Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ tháng 1.2014 - 7.2021) 19 năm tù về tội "nhận hối lộ" hơn 7,1 tỉ đồng; 6 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Tổng hợp hình phạt chung là 25 năm tù.
Theo HĐXX, bị cáo Trần Kỳ Hình không làm đúng chức trách, buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng tiêu cực có hệ thống, trong thời gian dài, vì vụ lợi cá nhân nhận tiền của các bị cáo đơn vị đăng kiểm tư nhân hơn 7,1 tỉ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Hình còn lợi dụng vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật, phê duyệt thông báo năng lực cho 63 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đúng quy định. Bị cáo Hình đã nộp lại 2,85 tỉ đồng và 12.000 USD khắc phục hậu quả.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ tháng 8.2021 - 12.2022) 19 năm tù về tội "nhận hối lộ".
Theo HĐXX, bị cáo Hà đã thiếu giám sát và chỉ đạo lãnh đạo các phòng ban Cục Đăng kiểm Việt Nam, các TTĐK trên cả nước nhận hối lộ, từ đó để xảy ra tiêu cực có hệ thống trong thời gian dài.
HĐXX cũng nhận định bị cáo Đặng Việt Hà vì vụ lợi cá nhân, khi nhận nhiệm vụ cục trưởng, chỉ đạo cấp dưới nâng mức tiền nhận hối lộ của bản thân cao nhất, vì vậy bị cáo Hà phải chịu trách nhiệm chung với số tiền nhận hối lộ của Phòng Kiểm định xe cơ giới - Phòng VAR (Cục Đăng kiểm Việt Nam) 31 tỉ đồng, và một số TTĐK tại TP.HCM, Hà Nội. Tổng số tiền bị cáo Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm chung là hơn 40 tỉ đồng, hưởng lợi 8,55 tỉ đồng. Bị cáo đã nộp lại toàn bộ tiền hưởng lợi.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Vũ Hải (cựu Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, phụ trách hoạt động của Phòng Tàu sông) 4 năm tù về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong việc cấp thông báo năng lực cho 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện.
251 bị cáo còn lại, HĐXX tuyên phạt từ 1 năm tù treo đến 30 năm tù.
251 bị cáo bị xét xử về 1 trong 11 tội danh: "đưa hối lộ"; "nhận hối lộ"; "môi giới hối lộ"; "giả mạo trong công tác"; "sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật"; "xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác"; "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức"; "sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức"; "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "tham ô tài sản".
Đối với quan điểm của luật sư và một số bị cáo đề nghị xem xét lại số tiền nhận hối lộ và tiền phải chịu trách nhiệm, HĐXX đánh giá các bị cáo phạm tội trong thời gian dài, dữ liệu 2020 trở về trước không còn lưu giữ; quá trình điều tra, các bị cáo thừa nhận hành vi, lời khai, đồng thời CQĐT, Viện kiểm sát thực hiện đối chất, nhận dạng, áp dụng lời khai theo hướng có lợi nhất cho mỗi bị cáo.
Tranh tụng tại tòa, bị cáo liên quan đều xác định quá trình điều tra không bị ép cung, mớm cung. Chính các bị cáo cũng xác định không có chứng cứ tài liệu nào khác để tính toán số tiền nhận hối lộ như cáo trạng truy tố. Vì vậy, đề nghị của các bị cáo về tính lại số tiền nhận hối lộ là không chấp nhận.
Đối với lời trình bày của các bị cáo cho rằng hành vi nhận tiền hối lộ chỉ là bồi dưỡng, không phải nhận hối lộ. Theo tòa, pháp luật không cho phép đăng kiểm nhận tiền của chủ phương tiện nên các bị cáo nói tiền bồi dưỡng là không có căn cứ xem xét.