Cụ thể, khoảng 13 giờ 45 ngày 22.11, Cường và Trí đi xe máy không biển số đến một phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng BIDV trên đường Ngũ Hành Sơn (P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn). Cả hai xông vào ngân hàng, Trí cầm súng và bắn một phát chỉ thiên để uy hiếp nhân viên và bảo vệ, còn Cường cầm dao đến quầy và leo vào trong, ép nhân viên giao dịch phải chỉ chỗ cất tiền.
Tuy nhiên bị nhân viên và bảo vệ ngăn cản, Cường, Trí không lấy được tiền hay tài sản, cả hai bỏ chạy ra ngoài. Riêng Nguyễn Mạnh Cường trong quá trình bỏ chạy đã dùng dao đâm nhân viên bảo vệ của ngân hàng khiến nạn nhân tử vong sau đó tại bệnh viện.
Theo lời khai ban đầu, Cường, Trí nợ nần do cờ bạc, cá độ nên khi gặp nhau qua hội nhóm ‘quái gở’ trên mạng xã hội hướng dẫn về việc xù nợ, làm liều, cả hai đã cùng rủ nhau đi cướp ngân hàng.
Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm quái gở, là nơi “giao lưu” của nhiều người “vỡ nợ, thích làm liều”. Điển hình là vụ việc 3 nghi phạm Nguyễn Ngọc Mỹ (30 tuổi, ngụ Bình Dương), Lâm Phúc Lợi (23 tuổi, ngụ Vĩnh Long) và Nguyễn Thị Bích Tuyền (22 tuổi, ngụ Bến Tre) quen biết nhau qua “Hội vỡ nợ thích làm liều” trên Facebook, sau đó rủ nhau thực hiện vụ cướp chi nhánh Ngân hàng Sacombank tại H.Hóc Môn (TP.HCM) vào cuối tháng 10 vừa qua.
Đáng chú ý, 3 nghi phạm khai thậm chí không biết tên tuổi, địa chỉ của nhau, gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát trong quá trình truy bắt.
“Ngay sau khi nhận tin báo, Công an H.Hóc Môn đã triển khai lực lượng bảo vệ hiện trường, triển khai các biện pháp nghiệp vụ. Ban giám đốc Công an TP.HCM đã điều động toàn bộ lực lượng cảnh sát hình sự trên địa bàn thành phố tập trung điều tra dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Thành ủy; Phó giám đốc Công an TP.HCM, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT TP.HCM – đại tá Mai Hoàng. Đồng thời, ban chuyên án cũng nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ nghiệp vụ của Cục Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát hình sự của công an các tỉnh Long An, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre tập trung truy xét, nhanh chóng truy bắt đối tượng gây ra vụ cướp. Chỉ sau 22 giờ, ban chuyên án đã xác định và bắt được toàn bộ đối tượng”, trung tá Nguyễn Thành Hưng (Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM) cho biết.
Theo Cục Cảnh sát hình sự – Bộ Công an, hầu như các vụ cướp ngân hàng đều được khám phá rất nhanh là do ngân hàng là nơi tập trung nhiều người, có nhiều nhân chứng. Bên cạnh đó, hệ thống camera an ninh, báo động được bố trí ở mọi ngóc ngách. Khi xảy ra sự cố như cướp ngân hàng, toàn bộ lực lượng, phương tiện, biện pháp của cơ quan chức năng đều được huy động tối đa để truy xét thủ phạm. Chính vì vậy, hiếm có nghi phạm nào có thể thoát được sự truy xét của cơ quan công an.
Đến nay, nhiều người còn nhớ tới cái tên Phùng Thị Thắng (26 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM), nghi phạm gây ra vụ cướp ngân hàng 2,2 tỉ đồng gây xôn xao dư luận một thời.
Theo hồ sơ vụ án, do kinh doanh cửa hàng thời trang, quán ăn, nhà hàng, đầu tư bất động sản thua lỗ và vay mượn ngân hàng mà không có khả năng chi trả, Thắng nảy sinh ý định cướp tiệm vàng hoặc ngân hàng để lấy tiền trả nợ.
Trưa 10.10.2020, sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, Thắng đến phòng giao dịch Ngân hàng Techcombank (Q.Tân Phú, TP.HCM) và cướp 2,2 tỉ đồng.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vào tháng 12.2021, Thắng khai: “Bị cáo biết sẽ không giết được ai. Khi đi cướp, đã tìm hiểu và biết mình sẽ phải chịu những hình phạt gì, nhưng bị cáo vẫn muốn làm theo ý đồ của mình. Hôm nay, tòa có tuyên bị cáo bao nhiêu bị cáo cũng không quan trọng”, Thắng trình bày tại phiên tòa sơ thẩm. Kết quả, tòa tuyên án 19 năm tù đối với Thắng về tội “cướp tài sản”.
Có thể thấy, dù nguyên nhân là gì nhưng bất kỳ ai vi phạm pháp luật, các nghi phạm đều phải nhận hình phạt thích đáng. Đó cũng chính là bài học để cảnh tỉnh cho những người đang có ý định cướp cướp ngân hàng.