Luận tội, đại diện Viện KSND TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đánh giá bị cáo Lan lợi dụng chính sách của nhà nước về cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, tìm cách thâu tóm, chi phối, điều hành toàn bộ các hoạt động của SCB. Bị cáo từng bước nắm giữ, chi phối đến 91,5% cổ phần SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB; tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại SCB.
Từ đó, Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như là công cụ tài chính, huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi lập hồ sơ vay khống, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo; đưa tài sản bảo đảm không đủ pháp lý, không đăng ký giao dịch bảo đảm, rút tài sản có giá trị lớn hoán đổi bằng tài sản có giá trị thấp hơn rút tiền SCB; khi SCB giải ngân tiền theo phương án khống, bị cáo Lan chỉ đạo cấp dưới lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền bằng thủ đoạn lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng.
Trong 10 năm, từ 2012 - 2022, SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỉ đồng (gần 484.000 tỉ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỉ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Tranh cãi về đề nghị án tử hình
Với thiệt hại trên, Viện kiểm sát đề nghị Trương Mỹ Lan tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 19 - 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt tử hình.
Theo Viện kiểm sát, bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội nhiều tội danh đặc biệt nghiêm trọng; bị cáo tổ chức thực hiện chuỗi hành vi phạm tội trong một thời gian dài, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, gian dối; chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn cho nhà nước, nhân dân và SCB. Hơn nữa, Trương Mỹ Lan có 3 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: bị cáo thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức; phạm tội từ 2 lần trở lên; dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội. Vì vậy, Viện kiểm sát đề nghị mức án trên.
Khi bào chữa, luật sư cho rằng Trương Mỹ Lan không phạm tội tham ô tài sản vì bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB. Đại diện Viện kiểm sát nói chủ thể tội này là "người nào có chức vụ, quyền hạn" chứ không phải có "chức vụ và quyền hạn", trong khi Trương Mỹ Lan nắm quyền cao nhất SCB, điều hành các bị cáo có chức vụ khác.
Ngoài ra, theo luật sư, hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan trong suốt 10 năm là tương tự, cùng phương thức phạm tội, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, truy tố Lan 2 tội danh là làm nặng tình trạng của bị cáo. Viện kiểm sát cho rằng hành vi của Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong suốt 10 năm được chia thành 2 giai đoạn. Tức, hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1.1.2018, xử lý theo điều khoản tương ứng là điều 179 "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Còn hành vi của Lan và đồng phạm xảy ra từ 0 giờ ngày 1.1.2018 sẽ xử lý theo bộ luật Hình sự mới, tương ứng với tội tham ô tài sản.
Về tội đưa hối lộ 5,2 triệu USD, luật sư cho rằng ngoài lời khai nhận tội của bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II) và lời khai của người đưa tiền là cựu Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn, thì không có chứng cứ nào thể hiện Trương Mỹ Lan chỉ đạo Văn đưa tiền cho Nhàn nên không có cơ sở buộc tội bị cáo Lan đưa hối lộ.
4 bị cáo bị đề nghị án chung thân
Đối với 85 bị cáo trong vụ án Trương Mỹ Lan, thì có 45 bị cáo làm việc tại SCB. Trong đó 24 bị cáo là người giữ chức vụ cấp cao, gồm 11 bị cáo thuộc HĐQT (3 chủ tịch, 5 phó chủ tịch và 3 thành viên khác); 11 bị cáo thuộc ban điều hành (4 tổng giám đốc và 7 phó tổng giám đốc); 2 bị cáo làm trưởng ban kiểm soát ở 2 giai đoạn khác nhau.
Đánh giá từng vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Lan chiếm đoạt tiền của SCB, Viện kiểm sát khi luận tội đề nghị 3 án chung thân cho 3 cựu lãnh đạo cấp cao tại SCB, gồm: bị cáo Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT (trốn truy nã, xét xử vắng mặt); bị cáo Bùi Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT; bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc.
Đối với 3 bị cáo này, Viện kiểm sát đánh giá đều có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng lại có 3 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: thực hiện hành vi phạm tội có tổ chức; phạm tội từ 2 lần trở lên; dùng thủ đoạn tinh vi để phạm tội.
Đối với nhóm 18 bị cáo đoàn thanh tra, tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước tại SCB và lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng nhà nước, thì bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị Viện kiểm sát đề nghị án chung thân vì nhận hối lộ 5,2 triệu USD.
Theo Viện kiểm sát, quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Nhàn thừa nhận hành vi phạm tội, nộp lại toàn bộ tiền nhận hối lộ… Nhưng bị cáo có 2 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là dùng thủ đoạn tinh vi, phạm tội nhiều lần; đồng thời hậu quả vụ án đặc biệt lớn nên cần có mức án nghiêm.
Lần đầu tiên xét xử tội tham ô đối với tổ chức ngoài nhà nước
Trước đây tại bộ luật Hình sự năm 1999, nhóm tội tham nhũng, trong đó có tham ô tài sản chỉ áp dụng với những người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực công.
Theo bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), chủ thể của tội tham ô tài sản là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; từ đủ 16 tuổi trở lên và không trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.
Do đó, bị cáo Trương Mỹ Lan là bị cáo đầu tiên bị xét xử về tội tham ô tài sản đối với nhóm doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước từ khi bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ 1.1.2018.