Theo Bộ Công an, trong năm 2022, toàn quốc phát hiện, điều tra 90 vụ mua bán người, với 247 đối tượng, lừa bán 222 nạn nhân (trong đó, mua bán ra nước ngoài chiếm 54%) và 8 vụ, 21 đối tượng với các hành vi có liên quan.
Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc tiếp tục phát hiện, điều tra 88 vụ, với 229 đối tượng phạm tội mua bán người theo các tội danh được quy định tại điều 150, điều 151 Bộ luật Hình sự, xác định được 224 nạn nhân bị mua bán (trong đó, mua bán ra nước ngoài chiếm 55%).
Thủ đoạn phổ biến của tội phạm mua bán người là các đối tượng lợi dụng mạng xã hội như (Zalo, Viber, Facebook…), sử dụng tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, hứa hẹn tìm việc làm với thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài… Sau đó, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài, ép làm mại dâm, làm vợ bất hợp pháp; cưỡng bức lao động hoặc lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại quán karaoke, cắt tóc, massage.
Ngoài ra, các đối tượng còn lập hội, nhóm kín “Cho nhận con nuôi” trên mạng xã hội, tìm những phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin con nuôi. Sau đó, đem bán lấy tiền hưởng lợi. Bên cạnh đó, tình trạng mang thai hộ vì mục đích thương mại vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp.
Về địa bàn hoạt động, tình hình mua bán người trên các tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, Việt Nam – Lào diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Nếu như trước đây, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thì hiện nay các nam thanh niên bị mua bán ngày càng nhiều.
Địa bàn mua bán người cũng thay đổi, có xu hướng chuyển từ phía bắc vào miền Trung và miền Nam. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, đối tượng cầm đầu đường dây, tổ chức thường ở nước ngoài, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng chống.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân nói riêng trong bối cảnh hiện nay được dự báo còn nhiều thách thức.
Theo bà Dương, tội phạm mua bán người thường hoạt động dưới các băng đảng, thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia, với những thủ đoạn tinh vi, được che đậy dưới vỏ bọc là tình nguyện viên trong các trại tị nạn, các cơ sở y tế tư nhân, các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và thông qua các nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận, dụ dỗ, bắt cóc các nạn nhân.