Trước đó, ngày 28.5, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 9 bị can, gồm: Nguyễn Thị Tuyết Sương (55 tuổi, ngụ Q.10, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Digital Credit), Trương Tuấn Tài (32 tuổi, ngụ Q.6, Giám đốc Công ty TNHH Fincap VN) cùng 7 người là trưởng phòng, trưởng bộ phận, trưởng nhóm của hai công ty trên và Công ty TNHH Sofi Solutions, cùng về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo Công an TP.HCM, Công ty TNHH MTV TMDV Digital Credit và Công ty Fincap VN đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, còn Công ty TNHH Sofi Solutions hoạt động trong lĩnh vực tư vấn tài chính. Dù đứng tên bởi các pháp nhân độc lập, trụ sở đăng ký ở Q.10, Q.3 nhưng thực tế 3 công ty này cùng hoạt động tại một tòa nhà trên đường Phan Tôn (Q.1), được điều hành cùng hệ thống quản lý.
Đặt máy chủ chứa dữ liệu ở nước ngoài
Các công ty này chủ yếu hoạt động “tín dụng đen” thông qua trang web tamo.vn và findo.vn, cho vay trái phép, đặt máy chủ chứa dữ liệu, vận hành tại nước ngoài.
Bị can Sương và Tài cùng nhiều nhân viên có nhiệm vụ triển khai mạng lưới tại Việt Nam với cơ cấu gồm nhiều bộ phận được phân công cụ thể. Ngoài giám đốc, trưởng phòng và các cấp quản lý, các trưởng của bộ phận, nhóm tuyển dụng, đào tạo, quảng cáo và tìm kiếm khách hàng.
Theo CQĐT, các nhân viên cấp dưới chuyên tư vấn, hướng dẫn người vay tiền thao tác trên web, ứng dụng đồng thời thấm định, kiếm tra xác minh thông tin, nhắc nợ…
Để lôi kéo được nhiều người vay, 3 công ty đưa ra thủ tục cực dễ, khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng cần đăng nhập vào web, ứng dụng trên điện thoại, điền đầy đủ thông tin cá nhân và số tiền cần vay. Hệ thống quản lý sau đó sẽ tự động giải quyết mà không cần gặp mặt nhân viên nào.
Còn các hợp đồng sẽ được lách luật, hợp thức hóa bằng cách thể hiện như khách hàng cầm cố điện thoại di động, xe, sau đó thuê lại chính thứ mình vừa cầm. Cùng với hợp đồng giả cách này, người vay sẽ chịu nhiều khoản như “phí thuê tài sản”, “xác minh”… Hơn 100 nhân viên đều làm việc trên không gian mạng và mỗi người được cấp một máy tính đã cài đặt sẵn phần mềm, ứng dụng, nhiều tầng bảo mật.
Trường hợp bị công an kiểm tra, người quản lý sẽ cho xóa toàn bộ dữ liệu… Số tiền mỗi lần khách được vay thấp nhất là 500.000 đồng, tối đa là 20 triệu đồng.
Khi đến hạn, người vay không thanh toán được có thể gia hạn nợ thêm 5 ngày, 10 ngày, 15 ngày…, tối đa không quá 30 ngày nhưng phải trả phí gia hạn cực cao.
Cho vay hơn 2 triệu lượt với hơn 6.000 tỉ đồng
Theo CQĐT, từ tháng 4.2019 đến khi bị phát hiện, bắt giữ, 3 công ty trên đã giải ngân cho vay hơn 2 triệu lượt, tổng cộng hơn 6.000 tỉ đồng, thu lợi hơn 4.100 tỉ đồng. Lãi suất những nơi này thấp nhất là 153%, cao nhất lên đến 1.200%/năm, gấp cả trăm lần mức lãi cho vay theo quy định pháp luật.
Một nguồn tin cho biết, để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan các công ty này, CQĐT gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xác định nơi hoạt động thực tế của họ.
Sau thời gian dài theo dõi hoạt động của các công ty nói trên, các phòng nghiệp vụ thuộc Công an TP.HCM, Công an Q.10, Công an Q.1…, đã đồng loạt khám xét 3 công ty này, thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan hoạt động cho vay lãi nặng.
Công an TP.HCM đang củng cố các chứng cứ, mở rộng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định.