Theo cáo buộc, ông Quyết cùng đồng phạm nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng. Các bị cáo sử dụng thông tin của nhiều cá nhân là nhân viên, người quen để ký các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, ủy thác đầu tư…, sau đó tạo lập hồ sơ để đề nghị niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, bán cho nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng.
Để phục vụ xét xử, tòa án triệu tập 30.403 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS (lần đầu bán ra), với tư cách là bị hại và 63.092 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong hơn 2 ngày xét xử, chỉ có khoảng vài chục nhà đầu tư có mặt.
Nhà đầu tư muốn được xác định là bị hại
Là một trong số ít nhà đầu tư trình bày ý kiến, ông Lưu Quang H. (trú tại Hà Nội) cho biết mua cổ phiếu ROS giai đoạn năm 2019 - 2020. Ông H. không mua một lần mà mua thành nhiều lần, tăng dần khối lượng cổ phiếu. Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư này còn nắm giữ 150.000 cổ phiếu ROS.
Theo ông H., những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS đến thời điểm vụ án đưa ra xét xử mới là người chịu thiệt hại trực tiếp. Vì thế, ông đề nghị tòa xác định ông và các nhà đầu tư tương tự là bị hại.
Người đàn ông này cũng bày tỏ mong muốn và đề nghị cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết khắc phục hậu quả bằng cách mua lại số cổ phiếu ROS mà ông và nhiều nhà đầu tư khác đang nắm giữ.
Trường hợp khác là ông Lê Ngọc N. (trú tại Đà Nẵng) được triệu tập đến phiên tòa với 2 tư cách tố tụng, vừa là bị hại, vừa là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Ông N. cho hay, quá trình mua cổ phiếu ROS rải rác từ năm 2017 - 2022. Thời điểm ông N. mua, cổ phiếu ROS nằm trong "rổ" VN30 trên sàn HOSE - nhóm 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa, thanh khoản cao nhất. Do đó, ông cũng như các nhà đầu tư khác tin tưởng xuống tiền mua.
Đến thời điểm hiện tại, ông N. còn nắm giữ hơn 667.000 cổ phiếu ROS. Nhà đầu tư đến từ Đà Nẵng mong muốn được lấy lại tiền gốc đã bỏ ra mua cổ phiếu, đồng thời được bồi thường cả về vật chất và tinh thần.
Xin giảm nhẹ cho ông Trịnh Văn Quyết
Tham gia trình bày ý kiến, một nhà đầu tư khác là ông Vũ Xuân H. (trú tại Hà Nội), mua cổ phiếu ROS trong khoảng thời gian năm 2018 - 2019, đến nay còn nắm giữ 1.300 cổ phiếu này.
Ông H. nói khi mua cổ phiếu ROS thì không hề quen biết bị cáo Trịnh Văn Quyết. Nhà đầu tư đề nghị hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, để bị cáo sớm được trở về tiếp tục sản xuất kinh doanh, cũng là để không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư còn đang nắm giữ cổ phiếu.
Trong khi đó, ông Võ Tây N. (trú tại TP.HCM), đang nắm giữ 200.000 cổ phiếu ROS, gợi ý 2 phương án giải quyết. Thứ nhất là để bị cáo Trịnh Văn Quyết bồi thường cho các nhà đầu tư. Thứ hai là xem xét cho cổ phiếu ROS tiếp tục được niêm yết.
Một số nhà đầu tư khác đều bày tỏ nguyện vọng sớm được bồi thường thiệt hại, cách tốt nhất là để cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đứng ra giải quyết hậu quả bằng việc lấy tài sản của mình để khắc phục thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Tại phiên xét xử chiều qua 23.7, khi được luật sư hỏi về phương án khắc phục thiệt hại, ông Trịnh Văn Quyết nói rằng số tài sản đang bị phong tỏa có giá trị ước tính gần 5.000 tỉ đồng. Đây là toàn bộ tài sản tích lũy trong hơn 20 năm lập nghiệp. Bị cáo mong muốn dùng toàn bộ để khắc phục hậu quả, vì thế mong được gỡ các lệnh phong tỏa để thực hiện việc này.
Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC nói, đến nay, bị cáo được tạo điều kiện để bán "đứa con tâm huyết nhất" là hãng hàng không Bamboo Airways. Ngoài số tiền khoảng 200 tỉ đồng mà gia đình đã nộp khắc phục, nếu đối tác thanh toán thêm 500 tỉ đồng thì số tiền này sẽ được nộp ngay vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chức năng.
"Tôi sẵn sàng chấp nhận phán quyết của hội đồng xét xử, luôn mong muốn được khắc phục hoàn toàn. Tôi cũng muốn nhận hết trách nhiệm cho những bị cáo liên đới khác", ông Trịnh Văn Quyết nói.