuật và vũ khí tiên tiến, nước này vẫn không đủ khả năng đánh bại hệ thống phòng thủ vững chắc của Nga một cách nhanh chóng.
Sau nỗ lực tấn công trực diện nhằm chọc thủng phòng tuyến của Nga mà không có sự yểm trợ từ trên không trong những tuần đầu tiên, Ukraine đã thay đổi chiến thuật. Kiev tìm cách làm suy yếu đối phương bằng các cuộc tấn công tầm xa vào lực lượng pháo binh và các tuyến tiếp tế của Nga, cũng như thăm dò sơ hở của đối phương trên mặt trận rộng lớn.
Mỹ đã hối thúc Ukraine tập trung toàn bộ lực lượng ra đòn tấn công quyết định để xuyên phá phòng tuyến của Nga. Nhưng cách tiếp cận đó đã không mang lại cho lợi thế nhanh chóng như cuộc phản công năm 2022. Nếu không có đủ sự hỗ trợ từ trên không, Kiev sẽ phải đối mặt với tổn thất nặng nề hơn và khó duy trì cuộc phản công.
Về mặt công khai, Ukraine và các đối tác phủ nhận cuộc phản công đang rơi vào tình trang bế tắc, nhưng ở phía sau, nhiều quan chức cảnh báo điều này có khả năng xảy ra khi những bước tiến trên thực địa diễn ra chậm chạp. Một trong số các nhà ngoại giao phương Tây nói rằng, với tỷ lệ hao hụt vũ khí và nguồn lực hạn chế mà Ukraine, việc Kiev thay đổi chiến thuật là điều đúng đắn dù họ cần rất nhiều thời gian.
Phương Tây lo Nga chớp cơ hội vàng
Tuần trước, Ukraine tuyên bố đã cắm cờ tại làng Robotyne ở vùng Zaporizhzhia, cách thị trấn tiền tuyến Orikhiv khoảng 10km. Các nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định, Robotyne có ý nghĩa quan trọng về mặt chiến thuật vì thế bước tiến của Ukraine trong khu vực có thể cho phép lực lượng của họ bắt đầu vượt qua các bãi mìn dày đặc nhất của Nga.
Song những chướng ngại vật mà Nga dựng nên, kết hợp với sức mạnh không quân của họ đã tạo ra thách thức lớn đối với Kiev. Một quan chức tình báo phương Tây cho biết, các lực lượng Nga đã rải lại các bãi mìn và dựng lại các chướng ngại vật bằng pháo binh và trực thăng khi quân Ukraine xuyên qua tiền tuyến. Trong một số trường hợp, Nga đã rải mìn ở phía sau lực lượng Ukraine để ngăn đối phương rút lui. Theo quan chức này, ngoài việc bổ sung thêm các thiết bị rà phá bom mìn sẽ giúp ích, Ukraine cũng cần các hệ thống phòng không tầm ngắn để bảo vệ các đơn vị tiến công.
Không chỉ riêng Ukraine, các hoạt động quân sự của Nga cũng đối mặt với nhiều trở ngại khi xung đột kéo dài. Nhưng ngay cả khi chịu tổn thất lớn, Moscow vẫn thành công trong việc bổ sung đạn dược và các nguồn cung khác. Lợi thế của Nga chính là thời gian. Phương Tây lo ngại Nga có thể nhân lúc Ukraine tiến công chậm chạp, coi đây là “cơ hội vàng” để củng cố lực lượng, sau đó ra đòn quyết định đáp trả Kiev.
Nga đã tìm cách vượt qua các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có của Mỹ và châu Âu nhằm làm suy yếu ngành công nghiệp quốc phòng của nước này. Một số nhà phân tích cho rằng, Nga có đủ đạn dược để chiến đấu trong ít nhất 1 năm nữa và có khả năng đưa thêm nhiều đơn vị mới ra mặt trận. Một nguồn tin cho biết, sở dĩ Nga có thể làm được điều này là bởi họ đã nhanh chóng thay thế nguồn cung cấp linh kiện và chất bán dẫn nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu, cho phép họ sản xuất vũ khí với tốc độ nhanh hơn so với phương Tây.
Nguồn: vov.vn
Đang gửi...