Theo Viện KSND TP.HCM, các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) khối D do tư nhân thành lập. Tại các trung tâm này, chủ đầu tư và ban giám đốc trung tâm đưa ra chủ trương và tỷ lệ ăn chia số tiền nhận hối lộ theo tỷ lệ, và định kỳ cuối tuần. Vì vậy, mỗi bị cáo phải chịu trách nhiệm với tổng số tiền đã nhận. Đồng thời, các bị cáo liên quan, tùy mức độ, vai trò, cũng phải chịu trách nhiệm với tình tiết phạm tội từ 2 lần trở lên, có tổ chức.
Ngoài ra, khi bào chữa, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Bích cho rằng thân chủ mình không phạm tội "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức", chỉ phạm tội "đưa hối lộ". Theo hồ sơ, bị cáo Bích là người nhận tiền của chủ 268 xe cải tạo cần hợp thức hóa hồ sơ (xe cứu thương, xe tải van, xe tang lễ). Bị cáo Bích đã sử dụng 268 hồ sơ nghiệm thu khống của Công ty TNHH Hồng Đức, rồi móc nối, đưa hối lộ cho bị cáo Nguyễn Trọng Vĩnh (cựu Giám đốc TTĐK 50-15D) 268 triệu đồng để thực hiện nghiệm thu hồ sơ xe cải tạo, hưởng lợi bất chính hơn 80 triệu đồng.
Viện kiểm sát: Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội
Đối đáp, Viện KSND TP.HCM nêu khoản 1 điều 9 Thông tư 85 của Chính phủ về hoạt động cải tạo xe cơ giới đã xác định: "Việc thi công cải tạo xe cơ giới phải thực hiện tại các cơ sở cải tạo có kinh doanh ngành nghề thi công cải tạo, sản xuất, lắp ráp xe cơ giới theo quy định của pháp luật". Kết quả điều tra thể hiện, Công ty TNHH Hồng Đức có 268 hồ sơ thiết kế, các phương tiện theo các hồ sơ này không được cải tạo tại công ty; các chủ xe khai, thực tế tự đi cải tạo, không đưa đến các cơ sở được cấp phép thực hiện, sau đó chi 6 triệu đồng/hồ sơ nhờ bị cáo Bích hợp thức hóa hồ sơ, hoàn thiện đăng kiểm.
"Bị cáo Bích là cò chuyên nghiệp, phạm tội với lỗi cố ý nên việc truy tố, xét xử bị cáo Bích là đúng người, đúng tội", Viện KSND TP.HCM đánh giá, và nhìn nhận ở phần xét hỏi và quá trình điều tra, bị cáo Bích đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, nên việc luật sư cho rằng bị cáo không phạm tội, thì đây là quan điểm của luật sư.
"Tại phần tranh luận, bị cáo đang bị bệnh, xin vắng mặt nên Viện kiểm sát vẫn cho bị cáo Bích hưởng tình tiết thành khẩn khai báo", đại diện Viện KSND TP.HCM tranh luận.
Bên cạnh đó, một số luật sư cũng bào chữa "hai hàng" khi cho rằng thân chủ không thực hiện hành vi phạm tội nhưng lại đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Viện KSND TP.HCM nêu bản thân các bị cáo, là những người thực hiện hành vi phạm tội, sẽ là người biết rõ nhất, hiểu chính xác nhất mình có thực hiện hành vi đó không, thực hiện ở mức độ nào. Ở vụ án này, trong khi các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, thể hiện thái độ thành khẩn để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thì nhiều luật sư vẫn phân tích và cho rằng hành vi của bị cáo thân chủ mình không cấu thành tội phạm, bị cáo không phạm tội. Như vậy, các luật sư đang không tôn trọng sự lựa chọn của khách hàng.
Trước đó, Viện KSND TP.HCM đã đối đáp lại các quan điểm bào chữa của luật sư, tự bào chữa của các bị cáo liên quan đến sai phạm tại Cục Đăng kiểm VN, TTĐK khối V do Cục Đăng kiểm VN trực tiếp quản lý, gồm: 50-03V, 50-05V, 50-06V, 50-07V.
Ở phần luận tội, Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình (Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, từ tháng 1.2014 - 7.2021) từ 18 - 19 năm tù về tội "nhận hối lộ", từ 5 - 6 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", tổng hợp hình phạt từ 23 - 25 năm tù; bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN, từ tháng 8.2021 - 12.2022) 20 năm tù về tội "nhận hối lộ"; 252 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 1 năm tù treo tới 30 năm tù giam.
Hôm nay (16.8), các luật sư sẽ tiếp tục bào chữa cho nhóm hành vi "sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật", các bị cáo thuộc Phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm VN) và 2 chi cục đăng kiểm liên quan; nhóm bị cáo sai phạm trong mua sắm, đấu thầu trang thiết bị đăng kiểm. Sau khi bào chữa xong từng nhóm, Viện KSND TP.HCM sẽ đối đáp trở lại.