Án lệ liên quan đến vụ tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị G. và bị đơn là ông Nguyễn Văn U. (em trai bà G., cùng trú tại tỉnh Cà Mau).
2 chị em tranh chấp 32.500 m2 đất
Theo đơn khởi kiện, bà G. cho biết, cha mẹ bà sinh được 8 người con, bà G. là con thứ tư, ông U. là con trai út. Bố mẹ bà G. có thửa đất rộng 32.500 m2 thuộc sở hữu chung vợ chồng.
Năm 1998, bố bà G. lập di chúc để lại cho bà phần đất 15 công tầm cấy, 10 công còn lại ai thờ cúng sẽ được hưởng. Sau khi lập di chúc này, bố bà G. qua đời.
Năm 2000, bà G. cho rằng ông U. giả mạo chữ ký của bố mình để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được UBND huyện cấp "sổ đỏ". Tại thời điểm đó, bà G. không phát hiện việc này.
Năm 2006, mẹ bà G. tiếp tục lập di chúc, thể hiện cho bà G. toàn bộ diện tích 32.500 m2 đất để bà G. quản lý và thờ phụng cha mẹ. Sau khi mẹ mất, bà G. quản lý và sử dụng đất. Đến năm 2016, ông U. đến ngăn cản vì cho rằng đất này thuộc quyền sở hữu của mình.
Không đồng tình với yêu cầu của em trai, bà G. làm đơn khởi kiện, đề nghị tòa tuyên hủy "sổ đỏ" đã cấp cho ông U., đồng thời công nhận quyền sử dụng khu đất 32.500 m2 của bà theo đúng di chúc của cha mẹ.
Ngược lại trình bày của chị gái, ông U. khẳng định, năm 1998 bố mẹ đã tặng khu đất trên cho ông, có biên bản họp gia đình, ông đã nộp cho cơ quan thẩm quyền và được cấp "sổ đỏ". Đối với việc bố mẹ lập di chúc và họp gia đình về việc cho bà G. đất, ông không hề hay biết.
Ông U. không chấp nhận yêu cầu của bà G. và có đơn phản tố, đề nghị tòa buộc chị gái trả lại cho mình toàn bộ diện tích đất 32.500 m2.
Trong số 8 anh, chị, em bà G., đến nay đã có 2 người qua đời. Ngoài nguyên đơn và bị đơn, 4 người còn lại được triệu tập tới tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
3 trong số 4 người đều cho biết khi bố mẹ còn sống có họp gia đình, lập di chúc để lại đất cho bà G. Bà G. cũng là người sinh sống cùng bố mẹ từ nhỏ, là người chăm sóc, nuôi dưỡng và thờ cúng 2 cụ. Họ đề nghị tòa chia thừa kế cho bà G. theo di chúc của bố mẹ.
Không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSD tối cao
Tháng 4.2019, TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà G., hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông U., đồng thời không chấp nhận yêu cầu phản tố của ông này. Ông U. không đồng tình nên kháng cáo.
Gần 1 năm sau, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm, bác kháng cáo của ông U., giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Cà Mau.
Đến tháng 3.2022, Viện trưởng Viện KSND tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy cả 2 bản án của TAND tỉnh Cà Mau và TAND cấp cao tại TP.HCM.
Tại phiên giám đốc thẩm sau đó, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao không chấp nhận quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao.
Theo Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, mặc dù di chúc của bố mẹ chỉ ghi để lại cho bà G. phần đất 15 công tầm lớn mà không thể hiện diện tích cụ thể, nhưng có nêu tứ cận của khu đất giáp với các hộ bên cạnh. Hiện nay không có tranh chấp về tứ cận.
Cạnh đó, di chúc của bố mẹ bà G. khi lập đều có chữ ký của các con và xác nhận của chính quyền địa phương, không ai phản đối việc để lại đất cho bà G. Biên bản họp gia đình tuy không có chữ ký của ông U., nhưng có chữ ký của những người con còn lại và xác nhận của chính quyền địa phương.
Ông U. cho rằng được cha mẹ cho đất và được UBND huyện cấp "sổ đỏ" nhưng không xuất trình được chứng cứ chứng minh có việc cha mẹ tặng, cho đất. UBND huyện cũng có công văn cho hay hồ sơ cấp "sổ đỏ" cho ông U. đến nay đã thất lạc…
Từ những căn cứ nêu trên, TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm căn cứ vào nội dung của di chúc, biên bản họp gia đình, lời khai của các anh, chị, em trong gia đình, quá trình quản lý, sử dụng đất liên tục… để công nhận bà G. được hưởng thừa kế là có căn cứ.