Động thái này của Sở Nội vụ nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM mới đây về quán triệt, yêu cầu cán bộ, công chức gương mẫu chấp hành nghiêm quy định về phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.
Theo đó, Sở Nội vụ đề nghị Công an TP.HCM cung cấp danh sách thông tin các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông là cán bộ, công chức (gọi chung là cán bộ) gửi về cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác, yêu cầu kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cán bộ vi phạm và người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Căn cứ thông báo của Công an TP.HCM, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ mức độ vi phạm, nghiên cứu xem xét kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ vi phạm theo quy định. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng phải tự kiểm điểm trách nhiệm quản lý, tuyên truyền đối với quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông tại đơn vị.
Tín hiệu tích cực sau tháng cao điểm xử phạt nồng độ cồn ở TP.HCM
Để có cơ sở đề xuất UBND TP.HCM đưa nội dung gương mẫu chấp hành nghiêm quy định về phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông vào các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân, Sở Nội vụ đề nghị Công an TP.HCM đề xuất các mức quy định để đưa vào tiêu chí đánh giá đối với tập thể, cá nhân có liên quan.
Trong văn bản ban hành ngày 22.12, UBND TP.HCM yêu cầu cán bộ, công chức gương mẫu chấp hành quy định, không uống rượu, bia trước và trong lúc lái xe. Khi phát hiện cán bộ vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, cơ quan công an xử lý vi phạm phải gửi thông báo về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định.
UBND TP.HCM cũng nghiêm cấm đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị can thiệp vào việc xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn.